Công văn đề nghị Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào tổ chức, quản lý, đào tạo.
Trong đó, cho phép các cơ sở GDNN được quyền tự chủ trong việc điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh kéo dài và nghiên cứu, giảm bớt các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu đào tạo theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyển sinh, tổ chức đào tạo trực tuyến.
Người đứng đầu cơ sở GDNN xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến tại trường.
Tổ chức lớp học trực tuyến theo lớp học trực tiếp tại trường và duy trì bằng các phần mềm, ứng dụng đào tạo trực tuyến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng hoặc các phần mềm, ứng dụng khác như zalo, viber, facebook,…
Nhà giáo giảng dạy môn học trực tuyến thực hiện việc quản lý lớp theo quy chế đào tạo trực tuyến của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm sự tham gia học tập đầy đủ của học sinh, sinh viên; thực hiện lưu trữ hồ sơ, tài liệu để làm minh chứng và ghi chép hồ sơ, sổ sách trong đào tạo theo quy định.
Việc kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch, đánh giá được đúng năng lực của học sinh, sinh viên và tránh được các hiện tượng gian lận nhất là đối với việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến gián tiếp.
Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ hoặc thi, kiểm tra kết thúc mô đun, môn học theo hình thức trực tuyến (trực tiếp hoặc gián tiếp) được công nhận giá trị tương đương như đối với các hình thức kiểm tra, đánh giá truyền thống.
Kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến được ghi vào bảng điểm trong hồ sơ học tập và công nhận trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, được dùng làm cơ sở cho việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề và công nhận để tiếp tục học liên thông với các trình độ đào tạo khác.