Ứng dụng công nghệ in 3D
Khi dịch Covid-19 kéo dài, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) đã triển khai Dự án “Nghiên cứu và sản xuất tai đeo khẩu trang gửi tặng các bệnh viên tuyến đầu chống dịch Covid-19”.
Cụ thể, nhằm giúp các y, bác sĩ bớt bị đau khi phải đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài, nhóm sinh viên thuộc CLB Nghiên cứu khoa học phối hợp với các nhóm Sinh viên khởi nghiệp HCMUTE đã lắp ráp máy in 3D, viết phần mềm, điều chỉnh thiết kế, in 3D thiết bị bảo vệ tai dành tặng cho các y, bác sĩ nhiều bệnh viện tại TPHCM.
Thiết bị này khá đơn giản, bằng nhựa, có hình dạng giống như chiếc lược với các nấc treo nhô ra ở hai bên. Các y, bác sĩ có thể vòng dây qua các nấc thay vì vòng qua vành tai. Điều này sẽ khiến vùng vành tai không phải chịu áp lực nên có thể đeo khẩu trang làm việc trong thời gian dài mà không bị đau nhức.
Theo anh Lê Xuân Thân - Bí thư Đoàn trường HCMUTE, tổng số lượng thiết bị mà nhóm đã làm, gửi tặng đến 27 đơn vị, sở y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 là hơn 12.000 chiếc. Đoàn viên thanh niên đã chia thành từng nhóm đến tặng cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Sở Y tế TPHCM và một số bệnh viện quận, huyện trên địa bàn TPHCM...
Để triển khai công việc, nhóm sinh viên đã tự tìm mua thiết bị để lắp ráp máy in 3D, thiết kế tinh gọn lại, mua nhựa và tiến hành in. Đồng thời vận động thêm sự hỗ trợ từ các cơ sở in 3D bên ngoài. Khi bắt tay vào việc, sinh viên trong nhóm liên tục chia ca trực để in thiết bị này suốt cả ngày lẫn đêm do nhu cầu lớn từ các bệnh viện. Toàn bộ chi phí được Đoàn trường hỗ trợ và vận động từ một số nguồn lực bên ngoài.
“Sản phẩm này xuất phát từ ý tưởng của một hướng đạo sinh Canada về chế tạo công cụ để hỗ trợ người đeo khẩu trang trong phòng chống dịch. Chúng tôi đã điều chỉnh thiết kế cho phù hợp, bảo đảm hỗ trợ giúp y, bác sĩ cảm thấy thoải mái hơn khi phải đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài…” - anh Lê Xuân Thân chia sẻ.
Buồng khử khuẩn bằng ion âm
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) đã đưa buồng khử khuẩn ion âm vào hoạt động. TS Phan Hồng Hải (Hiệu trưởng IUH) đặt hàng các giảng viên Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (KHCN&QLMT) của trường nghiên cứu, chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân và rửa tay tự động đặt tại cổng chính.
PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện KHCN&QLMT cho biết: “Sản phẩm này được một công ty phân tích môi trường lấy mẫu xét nghiệm, cho hiệu quả sát khuẩn đạt 90 - 100%. Nguyên lý hoạt động của buồng khử khuẩn tự động dùng ion âm O - từ phân tử ozone với liều lượng theo tiêu chuẩn cho phép diệt khuẩn, không dùng dung dịch hóa chất khác và không độc hại cho sức khỏe con người”.
Theo đại diện IUH, trong vòng một tuần, các giảng viên của viện nghiên cứu công nghệ cho quá trình khử khuẩn trong buồng và an toàn cho người dùng là sự cố gắng đáng khích lệ. Đồng thời, nhà trường đang sản xuất thêm một số buồng khử khuẩn dạng này để tặng các bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung khi có nhu cầu.
Thực hiện khóa luận tốt nghiệp về dịch Covid-19
Nguyễn Thị Phương Nghi (cán bộ nghiên cứu, sinh năm 1995 của Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) - người giành học bổng Chevening bậc thạc sĩ ngành Khoa học Trị liệu tại Đại học Cambridge (Anh) năm 2019 - gây sự chú ý với đề tài khóa luận tốt nghiệp có chủ đề “Thảo luận và đánh giá các loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2”.
Phương Nghi chia sẻ: “Đề tài khóa luận tốt nghiệp của mình là thảo luận và đánh giá các loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2, cũng như những vấn đề liên quan về hình thức triển khai xét nghiệm của các quốc gia và ảnh hưởng của chúng lên các chính sách giãn cách xã hội”. Theo hướng đề tài này, Nghi cũng so sánh tình hình và các chính sách phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới và tìm hiểu điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó.
“Trước đó, lớp mình đã có những bài giảng về dịch tễ học hay các phương pháp chẩn đoán virus cũng như cách mà thế giới đã kiểm soát những chủng virus gây bệnh truyền nhiễm khác như influenza. Mình cũng được tham gia những buổi thảo luận với những nhà nghiên cứu dịch tễ học đã tham gia vào quá trình kiểm soát dịch Ebola ở châu Phi hay làm việc ở trung tâm nghiên cứu vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Những kiến thức khoa học bài bản lẫn trải nghiệm thực tiễn là nguồn thông tin quý giá để mình có thể hoàn thành bài luận. Sau khi nộp, dữ liệu sẽ được lưu vào thư viện của trường và khoa. Mình sẽ tổng hợp lại để có thể xuất bản trên những tạp chí khoa học để có thể đóng góp nhiều góc nhìn đa dạng cho tình hình đại dịch Covid-19…” - Phương Nghi chia sẻ.