Có 'sinh' phải có 'dưỡng'

GD&TĐ - Một trong những vấn đề được đặt ra trong đổi mới giáo dục đại học là lấy người học làm trung tâm.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Bên cạnh đẩy mạnh chất lượng đào tạo, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, việc tăng cường các mô hình câu lạc bộ (CLB) để người học có thể “tự đào tạo”, “tự định hướng” nghề nghiệp là hướng đi cần được quan tâm.

Nếu như trước đây, mỗi trường đại học chỉ có một vài CLB thì đến nay, trường nào cũng sở hữu trên chục CLB. Nhiều trường con số CLB, đội nhóm lên đến hàng chục, như Trường ĐH Kinh tế TPHCM (hơn 30), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (trên 40), Trường ĐH Văn Lang, Học viện Ngân hàng (trên 50)… Các CLB, đội, nhóm sinh viên hoạt động khá đa dạng, không chỉ học thuật, kỹ năng, mà còn cả văn hóa, nghệ thuật, thể thao…

Quy mô các CLB, đội nhóm ngày càng mở rộng cho thấy các trường đã nhận thức rõ vai trò của nó. Qua hoạt động của các tổ chức này, sinh viên từng bước được nâng cao kỹ năng cần thiết, góp phần cải thiện chất lượng đào tạo, thuận lợi hơn khi gia nhập thị trường lao động.

Thực tế cho thấy, đa số cựu sinh viên thành công trong công việc tại đơn vị, doanh nghiệp, thường là từng được rèn giũa kỹ năng từ các CLB, đội, nhóm trong trường đại học. Tổ chức Đoàn, Hội cũng coi những tổ chức này là cánh tay nối dài hoạt động của mình. Nhiều CLB đã tạo sức lan tỏa lớn, làm được nhiều chương trình từ thiện/học thuật ý nghĩa, khẳng định sự năng động của tuổi trẻ, cống hiến của sinh viên vì lợi ích chung của cộng đồng.

Tuy vậy, bên cạnh những hiệu quả tích cực, thực tiễn hoạt động của các CLB, đội, nhóm trong trường đại học vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trên nhiều diễn đàn, vẫn có ý kiến trái chiều, cách thức tổ chức chưa phù hợp. Chẳng hạn như một số CLB tuyển thành viên đầu vào rất gắt gao, chẳng khác gì công ty, tập đoàn lớn tuyển dụng. Có CLB đưa ra mức phí cao, với nhiều hoạt động “sang chảnh”, khiến sinh viên cho rằng CLB sinh ra chỉ dành cho hội nhà giàu.

Một số tổ chức nặng về hình thức; điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất còn hạn chế. Trong quá trình hoạt động, mục tiêu đề ra còn chung chung, chưa xây dựng được chương trình sinh hoạt hấp dẫn và thiết thực để thu hút được nhiều thành viên tham gia. Điểm chung dễ thấy ở các CLB èo uột, bị chê này là nhà trường đã “sinh”, nhưng việc “dưỡng” chưa tới.

Hình ảnh của những CLB kém hấp dẫn, kém hiệu quả đã tác động xấu tới nhận thức của sinh viên. Không ít người thừa nhận tham gia CLB chỉ vì… kiếm điểm rèn luyện, chứ chưa cảm nhận được hiệu quả mà các hoạt động của nó mang lại.

Nghiên cứu của tác giả Vũ Hồng Vận - Trường Đại học Giao thông Vận tải, phân hiệu tại TPHCM về vai trò của các CLB đội, nhóm trong việc hình thành kỹ năng mềm của sinh viên cũng cho thấy thực tế đó. Với câu hỏi: “Theo bạn, việc tham gia vào các CLB đội, nhóm có giúp sinh viên hình thành và cải thiện kỹ năng mềm không?”, kết quả cho thấy chỉ có 26,33% trả lời “có”, 41,33% trả lời “ít”, 32,44% trả lời “không”.

Những lợi ích của các CLB, đội nhóm trong trường đại học mang lại là có thật. Vấn đề quan trọng là cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nó. Bên cạnh ý thức, sự nỗ lực của sinh viên và các ban chủ nhiệm, ban điều hành, tổ chức Hội - Đoàn, các CLB rất cần được nhà trường quan tâm, chăm lo và có định hướng, chỉ đạo thường xuyên, tạo điều kiện tối đa để hoạt động.

Mỗi khi CLB, đội nhóm hoạt động hiệu quả sẽ là biện pháp tối ưu để nhà trường tập hợp, quản lý sinh viên, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao vị thế và chất lượng nguồn nhân lực do trường đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ