Cơ sở mầm non tại Nghệ An mở cửa trở lại: An toàn của trẻ đặt lên hàng đầu

GD&TĐ - Trước nhu cầu của phụ huynh và nguyện vọng của cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT Nghệ An cân nhắc việc cho phép mở cửa hoạt động chăm sóc trẻ, dạy kỹ năng cho học sinh trong dịp hè.

Nghệ An cân nhắc mở cửa cơ sở giáo dục mầm non dịp hè.
Nghệ An cân nhắc mở cửa cơ sở giáo dục mầm non dịp hè.

Tuy nhiên, việc mở cửa này chỉ được triển khai khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, đặt an toàn cho trẻ lên hàng đầu.

Nhu cầu lớn

Gần 2 tuần nay, cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Xuân (phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) đảo lộn vì không biết gửi con cho ai. Trường học, trung tâm dừng hoạt động trong hè, chờ diễn biến dịch Covid-19. Trong khi chồng công tác ở xa, bản thân chị làm giờ hành chính. Cực chẳng đã, chị phải chia ra, đưa cậu con trai 7 tuổi về quê ở cùng ông bà nội. Còn con gái 2,5 tuổi, buổi sáng chị gửi ông bà ngoại cách nhà 5km, rồi 6 giờ chiều tan làm lại đón về. Nhưng ông bà sức khỏe yếu, cháu hiếu động, nghịch ngợm, lại khó ăn uống.

“Tôi gửi con ở trường mầm non tư thục, vì họ nhận chăm sóc trẻ cả dịp hè. Nhưng nay các cô thông báo tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Tôi chỉ mong trường được mở cửa trở lại, vì cháu đi học quen cô, quen bạn, ăn uống sinh hoạt theo giờ giấc điều độ hơn ở nhà”, chị Xuân chia sẻ.

Để phòng dịch, Nghệ An đã đẩy nhanh kiểm tra định kỳ, hoàn thành chương trình năm học từ ngày 17/5, cho học sinh nghỉ hè sớm hơn 2 tuần. Điều này với bậc học phổ thông không bị ảnh hưởng nhiều, vì nhà trường chủ động kế hoạch dạy học. Tuy nhiên, đối với bậc mầm non lại gây xáo trộn lớn. Ngoài nhu cầu bức thiết từ phía phụ huynh, việc dừng hoạt động còn khiến các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là đơn vị ngoài công lập gặp khó khăn, thiệt hại.

Bà Nguyễn Thị Cầm – phụ trách cơ sở mầm non tư thục Yên Bình (xã Hưng Đông, TP Vinh) cho hay: Chúng tôi có hơn 120 cháu, chủ yếu con em công nhân khu công nghiệp Bắc Vinh và VISIP (huyện Hưng Nguyên). Nhu cầu trông giữ trẻ lớn vì phụ huynh đều phải đi làm theo ca. Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận điện thoại của bố mẹ trẻ hỏi con sắp được đi học chưa. Thậm chí có phụ huynh còn xin giáo viên lập nhóm giữ trẻ tại nhà. Tuy nhiên, chúng tôi đều phải từ chối và chờ hướng dẫn của phòng, sở GD&ĐT.

Chủ cơ sở mầm non này cũng chia sẻ thêm, khi trẻ nghỉ học, giáo viên cũng thất nghiệp, không có lương. Hiện kinh phí chỉ đủ trả lương tháng 5 và đóng đầy đủ BHXH cho giáo viên đã là nỗ lực lớn. Nhưng cơ sở cũng phải chấp nhận và chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Bảo đảm an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu.
Bảo đảm an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu.

Giải pháp nào khi mở cửa trường học dịp hè

Liên quan đến vấn đề hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non trong hè, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức cuộc họp mở rộng để lắng nghe ý kiến và bàn giải pháp trong thời gian tới. Bà Lê Thị Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương (TP Vinh) chia sẻ: Trường tư thục hoạt động mô hình doanh nghiệp. Do đó, khi dừng hoạt động, không chỉ giáo viên thất nghiệp, không lương, chủ đầu tư cũng chật vật để xoay xở, cầm cự các khoản thuế, trả lãi khoản vay ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất. Nguyện vọng của cả phụ huynh và nhà trường được hoạt động trong hè, trên cơ sở bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ.

Với tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, Sở GD&ĐT Nghệ An cân nhắc đến việc mở cửa trường học dịp hè. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra phải làm sao bảo đảm an toàn cho trẻ. Bà Võ Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Green School (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) đưa ra giải pháp:

Ngoài thực hiện 5K theo quy định của Bộ Y tế, đo thân nhiệt thường xuyên, trường sẽ thực hiện giãn cách trẻ. Theo đó, mỗi nhóm lớp sẽ được sắp xếp khung giờ ăn trưa, ra chơi, sinh hoạt ngoài trời riêng, trẻ của các lớp khác nhau không tiếp xúc với nhau. Không cho người lạ vào trường, cổng ra vào cho trẻ, phụ huynh và cho nhân viên bếp ăn, người cung cấp thực phẩm cũng được tách riêng.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh nhận định: So với các địa phương khác, TP Vinh là địa bàn nóng về bậc học mầm non. Thành phố hiện có hơn 40 trường và hơn 100 cơ sở mầm non tư thục. Nhu cầu muốn gửi trẻ của phụ huynh rất lớn. Tuy nhiên, nếu cho trẻ đi học trở lại, vấn đề an toàn cho trường học phải đặt lên hàng đầu. Bởi riêng quy định 5K của Bộ Y tế đã khó thực hiện, vì trẻ mầm non chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân. Chính vì vậy, các trường cần có phương án riêng, đồng thời cam kết với phụ huynh, học sinh với sự an toàn của trẻ.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Ngành sẽ xem xét nguyện vọng của các trường, cân nhắc việc cho học sinh đi học trở lại, trong điều kiện tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Hoạt động chăm sóc trẻ chỉ được triển khai khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh kiểm soát tốt.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cũng lưu ý, tổ chức các hoạt động trong hè phải trên nguyên tắc tự nguyện, phụ huynh phải có đơn xin học hè cho con em. Trong quá trình hoạt động, nhà trường cần phải xây dựng chương trình giáo dục phù hợp. Thực hiện nghiêm túc các quy định về trường học an toàn và có thể bổ sung thêm tiêu chí để phù hợp với thực tế. Các trường cũng cần bố trí nhân viên y tế của trường theo dõi sức khỏe, phối hợp với giáo viên trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.