Diễn viên “Biệt động Sài Gòn”
“Biệt động Sài Gòn” do hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất và Long Vân làm đạo diễn. Bộ phim ra mắt khán giả vào những năm 80 với 4 tập phim và trở thành một hiện tượng phòng vé lúc bấy giờ. “Biệt động Sài Gòn” là bệ đỡ đưa nhiều diễn viên trẻ lúc bấy giờ trở nên nổi tiếng và được công chúng nhớ mãi cho tới tận bây giờ.
Thời gian gần đây, cảnh sống khó khăn của diễn viên Aly Dũng từng đóng vai người lính trong “Biệt động Sài Gòn” gây chú ý. Aly Dũng hiện tại đang sống cô độc trong căn nhà 9m2 nằm trên một con ngõ của TP.HCM ông mua từ lâu. Được biết, căn nhà nhỏ hẹp này chính là chuồng lợn của gia đình trước. Nam diễn viên kể 10 cây vàng lúc đó chỉ mua được một nửa cái chuồng, nửa còn lại người ta vẫn nuôi lợn. Vì thể nhiều khi ông phải lang thang ngoài đường chờ đến đêm mới về nhà ngủ.
Căn nhà chật hẹp của Aly Dũng. (Ảnh: Zing)
Aly Dũng sống trong cảnh nghèo khó và đủ thứ bệnh. (Ảnh: Soha/Trí thức trẻ)
Trước khi rơi vào cảnh sống khốn khỏ, Aly Dũng từng là cậu ấm của một gia đình khá giả, có tới 14 người em và được nhiều cô theo đuổi. Tuy nhiên, sau khi mẹ mất, bố ông lao vào cuộc chơi quên ngày tháng. Một mình nam diễn viên phải lo lắng cho lũ em thơ và vợ con. Tuy nhiên, 11 người lần lượt ra đi vì tù tội, nghiện ngập... Đến một ngày, vợ mang theo con gái bỏ nhà ra đi. Cuộc sống nhọc nhằn, nghiệp diễn của Aly Dũng cũng rơi cảnh lận đận. Thậm chí, ông chia sẻ thường bị ăn quỵt, ăn chặn tiền cát-xê diễn ít ỏi.
Thương Tín trong "Biệt động Sài Gòn".
Thương Tín chính là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi nói về bộ phim này. Thời điểm đó, Thương Tín bảnh bao và rất đào hoa. Tình trường thời trai trẻ của ông khá “phong phú” với nhiều nữ nghệ sĩ và các cô gái xinh đẹp. Tuy nhiên, hào quang đến sớm khiến Thương Tín vấp ngã, thậm chí phải vào tù.
Thương Tín và con gái. (Ảnh: Ngoisao)
Đến bây giờ, ở tuổi 58, Thương Tín vẫn cần mẫn đóng phim kiếm tiền để nuôi con gái 2 tuổi. Ông chia sẻ: “Hiện tại, tôi chạy show nhiều. Ai mời làm gì mà nhắm làm được tôi đều nhận hết. Thậm chí cả những việc mình không thích tôi cũng nhận. Tôi già rồi, không còn nhu cầu gì nhiều, làm tất cả vì con thôi chứ không vì bản thân nữa. Chỉ cần nghĩ đến cảnh con gái nhỏ không bằng được những đứa trẻ khác, tim tôi thắt lại, tôi đau xót lắm. Còn sức đến đâu tôi sẽ cố gắng làm tất cả vì con”.
Diễn viên “Cánh đồng hoang”
“Cánh đồng hoang” ra rạp năm 1979, do Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn, là bộ phim nói về đề tài chiến tranh Việt Nam với bối cánh chính ở vùng Đồng Tháp Mười.
Thúy An đóng vai bà mẹ trẻ trong "Cánh đồng hoang".
Thúy An là kiều nữ thủ vai chính Sáu Xoa trong “Cánh đồng hoang” khi mới 17 tuổi. Không chỉ gây ấn tượng với tác phẩm kinh điển này, Nữ diễn viên cũng được nhiều người nhớ đến khi tham gia “Biệt động Sài Gòn”. “Cánh đồng hoang” cũng chính là nơi đơm hoa cho tình yêu giữa Thúy An và đạo diễn Hồng Sến. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, chuyện tình của hai người không được ủng hộ và Thúy An mang danh “kẻ cướp chồng”.
Thúy An của hiện tại.
Đến năm 1993, NSND Hồng Sến qua đời, số phận của Thúy An bước sang một trang mới. Bà học nghề kim hoàn, bôn ba ở nhiều nơi buôn bán. Khi nhận thấy làm ăn có lãi, bà mới mở cửa tiệm. Sau đó, Thúy An kết hôn với một khách hàng quê Bạc Liêu nhưng sống tại Đức. Bà cũng theo chồng sang nước ngoài sinh sống. Mọi thông tin của Thúy An dần trở nên hiếm hoi trên báo chí.
Diễn viên “Mối tình đầu”
Robert Hải và NSND Như Quỳnh trong "Mối tình đầu".
Robert Hải cũng không phải cái tên xa lạ với công chúng Việt khi góp mặt vào không ít bộ phim nổi tiếng thời kỳ ấy như “Ván bài lật ngửa”, “Cánh đồng hoang”, Mối tình đầu”... Robert Hải có bố là người Pháp và mẹ là người Italia. Năm 1973, Robert Hải kết hôn với người phụ nữ Việt Nam tên Thùy Dung. Trước khi đến với bà, nam diễn viên từng trải qua 2 đời vợ và có tới 11 người con.
Theo đạo diễn Hồng Ngát, nơi sống là cái chòi nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi (TP.HCM) của Robert và vợ con chẳng có đồ đạc gì. Thậm chí, cả giường cũng không có. Đạo diễn chia sẻ: “Mặc dù đã được thông báo trước là anh sống rất nghèo, đạm bạc nhưng quả thật, tôi vẫn không thể hình dung ra ngôi nhà của anh lại có thể nghèo đến thế. Nó chẳng khác gì những ngôi nhà của bà con nghèo trong lối xóm. Mái lợp là dừa, cột nhà đóng xuống nước, sàn nhà nổi trên mặt nước”. Hồng Ngát tâm sự: “Ở đời thường, anh sống quá thanh bạch và giản dị, nếu không nói là quá nghèo. Mọi sinh hoạt ăn ở ngủ nghỉ, tiếp khách đều diễn ra trên cái sàn gỗ nhỏ lau sạch bóng”. Robert Hải qua đời vào năm 2000.