Thái Nguyên: Công bố kết quả nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2

GD&TĐ - Chiều 18/8, UBND tỉnh Thái Nguyên họp báo công bố kết quả nhiệm vụ khoa học & công nghệ “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR”, chỉ 03 tháng sau khi phê duyệt.

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại cuộc họp báo.
Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại cuộc họp báo.

Với tinh thần chủ động, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, bảo đảm phương châm 4 tại chỗ, ngày 27/3/2020, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên làm việc với ĐH Thái Nguyên, tiếp nhận đề xuất nghiên cứu ứng dụng phục vụ chẩn đoán và xét nghiệm, đặt hàng triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR”.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học & công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐH Thái Nguyên.

Ngay sau khi nhiệm vụ được phê duyệt, xác định tầm quan trọng của đề tài, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, do đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên làm Trưởng ban. Đây là nhiệm vụ khoa học & công nghệ duy nhất mà tỉnh Thái Nguyên thành lập riêng Ban chỉ đạo thực hiện đối với một đề tài.

Bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR
Bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR

Công trình nghiên cứu được giao cho ĐH Thái Nguyên chủ trì, trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) thực hiện, Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng làm chủ nhiệm đề tài.

Với tinh thần quyết liệt của Ban chỉ đạo, tinh thần trách nhiệm của ĐH Thái Nguyên, sự tâm huyết cống hiến và nỗ lực hết mình của các nhà khoa học trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), chỉ sau 03 tháng (tháng 5 đến tháng 8 năm 2020), bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR đã được nghiên cứu thành công.

Kiểm định độc lập tại Viện kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cho kết quả bộ sinh phẩm đạt độ nhạy đạt 100%. Các phân tích, đánh giá trên mẫu lâm sàng cũng như kết quả kiểm định Quốc gia cho thấy bộ sinh phẩm có độ đặc hiệu lâm sàng đạt 100%.

Các thử nghiệm và đánh giá khẳng định bộ sinh phẩm không phát hiện nhầm các chủng virus hoặc vi khuẩn có trong đường hô hấp của người, độ đặc hiệu phân tích đạt 100%; giới hạn phát hiện (LoD95) tốt, từ 10 - 50 copies/phản ứng.

Bộ sinh phẩm có thể được triển khai trên nhiều hệ thống máy Realtime PCR khác nhau của các hãng Biorad, Qiagen, ABI, với thời gian thực hiện phản ứng trong khoảng thời gian chỉ từ 60 - 75 phút (các bộ sinh phẩm khác hiện nay có thời gian thực hiện trung bình từ 90 - 120 phút). Giá thành của sản phẩm này dự kiến giảm 15 - 30% so với một số bộ Kit đang sử dụng hiện nay.

Đề tài đã được Hội đồng Khoa học & Công nghệ tỉnh Thái Nguyên nghiệm thu. Hội đồng gồm các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Đại học Việt - Pháp đã đánh giá cao hướng tiếp cận cũng như kết quả nghiên cứu của đề tài, với mức đánh giá đạt loại Giỏi.

Sản phẩm của nhiệm vụ cũng đã được thử nghiệm, kiểm nghiệm thực tế tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đến nay, đơn vị thực hiện đã sản xuất 20 bộ sinh phẩm, mỗi bộ 50 test, tương ứng với tổng 1.000 test, bàn giao cho Sở Khoa học & Công nghệ Thái Nguyên.

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên là quyết tâm triển khai nhanh nhất, sớm nhất việc đưa kết quả nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR vào ứng dụng thực tiễn trong chẩn đoán, xét nghiệm, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đáp ứng nhu cầu của Thái Nguyên cũng như các địa phương khác.

Theo thông tin của Ban chỉ đạo, ngay trong thời gian tới, những khâu tiếp theo để phát triển kết quả nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn sẽ được khẩn trương triển khai: Thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, bàn giao quyền sử dụng kết quả công trình; nghiên cứu lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, xin cấp phép để tiến hành sản xuất bộ sinh phẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả trước Hội đồng khoa học & Công nghệ
Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả trước Hội đồng khoa học & Công nghệ

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm từ đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thực tế, phục vụ cho đời sống. Sau khi đã được kiểm định và nghiệm thu, chúng tôi hi vọng sản phẩm sẽ nhanh chóng được sản xuất ở quy mô lớn hơn, phục vụ kịp thời và hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh Thái Nguyên cũng như của cả nước nói chung” - Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ.

Hiện nay tại Việt Nam đã có 03 bộ Kit Realtime RT-PCR được cấp phép, do các đơn vị gồm Tập đoàn Vingroup, Công ty Việt Á, Công ty Sao Thái Dương sản xuất. Tuy vậy, với các yếu tố như giá thành và số lượng bộ Kit còn chưa đảm bảo trong khi dịch bệnh lại bùng phát và vẫn diễn biến phức tạp, thì việc nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR của Thái Nguyên là công việc vô cùng ý nghĩa và cấp thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ