Tăng cường tiếng Việt tại Nghệ An: Tâm thế vững vàng cho trẻ vào lớp 1

GD&TĐ - Nghệ An có 11 huyện miền núi cao với tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 15% toàn tỉnh.

Giờ học nhận biết con số, chữ cái tại Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Giờ học nhận biết con số, chữ cái tại Trường Mầm non Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Các em đến trường học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2, đòi hỏi tăng cường tiếng Việt từ bậc mầm non cho trẻ DTTS. Trẻ thông thạo tiếng Việt trước khi vào lớp 1 sẽ vững vàng trong tiếp nhận kiến thức, bình đẳng trong học tập và phát triển ngôn ngữ.

“Bắt trẻ” xuống rẫy tập nói tiếng Việt

Trường MN Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) có hầu hết trẻ là dân tộc thiểu số, với văn hóa bản địa, đặc trưng ngôn ngữ và khả năng tiếp nhận tiếng Việt khác nhau. Cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Đi học, đa số trẻ chỉ biết nói một số từ tiếng Việt thông dụng như ăn uống, ông bà, bố mẹ, rau củ quả, vật nuôi trong gia đình… Số còn lại chưa biết từ nào hoặc biết rất ít. Các cháu cũng đang ở độ tuổi hoàn thiện phát âm, nên hầu như nói lệch chuẩn tiếng Việt. Trong khi đó, trẻ lại nhút nhát, ngại giao tiếp và thụ động trong tiếp thu kiến thức bài học.

“Có bé mới được huy động từ trên nương rẫy, luôn ngậm ngọn cỏ trong miệng, không tham gia các hoạt động cùng cô và các bạn. GV phải mất hàng tháng trời mới tập cho các cháu quen với môi trường sinh hoạt tập thể. Nhưng chỉ chờ lúc cô không chú ý, là các bé bỏ trốn về nhà. Khi trẻ bắt đầu tập nói các âm, từ mới tiếng Việt, do tư duy ngôn ngữ còn non nớt, nên thường nói ngược hoàn cảnh. Ví dụ cho gà ăn thóc thành cho thóc ăn gà”, cô Lê Hồng Quang kể.

Xác định dạy tiếng Việt cho trẻ xuất phát từ số 0, Trường MN Xá Lượng đã đưa ra nhiều giải pháp. Trước hết, xây dựng môi trường học tập tiếng Việt thông qua “Thư viện đồ chơi thân thiện”, trang trí lớp học với chú thích bằng cả tiếng dân tộc - tiếng Việt. Nhà trường cũng lồng ghép dạy học song ngữ vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. GV học ngôn ngữ bản địa, xây dựng bảng từ tiếng Việt/ tiếng dân tộc để hiểu và tạo mối quan hệ thân thiết giữa cô - trẻ - phụ huynh. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu trải nghiệm sáng tạo ở ngoài lớp học. Đồng thời phối hợp với già làng, trưởng bản, phụ huynh để tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở nhà.

Mới bước vào năm học 3 tháng, nhưng trẻ 5 tuổi Trường MN Yên Khê (huyện Con Cuông) đã làm quen và nhớ 12 chữ cái theo chương trình. Đây là nỗ lực lớn của lớp học có tới 100% trẻ là người dân tộc Thái. Cô Vi Thị Minh Phương – phụ trách lớp và cũng là người Thái cho biết: Trẻ mầm non trước khi đến trường chủ yếu giao tiếp với bố mẹ, người thân bằng tiếng mẹ đẻ. Vì thế, tôi phải dạy cho các cháu từng bước cơ bản từ làm quen, tập nói và sử dụng tiếng Việt trong mọi hoạt động. GV cũng động viên phụ huynh sử dụng song song tiếng Thái và tiếng Việt khi ở nhà, để vừa giữ bản sắc văn hóa nhưng cũng phải biết tiếng Việt để thuận lợi cho các con đến trường.

Cô giáo dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS qua hình ảnh, vật dụng quen thuộc.
Cô giáo dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS qua hình ảnh, vật dụng quen thuộc.

Tạo tiền đề cho trẻ vào lớp 1

Trường MN Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ở khu vực biên giới, có 100% trẻ là người DTTS. Do địa hình ở vùng cao cách biệt, hiểm trở nên đến nay trường vẫn còn 5 điểm lẻ. Từ thực tế đó, nhà trường tổ chức khảo sát mức độ nhận biết tiếng Việt ở các độ tuổi và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho GV trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Cô Vi Thị Hà – Hiệu trưởng Trường MN Na Loi cho biết: “GV đặt mục tiêu mỗi ngày dạy cho trẻ từ 3 – 5 từ mới và thường xuyên sử dụng, ôn luyện. Nhờ vậy, dù là trường vùng khó nhưng chúng tôi đạt tỷ lệ huy động 100% trẻ trong độ tuổi ra lớp, trẻ chuyên cần đạt 98%. Đồng thời, giúp trẻ nói thành thạo, lưu loát, biết dùng từ, câu để diễn đạt...”.

Tuy nhiên, do đặc thù về kinh tế - xã hội nên việc dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non ở vùng sâu, vùng xa Nghệ An vẫn còn khó khăn, bất cập. Theo cô Diên Thị An – Hiệu trưởng Trường MN Lục Dạ (huyện Con Cuông), khó khăn lớn của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS là thiếu GV. Ngoài ra, cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị dạy học cũng thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của nhà trường. “Trường chúng tôi chỉ có 50% lớp học có tivi và ưu tiên dành cho trẻ 5 tuổi. Các nhóm tuổi khác hầu như trông cậy vào sự sáng tạo, chịu khó của GV”, cô Diên Thị An nói.

Ông Phan Trọng Trung – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay: Huyện còn nhiều trường mầm non có điểm lẻ nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, không đồng bộ. Nhiều nơi, nhóm nhà trẻ chưa được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập, miễn giảm học phí (như nhóm mẫu giáo) nên tỷ lệ huy động trong độ tuổi này chỉ mới đạt 15,5% (chỉ tiêu là 25%). Một điều đáng lưu ý, nhiều trẻ có bố mẹ đi làm ăn xa gửi con lại cho ông bà, khiến nhà trường gặp khó khăn trong phối hợp với gia đình tăng cường tiếng Việt  cho trẻ.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Dạy tiếng Việt từ bậc mầm non là tiền đề tốt cho HS khi vào lớp 1 góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học ở bậc học phổ thông. Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các đơn vị quan tâm xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài nhóm lớp; Bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, GV; Chia sẻ và áp dụng những cách làm hay, hiệu quả để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Về phía sở sẽ thống kê, rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và tham mưu cho tỉnh để phân bổ kinh phí tăng cường tiếng Việt hàng năm cho địa phương. Từ đó, địa phương chủ động phân bổ hợp lý đến đơn vị giáo dục trực thuộc.

Nghệ An đang thiếu hơn 2.000 GV mầm non, và mới chỉ đạt tỉ lệ 1,6 cô/lớp. Hiện các trường học ưu tiên phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi với 2GV/lớp. Trên toàn tỉnh, bậc học này còn hơn 600 điểm lẻ, chủ yếu tập trung ở vùng cao với lớp ghép 2 - 3 độ tuổi, nên hạn chế môi trường giao tiếp tiếng Việt. Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn khó khăn; nguồn lực xã hội hóa giáo dục chưa tương xứng với yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ