"Áp trần" các khoản thu dịch vụ GD tại Nghệ An: “Gậy thần” chống lạm thu

GD&TĐ - Việc thông qua quy định mức thu tối đa khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục nhà trường tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục triển khai các khoản thu chi.

Học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh, Nghệ An) trong tiết học STEM.
Học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh, Nghệ An) trong tiết học STEM.

Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân, khắc phục tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục.

Muôn kiểu dạy học tăng cường, kỹ năng

Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh, Nghệ An) có khoảng 50% học sinh tham gia học tăng cường theo hình thức đăng ký tự nguyện như: STEM, tiếng Anh, kỹ năng sống... Nhà trường thuê trung tâm ngoài vào dạy hoặc mua bản quyền thực hiện. Mức phí dựa theo bảng giá các trung tâm trên cơ sở thống nhất với nhà trường và xin ý kiến phòng GD&ĐT.

Cô Hoàng Thị Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 cho biết: “Việc triển khai các tiết học tăng cường đáp ứng nhu cầu của học sinh và được sự ủng hộ của phụ huynh, nhưng phải căn cứ vào điều kiện thực tế của các gia đình. Ví dụ, tiết học STEM đang được nhà trường thu mức 20.000 đồng/tiết với 8 tiết/tuần. Tuy nhiên, số tiết này chỉ áp dụng với lớp có 100% học sinh đăng ký. Còn với lớp ghép, chúng tôi chỉ mới tổ chức 1 tiết/1 tuần”.

Ngoài dạy học STEM, nhiều trường trên địa bàn thành phố Vinh tổ chức chương trình tiếng Anh tăng cường. Nhưng mức thu không giống nhau, dao động 30 – 35 nghìn/tiết/1 học sinh. Trong khi đó, Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương) lại đang phối hợp với trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh tăng cường cho lớp 6 với 45 nghìn đồng/120 phút (tương đương 3 tiết). Cô Nguyễn Thị Hồng Kiên – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Mức thu này được phụ huynh ủng hộ vì rẻ hơn so với học tại trung tâm. Lý do giáo viên tiếng Anh của trường cùng tham gia dạy với giáo viên người nước ngoài. Tuy nhiên, hình thức dạy và thu phí này do trường thỏa thuận với trung tâm nên mỗi trường sẽ có mức đóng khác nhau.

Tránh tình trạng lạm thu

Hằng năm, Sở GD&ĐT Nghệ An đều có hướng dẫn về các khoản thu theo thỏa thuận, thu hộ. Tuy nhiên, việc triển khai tại trường học vẫn còn lúng túng, chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến số lượng và nội dung các khoản thu trong các cơ sở giáo dục khác nhau, mức thu có sự chênh lệch giữa các đơn vị. Cá biệt ở một số đơn vị còn có biểu hiện của việc “lạm thu”, chưa phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, quy trình thực hiện các khoản thu theo thoả thuận trong các cơ sở giáo dục chưa thống nhất gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý.

Để khắc phục những hạn chế này, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết quy định một mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập như tiền tổ chức bán trú; dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong dịp hè; tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy nghề, thi nghề; chi phí tổ chức hoạt động giáo dục tăng cường như kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường và các dịch vụ học sinh khác…

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, khi xây dựng các mức thu, sở đã xem xét để phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền. Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục triển khai các khoản thu chi trong nhà trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân, khắc phục tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ