Có nên tập trung dạng đề trắc nghiệm khi ôn thi tốt nghiệp THPT?

GD&TĐ - Hầu hết bài thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm. Vậy việc ôn thi có nên tập trung chủ yếu theo hình thức này?

Học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) trong giờ học Toán.
Học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) trong giờ học Toán.

Nhận rõ ưu, nhược điểm

Phân tích ưu điểm và nhược điểm của việc tập trung ôn tập cho học sinh theo hình thức trắc nghiệm khách quan, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Tổ trưởng môn Tiếng Anh Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) cho biết:

Về ưu điểm, ôn tập theo cùng định dạng với đề thi sẽ giúp học sinh quen thuộc và tự tin hơn khi đối mặt với các câu hỏi trong bài thi.

Thực hành làm các bài tập trắc nghiệm khách quan giúp học sinh nâng cao kỹ năng làm bài và tốc độ giải quyết câu hỏi, điều này có thể rất quan trọng trong kỳ thi có thời gian giới hạn. Việc này cũng có thể giúp học sinh tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cụ thể mà mình cần biết để vượt qua kỳ thi.

Tuy nhiên, tập trung ôn tập cho học sinh theo hình thức trắc nghiệm khách quan cũng có nhiều nhược điểm.

Đầu tiên là hạn chế khả năng phát triển tư duy sâu sắc và khả năng giải quyết vấn đề của học sinh, làm giảm khả năng áp dụng kiến thức trong các tình huống thực tế. Do đó, không đánh giá được mức độ hiểu biết sâu sắc, khả năng áp dụng kiến thức của học sinh.

Đối với một số học sinh, tập trung quá nhiều vào ôn tập trắc nghiệm khách quan có thể làm giảm giảm sự hứng thú, động lực trong quá trình học.

“Vì vậy, giáo viên cần kết hợp ôn tập theo hình thức trắc nghiệm khách quan với các phương pháp ôn tập khác để đảm bảo phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tùy theo đối tượng học sinh, giáo viên cân nhắc tỷ lệ giữa việc ôn tập theo hình thức trắc nghiệm khách quan và các phương pháp ôn tập khác”, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy chia sẻ.

Giờ học tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Thái Bình).

Giờ học tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Thái Bình).

Học không chỉ để đối phó với các kỳ thi

Nêu quan điểm về việc này, thầy Phan Trọng Hải, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) cho rằng,không nên ôn tập chủ yếu cho học sinh lớp 12 theo hình thức trắc nghiệm khách quan vì các lý do sau:

Thứ nhất, mỗi môn học có cách ôn tập khác nhau và thầy cô có kế hoạch ôn tập cũng khác nhau. Do đó, học sinh cần thực hiện theo hướng dẫn ôn tập của thầy cô dạy trên lớp.

Thứ hai, nhà trường cần có kế hoạch ôn tập cụ thể, chi tiết để hướng dẫn các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập. Các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể cho từng môn. Trong đó, chú ý phương pháp dạy học cần phong phú, đa dạng. Hình thức tổ chức dạy học theo cá nhân, nhóm hoặc cả lớp và cần phân hóa trình độ học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên cần kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ quá trình ôn tập của học sinh. Chú ý hỗ trợ các em học sinh trung bình, yếu và mạnh dạn hướng dẫn học sinh khá, giỏi tự học.

Thứ ba, học sinh cần làm những bài tập, câu hỏi theo các hình thức trắc nghiệm và cả tự luận. Có nhiều bài tập, câu hỏi phải xử lý qua nhiều bước tính nên đòi hỏi học sinh tư duy, suy nghĩ và trình bày chi tiết, cẩn thận.

Thứ tư, nhà trường, thầy cô dạy lớp cần tổ chức cho học sinh thi thử tập trung hoặc tại lớp theo hình trực tiếp hoặc trực tuyến. Các lần thi thử cần được xây dựng kế hoạch rõ ràng và không nên cho học sinh thi thử quá nhiều vì sẽ gây quá tải. Đồng thời, các đề thi thử cần quét được kiến thức, dạng toán cơ bản.

Với cô Hà Phương Thảo, Tổ trưởng Tổ Ngoại Ngữ, Thể dục Trường THPT Công Nghiệp (TP. Hoà Bình),để đảm bảo học sinh có kết quả tốt nhất trong các kỳ thi sắp tới, việc ôn tập hình thức trắc nghiệm khách quan là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, đánh giá học sinh trên lớp, giáo viên cần sử dụng nhiều hình thức đặt câu hỏi, ngoài trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Có nhiều dạng đặt câu hỏi khác, như trắc nghiệm đúng sai, trả lời câu hỏi, xử lý tình huống, tranh biện…, giúp học sinh có cái nhìn đa chiều, hiểu sâu sắc hơn về bài học và biết vận dụng vào các tình huống thực tế.

Từ đó giúp học sinh hiểu được cốt lõi của việc học là áp dụng tri thức vào thực tiễn chứ không chỉ để đối phó với các kỳ thi.

Điều này đồng thời cũng giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy và ứng dụng kiến thức một cách linh hoạt, hiệu quả hơn trong các kỳ thi, đặc biệt là các bài thi có trả lời vấn đáp.

Về vấn đề này, thầy Đỗ Cao Long, Tổ trưởng bộ môn Toán Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) nêu quan điểm: Đối với các môn thi dùng hình thức trắc nghiệm khách quan, giai đoạn ôn tập phải tập trung rèn luyện cho học sinh kỹ năng hệ thống hoá kiến thức, kết hợp kỹ năng trả lời câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

“Điều này không ảnh hưởng gì đến việc tư duy, nắm kiến thức của các em. Chúng ta không đề cập đến các mẹo mực, lạm dụng máy tính cầm tay để bày cho học sinh kỹ thuật làm bài. Giáo viên cần phải hướng dẫn, phân tích câu hỏi trắc nghiệm khách quan khi ôn tập để giúp học sinh biết cách hệ thống kiến thức, biết làm chủ máy tính cầm tay dựa trên kiến thức đã học.

Học sinh phải hiểu được các chức năng của máy tính cầm tay như bảng giá trị, tìm nghiệm, tính giá trị (Calc), tính đạo hàm,… để vận dụng trong quá trình làm bài”, thầy Đỗ Cao Long cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.