“Cô Tấm” nặng tình với vùng cao Phú Mỡ

GD&TĐ - Cô Phạm Thị Tâm là giáo viên của điểm trường làng Đồng, thuộc Trường Mầm non Phú Mỡ (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Cô là tấm gương tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì cộng đồng.

Cô Phạm Thị Tâm chuẩn bị bữa ăn bán trú cho trẻ.
Cô Phạm Thị Tâm chuẩn bị bữa ăn bán trú cho trẻ.

Gian nan nghề giáo

Đầu tháng 10, mùa mưa đã chính thức bắt đầu. Để trải nghiệm nỗi vất vả, nhọc nhằn của người giáo viên vùng cao, tôi theo chân cô Phạm Thị Tâm từ thị trấn La Hai lên xã Phú Mỡ, thăm hai điểm trường mầm non nơi cô công tác.

Điểm trường chính ở thôn Phú Giang, nơi cô thường về đây dự họp (cách trung tâm huyện Đồng Xuân 50km) nhưng nhiều đèo cao dốc đứng. Mùa mưa nơi đây có những đoạn đá lở khá nguy hiểm. Từ điểm trường chính này, phải đi thêm 10km nữa mới đến điểm trường phụ nơi cô Tâm đang dạy học ở làng Đồng.

Con đường đến trường cô Tâm, mấy hôm nay mưa xuống khiến đất nhão nhoét, lầy lội, hai chúng tôi bị ngã mấy lần, mặt mũi, quần áo bê bết bùn đất. Có đoạn chúng tôi phải dừng lại gỡ đất đặc quánh dính vào bánh xe. Nhiều đoạn dốc dựng đứng, chúng tôi phải đi bộ, cô Tâm cài số 1 rồi kéo ga, còn tôi thì ráng sức đẩy. Có những đoạn đường đứt từng khúc, chênh vênh, đá gồ ghề lởm chởm và liên tục bị cắt ngang bởi những con suối.

Cả đoạn đường vào điểm trường nguy cơ đất đá sạt lở luôn rình rập. Kế bên đường là con sông Bà Đài nước đỏ ngầu chảy cuồn cuộn. Con đường trở nên hun hút, xa thẳm. Tâm nói, đi nhiều rồi sẽ quen. Hồi mới lên đây, cô cũng run sợ như tôi vậy.

Mỗi lần đi lại là trượt ngã xe tới vài lượt, mỗi lần leo dốc là nín thở và chỉ khi lên tới trường mới thở phào nhẹ nhõm. Mới có 3 tháng đi lại mà xe bể hết gương, còn hai đầu ngón chân cái bị chà xát, thay tróc vài lớp da.

Lên đến điểm trường chính rồi qua điểm trường làng Đồng, trời đã quá trưa, người tôi đau ê ẩm, chân tay rã rời. Còn Tâm thì cười tươi, vội vã thay bộ đồ bê bết bùn đất rồi lấy can nhựa đi chở nước về nấu cơm trưa. Thoáng thấy cô Tâm về đến trường, mấy phụ nữ Bana liền gùi trái bắp, ít sắn ngon đến tặng cô.

Đường đến với nghề giáo…

Cô Phạm Thị Tâm và học trò.
Cô Phạm Thị Tâm và học trò.

Tâm kể, sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, năm 2000 cô theo anh trai vào Phú Yên sinh sống. Tuổi trẻ, cô có nhiều ước mơ, khát vọng đẹp. Cô mơ thành diễn viên, công an, nhà báo... nhưng nhà nghèo nên gia đình hướng cô thi sư phạm để đỡ tiền học phí.

Tháng 7/2000 cô Tâm thi đỗ vào Khoa Văn – Sử của Trường ĐH Sư phạm Phú Yên với số điểm thủ khoa. Tuy nhiên, theo quy định của trường, cô không được học vì không đủ điều kiện, phải có hộ khẩu 3 năm thường trú tại địa phương! Khi ấy, cô đã khóc cạn nước mắt, đã viết đơn xin cam đoan ở lại đây sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn không được chấp thuận.

Năm sau (năm 2001), Tâm thi đậu vào Trường CĐ Sư phạm Trung ương 2 Nha Trang. Năm 2004, tốt nghiệp ra trường, cô nộp hồ sơ xin việc tại Phòng GD&ĐT huyện Đồng Xuân. Hơn một năm sau, tháng 10/2005, cô được tuyển dụng vào ngành Giáo dục, chính thức trở thành cô giáo mầm non dạy học, chăm sóc trẻ tại một số trường mẫu giáo thuộc vùng thuận lợi trong huyện.

Từ đầu năm học 2018 - 2019, cô được tăng cường đến Trường Mầm non Phú Mỡ - ngôi trường thuộc xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất tỉnh Phú Yên. Sau một năm công tác, cô quyết định và viết đơn xin gắn bó lâu dài với nơi này.

Cô nói, khi chấp nhận về dạy ở đây là một sự “dấn thân”, không ngại phải đối mặt với khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt… Điện thì hay lệch pha, cắt cúp thường xuyên. Cực nhất là nước sinh hoạt, nước được cô vận động các nhà tài trợ kéo từ một con suối trên núi dẫn về cái hồ nhỏ cho dân làng dùng chung.

Vào mùa mưa, nước tạm đủ. Gặp mùa nắng hạn kéo dài, thiếu nước phải lội bộ vài cây số để xuống suối sâu vác từng can nước về dùng… “Còn bây giờ quen rồi”, cô vừa nói vừa nở nụ cười trong trẻo, thản nhiên.

Dù một tuần, có khi nửa tháng hoặc một tháng mới về nhà, đường sá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn nhưng cô vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và nhiệt tình giúp đỡ bà con, đồng nghiệp. Vì vậy, cô được đồng nghiệp quý mến, bà con dân làng tin yêu, gọi cô bằng cái tên trìu mến: Cô Tấm.

Tâm huyết với nghề, hết lòng vì cộng đồng

Hơn 16 năm trong nghề, cô Tâm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, dạy chuyên đề cấp tỉnh, Top 10 giáo viên tài năng duyên dáng, giải Nhất Dân vận khéo, Bằng khen UBND Tỉnh, Tỉnh ủy, giấy khen của Huyện ủy, UBND huyện Đồng Xuân cùng nhiều giấy khen, nhiều giải thưởng phong trào khác…

Khi mới lên xã vùng cao Phú Mỡ, tiếp xúc gần gũi với bà con Bana, tận mắt chứng kiến nhiều gia đình khó khăn, thiếu thốn, cô Tâm nghĩ mình phải ở lại mảnh đất này. Những ngôi nhà xập xệ trước gió mưa, những cụ già ăn cơm với muối, những đứa trẻ đầu trần chân đất khiến cô Tâm suy nghĩ, trăn trở: “Mình là một Đảng viên, một giáo viên, phải làm sao, làm cách nào giúp họ vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống?”.

Nghĩ là làm, cô bắt tay vào vận động kết nối nhà hảo tâm giúp các cụ già neo đơn, những người bệnh tật, sau đó bày cho những người khỏe mạnh cái “cần câu” để tự câu con cá, nghĩa là bày giúp họ cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm hợp lý hơn. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con đã có nhiều chuyển biến và no đủ hơn.

Với những việc làm cụ thể của mình, dân làng từ cái nhìn e dè lúc cô mới về, dần dà họ đã tin tưởng, thân thiện với cô. Họ coi cô Tâm không chỉ như người nhà, mà còn là người dạy dỗ sự hiểu biết cho con cháu làng mình. Nhờ vậy, một số hủ tục lạc hậu bớt dần, trẻ ham thích đi học, ngày nào cũng đến sớm và sĩ số luôn đầy đủ.

Dù không dạy cùng trường nhưng thầy Huỳnh Pô Pê, giáo viên điểm trường Tiểu học Làng Đồng (thuộc Trường Tiểu học Phú Mỡ) vẫn dành những nhận xét trìu mến với nữ đồng nghiệp: “Thấy cô Tâm chăm chỉ, hiền lành, có tính thương người, thường giúp đỡ mọi người nên được đồng nghiệp gọi cô là “cô Tấm vùng cao”. Cách gọi đó cũng là để tỏ lòng quý mến cô như đứa em gái của điểm trường vậy”.

Ông La Chí Dũng, Bí thư Làng Đồng nhận xét: “Chúng tôi rất mừng, từ trước tới giờ làng mình mới có được cô giáo dạy trẻ “chất lượng” như vậy. Cô ấy là Đảng viên, được đào tạo bài bản. Cái đáng quý hơn, dù sống ở đây chưa lâu nhưng cô hòa nhập nhanh, biết thông cảm và chia sẻ với điều kiện còn khó khổ của dân làng. Điều đó chứng tỏ cô rất tâm huyết và thật sự yêu nghề”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ