Cô Ren cắm bản Pú Múa

GD&TĐ - Ở điểm bản Pú Múa, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà có cô Nguyễn Thị Ren vẫn vượt 50km đường rừng để về thành phố thăm chồng con mỗi cuối tuần. Hành trình ấy đã diễn ra hàng chục năm song cô chưa khi nào nghĩ đến chuyện dừng bước. Bởi ở Pú Múa có lớp học với “đàn con” người dân tộc thiểu số luôn ngóng đợi cô.

 Điểm trường Pú Múa nơi cô Ren công tác.
Điểm trường Pú Múa nơi cô Ren công tác.

Ngã xe nhiều thành quen

Cô giáo Nguyễn Thị Ren sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình. Năm 2003, sau khi rời ghế nhà trường, cô tình nguyện lên Tây Bắc dạy học. Ngôi trường đầu tiên nơi cô công tác là Trường Tiểu học Hừa Ngài, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà. Chỉ cần nhắc đến tên ngôi trường này thôi thì ai biết. Người Điện Biên cũng phải lắc đầu, lè lưỡi bởi ở đó có đầy rẫy những khó khăn.

Thời điểm những năm 2.000, xã Hừa Ngài gần như cô lập. Không điện, không đường, có trường nhưng chưa được “tươm tất” như bây giờ. Những giáo viên cắm bản như cô Ren cứ năm này qua năm khác trôi đi theo từng trang giáo án. Thời điểm cô Ren vất vả nhất, có lẽ là lúc sinh nở đứa con trai đầu lòng.

“Lúc đấy có muốn về cũng không được, vì thời gian nghỉ theo chế độ có hạn. Lúc con nhỏ, chẳng có tiền mà thuê người trông con. Và nếu có tiền thì chúng tôi cũng chẳng biết thuê ai. Chồng tôi phải xin công ty cho nghỉ tự túc mất 2 năm để lên trường trông con cho tôi dạy học”, cô Ren chia sẻ.

Sau gần 10 năm gắn bó với núi rừng, với mảnh đất Hừa Ngài khô cằn và heo hút, năm 2010 cô Ren được luân chuyển ra vùng “thuận lợi” hơn. Mang tiếng là thuận lợi vì nói để so sánh với những vùng đặc biệt khó khăn. Chứ ngôi Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà nơi cô đang công tác vẫn còn đầy rẫy những khó khăn.

Trường có vị trí thuận lợi, nằm cạnh đường Quốc lộ 12 đoạn qua địa phận huyện Mường Chà, song vẫn còn cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chừng 45km. Các điểm bản của ngôi trường này vẫn cách xa trường chính chừng 5 - 10km đường rừng. Điểm bản Pú Múa, nơi cô Ren đang “cắm” cách trường chính 5km. Mới cách đây ít hôm, cô Ren có phen hú hồn khi dòng nước suối dẫn đến bản bất ngờ dâng cao.

“Hôm nọ tôi còn bỏ cả dép để cố phi xe qua suối. Bình thường nó như dòng suối cạn, nhưng hôm đó trời mưa, nước lũ kéo về, nước dâng cao. Khi đi xe máy đến giữa dòng nước, bánh xe va phải hòn đá to, mất thăng bằng, sợ đổ xe và ngập nước nên tôi cố vượt qua. Chứ nếu dừng xe ở giữa dòng nước như thế thì tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra nữa”, cô Ren chia sẻ.

Hỏi số lần ngã xe, đổ xe, trơn trượt… khi cô là thân gái giữa rừng sâu như thế, có sợ không (?) thì cô Ren nhoẻn miệng cười: “Chuyện ngã xe là bình thường. Chúng tôi đi nhiều rồi, cũng thành quen. Còn sợ thì ai chẳng biết sợ, song biết làm thế nào bây giờ!”.

“Sau thời gian gắn bó với cô Ren, tôi thấy cô có nhiều nỗ lực trong công việc. Cô là người tâm huyết, bám bản, bám trường để dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy xa nhà, song cô ấy luôn được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân”, bà Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Ren trong một buổi lên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Ren trong một buổi lên lớp.

Vì “đàn con” chung mà ba bố con “vò võ”

Hai cậu con trai kháu khỉnh nhà cô Ren năm nay đã lớn. Cô Ren chưa một ngày nào quên những lúc trái nắng trở trời, con ốm, chồng đau. Bản thân cắm bản xa không có thời gian chăm sóc chồng, con. Cả hai cậu con trai chỉ được gần mẹ trọn vẹn trong khoảng 2 năm đầu, rồi phải đưa về thành phố sinh sống với bố. Ba bố con cứ thế vò võ suốt gần 20 năm trời nay cả khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau, mệt mỏi.

Chồng của cô Ren là anh Nguyễn Quang Sức, cũng là đồng hương dắt díu nhau từ quê lúa Thái Bình lên Điện Biên lập nghiệp. 17 năm xa vợ, ba bố con rau cháo có nhau song chưa một lần anh Sức ca thán hay phàn nàn. Trái lại, anh luôn động viên, chia sẻ để chị Ren được yên tâm công tác.

Thậm chí nhiều lúc “trái nắng trở trời” con trai cả là Nguyễn Quang Vinh hay người con trai thứ hai - Nguyễn Quang Trung đau đầu, sổ mũi, ốm sốt… thì anh Sức cũng “ỉm” đi. Ba bố con lại tự đùm bọc lấy nhau để mẹ Ren không khỏi bận tâm, tập trung gắn bó với bản, với trường.

“Nhiều lần rồi chứ. Gần 20 năm nay, hết cháu này đến cháu khác, ốm sốt với các cháu là thường xuyên. Biết làm sao được bây giờ. Lúc ấy tôi lại cho các cháu đi khám bệnh, uống thuốc, chăm sóc các cháu rồi dần dần lại khỏe lại mà. Chứ vợ tôi ở xa thế, cách nhà 50 cây số, nếu có biết tin đi về cũng khổ”, anh Nguyễn Quang Sức chia sẻ.

Cũng có những lần biết tin con ốm, cô Ren hộc tốc lên xe trở về thành phố. Cuối giờ chiều rời bản, khi đến nhà cũng là lúc chập tối. Có khi chỉ kịp nhìn mặt chồng, con, chưa kịp chợp mắt là mấy tiếng đồng hồ trôi qua, cô Ren lại phải lên trường.

“Biết bố con ở nhà vất vả, nên trước khi lên trường, cô ấy dậy từ 4 giờ sáng, lau nhà, dọn dẹp cho 3 bố con, chẳng kịp ăn sáng là đã phi xe lên trường cho kịp dạy học buổi sáng”, anh Sức tâm sự.

Suốt ngần ấy năm xa vợ, anh Sức vừa duy trì hoạt động kinh doanh gas, bếp gas, vừa chăm sóc 2 đứa con, vừa dạy dỗ, đưa đón mỗi ngày. Tất cả đều một tay anh lo toan trọn vẹn. Hai con đã lớn, cháu Quang Vinh học lớp 11, Quang Chung lớp 3, cả hai đều chăm ngoan, học giỏi.

Giờ đường sá đi lại cũng đỡ vất vả hơn trước nên mỗi tuần chị Ren có dịp về thăm nhà vào hai ngày cuối tuần. Khó khăn là thế, nhưng chị vẫn chưa một lần nghĩ đến chuyện sẽ chuyển trường hay bỏ nghề vì sau lưng chị còn lớp lớp con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Chà vẫn luôn ngóng đợi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ