Câu lạc bộ trong trường học: Tiếp lửa cho đam mê, sáng tạo

GD&TĐ - Bên cạnh những giờ học, câu lạc bộ trường học còn là sân chơi bổ ích giúp các em tự tin khám phá bản thân và rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống.

Cờ vua là một trong những môn giải trí hấp dẫn giúp học sinh hòa nhập với câu lạc bộ học đường. Ảnh minh họa
Cờ vua là một trong những môn giải trí hấp dẫn giúp học sinh hòa nhập với câu lạc bộ học đường. Ảnh minh họa

Làm MC, chụp ảnh, viết tin bài, phát trực tiếp các sự kiện, đổi mới hình thức giáo dục truyền thống nhà trường… là những hoạt động mà câu lạc bộ Truyền thông của Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) đã thực hiện suốt 3 năm qua. 

Những “phóng viên” tuổi teen

Nhiều năm qua, trang Fanpage “THPT Phan Đình Phùng” là kênh thông tin liên tục cập nhật hoạt động nổi bật của nhà trường. Các bài đăng tải luôn thu hút hàng nghìn lượt theo dõi và hàng trăm lượt like, bình luận bởi cách trình bày và thông tin thú vị, bắt mắt. Đây là một trong những kênh thông tin chính của Trường THPT Phan Đình Phùng do học sinh trong câu lạc bộ (CLB) tự chụp ảnh và phối hợp với Ban Truyền thông nhà trường đăng tải thông tin.

Trong tuần này, nổi bật là thông tin về Trao giải Cuộc thi Video “Hà Tĩnh trong tôi” do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp Báo Hà Tĩnh tổ chức. Tác phẩm “Hà Tĩnh trong tôi” của Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT Phan Đình Phùng đã xuất sắc giành giải Nhất do khán giả bình chọn. Điều đặc biệt từ nội dung đến hình ảnh của clip đều do các bạn học sinh thuộc CLB của trường thực hiện.

Chia sẻ về hoạt động của CLB, em Nguyễn Thị Mai Hoàng (lớp 11A8) - một trong những thành viên cốt cán, cho biết: CLB báo chí được thành lập vào năm 2018, dưới sự dìu dắt và hướng dẫn của Ban Giám hiệu nhà trường.

Để đăng tải nội dung thông tin trên Fanpage cũng như website nhà trường, CLB thường lựa chọn tin, bài có nội dung phù hợp với chủ đề, chủ điểm của tháng cũng như lứa tuổi thanh, thiếu niên. Các tin bài cũng mang tính thời sự, ngoài hoạt động của nhà trường còn liên quan đến hoạt động chính trị xã hội trên địa bàn như: Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; Đại hội Đảng các cấp…

“Khi đưa tin, bài lên chúng em không chỉ chú trọng nội dung mà còn quan tâm hình thức trình bày. Mỗi tin, bài, chúng em đều chụp nhiều hình ảnh, chỉnh sửa màu sắc hoặc thêm các video, clip cho bài viết thêm sinh động”, Mai Hoàng chia sẻ.

Để hoạt động hiệu quả, CLB chia thành 3 nhóm gồm: Hình ảnh, Nội dung và Thiết kế. Trong đó nhóm nội dung đóng vai trò nòng cốt, có nhiệm vụ biên tập, soạn thảo kế hoạch, định hướng các chủ đề. Nhóm hình ảnh, quy tụ các bạn có năng khiếu, đam mê về chụp ảnh quay phim… chịu trách nhiệm ghi hình ảnh, làm âm thanh, dựng clip và nhóm thiết kế lên ý tưởng bố cục cho bài viết….

Dù chỉ là CLB trong trường học, nhưng các thành viên rất chuyên nghiệp khi tự sắm các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho tác nghiệp như: Máy ảnh, Flycam; máy vi tính, đồng phục… Ngoài ra, các em còn tự mày mò học phần mềm dựng phim, chỉnh ảnh… và thường xuyên tìm đọc các báo, tham khảo thêm cách viết bài đưa tin.

Một buổi tác nghiệp của các thành viên trong CLB.
Một buổi tác nghiệp của các thành viên trong CLB.  

Trưởng thành từ trải nghiệm

Gắn bó với CLB từ những ngày đầu và là một trong những người sáng lập CLB, cô  Trần Thị  Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: CLB Truyền thông là 1 trong 13 CLB đang hoạt động của nhà trường. Các CLB hoạt động đều do học sinh chủ trì và lên ý tưởng, dưới sự định hướng của Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường, Đoàn trường và các tổ chuyên môn.

“Năm 2017, thực hiện chỉ thị của Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác truyền thông trong trường học, Trường THPT Phan Đình Phùng đã thành lập Ban Truyền thông do giáo viên trong trường phụ trách với 8 mảng chính.
Có dịp công tác tại một trường ngoại tỉnh, tôi nhận thấy trường bạn làm truyền thông bằng cách để học sinh tự thực hiện và đảm nhiệm các chương trình rất hiệu quả và thú vị. Vì vậy, tôi đã nêu ý tưởng cùng BGH nhà trường và nhận được sự tán thành. Năm học 2018 - 2019, CLB Truyền thông của nhà trường ra đời, hiện có khoảng 30 thành viên”, cô Nga chia sẻ.

Trong hơn 3 năm qua, CLB đã nhận được sự quan tâm của BGH và nhiều giáo viên trong trường nên bài viết, đề tài học đường, đời sống đều được khai thác khá kỹ, thông tin nhanh, chính xác. Ngoài ra, BGH nhà trường còn mời phóng viên, biên tập viên tại Đài PTTH Hà Tĩnh trao đổi và hướng dẫn thêm các em về công tác viết tin bài, chụp ảnh và ghi hình…

Nhờ sự đồng hành của nhà trường, các tin bài của CLB đều được cập nhập kịp thời và nội dung hấp dẫn, phong phú. Đơn cử như thời điểm này học sinh khối 12 thi tốt nghiệp THPT, CLB tích cực thu thập, cập nhật những hình ảnh mới nhất về kỳ thi; gương mặt học sinh giỏi tiêu biểu của nhà trường; thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19…

Nhiều thành viên trong CLB còn kiếm thêm thu nhập nhờ vào việc chụp hình ảnh, dựng clip trong quá trình tham gia CLB. Đam mê với công nghệ nên ngay khi bước vào trường em Đặng Hữu Mạnh (lớp 11A8) đã đăng kí tham gia CLB Truyền thông. Mạnh chia sẻ: “Từ khi tham gia CLB, em học hỏi, trau dồi và trải nghiệm nhiều điều thú vị, bổ ích”. Bắt đầu từ những chiếc điện thoại, Mạnh đã tự nâng cấp bộ đồ nghề của mình để phục vụ cho hoạt động “tác nghiệp”. Hiện, Mạnh đảm nhiệm vai trò chụp ảnh và quay clip cho CLB. Trong thời gian nghỉ dịch, Mạnh sử dụng Flycam chụp ảnh khắp thành phố để ghi lại nhiều hình ảnh đẹp gửi cộng tác với nhiều tờ báo…

“Đối với em, CLB không chỉ là sân chơi sau giờ học mà là lớp học để bọn em được trải nghiệm, thể hiện bản thân và rèn luyện nhiều kỹ năng như: Làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch và hướng nghiệp cho bản thân”, Mạnh chia sẻ.

“Thông qua hoạt động của CLB Truyền thông, những “phóng viên” học đường được trải nghiệm một phần của nghề báo, phát triển các kỹ năng mềm và tự do sáng tạo “làm báo” theo cách riêng của mình. Việc để các em tự phát huy, thể hiện năng lực cũng là cách hướng đến mục tiêu trường học hạnh phúc của BGH Trường THPT Phan Đình Phùng”, thầy Nguyễn Nam Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.