Định dạng đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn từ năm 2025:

Nhanh chóng thay đổi cách dạy học, ôn tập Ngữ văn

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu năng lực thực chất đã đặt ra từ những năm 2014 - 2015...

Cô trò Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC
Cô trò Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Điểm mới nhất của yêu cầu và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 môn Ngữ văn chủ yếu tập trung vào nội dung viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong sách giáo khoa). Kéo theo sự thay đổi này là cách dạy học, ôn luyện mới: Cần dạy cách đọc, cách viết.

Đổi mới đánh giá là một quá trình

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu năng lực thực chất đã đặt ra từ những năm 2014 - 2015. Tức sau khi có Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương (2013) và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội (2014), Bộ GD&ĐT tiến hành nghiên cứu để đổi mới cách dạy, học và đặc biệt cách thi, kiểm tra đánh giá mới với chương trình 2006.

Thực tế cho thấy, bắt đầu từ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, đề thi môn Ngữ văn đã thay đổi theo hướng: Kiểm tra năng lực đọc hiểu bằng văn bản ngữ liệu không có trong sách giáo khoa; yêu cầu viết nghị luận xã hội với nội dung gắn với văn bản đọc hiểu. Sau đó mới là câu viết nghị luận văn học.

Với việc thay đổi trên, học sinh không thể học tủ, học thuộc và chép lại văn mẫu ở câu đọc hiểu và nghị luận xã hội. Vì không biết ngữ liệu ra cho đọc hiểu là văn bản nào, vấn đề gì, do đó cũng không thể học tủ nội dung viết nghị luận xã hội.

Như thế chỉ có yêu cầu viết nghị luận văn học vẫn chưa đổi mới do quan niệm không được ra đề ngoài các tác phẩm đã học trong sách giáo khoa. Nên quanh đi quẩn lại đề nghị luận văn học chỉ xoay quanh mấy tác phẩm: Chí Phèo, Vợ nhặt, Sóng, Đất nước... Các tác phẩm để ra đề thi tốt nghiệp chỉ vỏn vẹn tính trên đầu ngón tay, nên năm nào cũng đoán được ra vào tác phẩm nào, cứ như lộ đề.

Việc yêu cầu đọc hiểu và nghị luận xã hội trong hàng chục năm qua đã tạo cơ sở cho đổi mới đánh giá được nêu trong Chương trình GDPT 2018. Và phải đến kỳ thi 2025 mới thực hiện việc đổi mới yêu cầu viết nghị luận văn học theo hướng sử dụng ngữ liệu (không lấy văn bản đã học trong sách giáo khoa).

Như thế từ 2025, học sinh học theo Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ thi đề thi như Bộ GD&ĐT vừa công bố (29/12/2023). Cấu trúc đề thi 2025 đã kế thừa hai phần đổi mới từ 2015 như đã nêu. Đó thực chất là quá trình đổi mới liên tục trong dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Cô trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Ý nghĩa cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Việc công bố định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT vừa qua đã gợi ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong dạy học, ôn luyện và kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông các cấp, nhất là vấn đề xây dựng ngữ liệu mới.

Với môn Ngữ văn, từ tiểu học đến THPT, các lần kiểm tra định kỳ (nhất là cuối năm, cuối cấp) cần đáp ứng yêu cầu mới của Chương trình GDPT 2018: Phải đánh giá trung thực, khách quan năng lực ngôn ngữ, văn học, thông qua hai yêu cầu đọc hiểu (tiếp nhận văn bản) và viết (tạo lập văn bản). Năng lực nói và nghe được đánh giá trong quá trình học, đánh giá thường xuyên...

Đánh giá năng lực đọc hiểu, viết là kiểm tra khả năng vận dụng cách đọc một thể loại, kiểu văn bản và cách viết một kiểu bài vào một tình huống, ngữ liệu mới tương đương các văn bản đã được học. Vì thế đề thi cần có ngữ liệu mới.

Sử dụng ngữ liệu mới sẽ tránh được việc học tủ, học thuộc, hạn chế tối đa hiện tượng học sinh chép lại văn mẫu. Đề thi yêu cầu đọc hiểu và viết với ngữ liệu mới sẽ khuyến khích người học thể hiện cách hiểu, nghĩ, đọc, viết của cá nhân học sinh; hướng đến sự khách quan, công bằng trong đánh giá. Qua đó cũng khuyến khích giáo viên dạy cách thức, phương pháp... chứ không theo kiểu học thuộc, học tủ, đoán mò trong các kỳ thi... Như một giáo viên cho biết, để thi vào trường chuyên, có học sinh đã phải học thuộc hơn 40 bài văn mẫu.

Đề thi với ngữ liệu mới, nhiều học sinh có thể không viết được bài văn dài (nhiều dòng, trang), nhưng đổi lại đó chính là suy nghĩ, cảm xúc và cách diễn đạt, hành văn của chính người học. Bài/đoạn văn là sản phẩm của các em, người viết, không phải người khác.

Thà viết ngắn, thậm chí còn sai sót, vụng về... nhưng là suy nghĩ, tình cảm của chính mình, còn hơn viết rất dài, trôi chảy nhưng toàn chép lại văn người khác, nói theo người khác mà không hiểu gì. Dạy theo lối chép văn mẫu, thực chất chúng ta khuyến khích sự lười biếng và tạo điều kiện cho học sinh đạo văn. Trong khi chúng ta đang hướng đến giáo dục các em lòng trung thực, biết sáng tạo...

Cô Trần Thị Phương Mai (hàng trên, áo xanh) – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Việt - Đức (Hà Nội) và học trò. Ảnh: NVCC

Cô Trần Thị Phương Mai (hàng trên, áo xanh) – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Việt - Đức (Hà Nội) và học trò. Ảnh: NVCC

Vì sao phải xây dựng ngân hàng ngữ liệu?

Do yêu cầu bảo mật và bảo đảm tính khách quan, công bằng, người ra đề không thể mang theo tài liệu hoặc ấn định sẵn ngữ liệu mình sẽ sử dụng. Đề thi lại yêu cầu nghiêm ngặt các quy định về nội dung tư tưởng, thể loại và nguồn trích dẫn; vì thế cần xây dựng ngân hàng ngữ liệu trước (có sẵn).

Đây là yêu cầu cần thiết, nhất là với kỳ thi lớn. Cần có kho ngữ liệu mới với số lượng càng nhiều càng tốt; bảo đảm nội dung và đầy đủ các loại văn bản, văn học và kiểu văn bản (thông tin và nghị luận) quy định trong Chương trình GDPT 2018.

Ngân hàng ngữ liệu mới có nhiều cấp độ: Ngân hàng của giáo viên, tổ bộ môn mỗi trường, quận/huyện, tỉnh/thành và Bộ GD&ĐT. Càng cấp lớn hơn thì ngân hàng càng cần phong phú. Về nguyên tắc các ngữ liệu trong ngân hàng đề các cấp độc lập với nhau, nếu có trùng, số lượng cũng không đáng kể.

Với giáo viên việc tự sưu tầm ngân hàng ngữ liệu chỉ để có văn bản rèn luyện cho học sinh cách đọc, viết văn bản trong quá trình dạy và học. Nhưng với cấp trường, huyện/thị trở lên, để phục vụ việc ra đề kiểm tra, cần bảo mật ngân hàng ngữ liệu nhằm bảo đảm công bằng khách quan trong đánh giá. Làm ngân hàng ngữ liệu không phải để giáo viên dạy tủ theo ngân hàng ấy, cho học sinh ôn đúng các văn bản trong “gói” ngữ liệu.

Phạm vi, cách ôn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu mới là các thể loại và kiểu văn bản quy định trong chương trình chứ không phải nội dung những văn bản cụ thể nào. Giáo viên tập trung ôn và rèn luyện cho học sinh cách đọc hiểu, viết... là chính, để gặp nội dung ngữ liệu nào học sinh cũng biết vận dụng để đọc hiểu và tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề.

Hiểu như trên sẽ thấy ngân hàng ngữ liệu rộng, đa dạng và có chất lượng... không ảnh hưởng đến phạm vi và cách thức ôn luyện của giáo viên, học sinh. Vì không chạy theo ôn nội dung nên giáo viên không lo ôn không hết, học sinh không học nổi; cũng không trở lại cách ôn tủ, học thuộc để chép văn mẫu...

Giáo viên cần thay đổi như thế nào?

Để đánh giá đúng năng lực đọc hiểu và viết của học sinh như đã nêu, giáo viên cần chuyển đổi việc dạy và học, đổi mới cách ôn luyện, kiểm tra.

Trước hết cần chuyển từ dạy học theo nội dung sang yêu cầu phát triển năng lực (đọc, viết, nói và nghe). Dạy cho học sinh cách thức đọc các thể loại văn học; cách viết kiểu bài thông dụng mà chương trình đã quy định. Việc ôn luyện cũng không chạy theo nội dung mà luyện tập cách đọc hiểu một trong ba loại: Văn bản văn học, nghị luận, thông tin; cách vận dụng phân tích đánh giá một văn bản văn học vào một thể loại, với một ngữ liệu mới cụ thể...

Thứ hai, cần tích lũy thu thập, tuyển lựa các loại văn bản làm ngữ liệu mới cho việc dạy học, để rèn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá. Đây là công việc đòi hỏi giáo viên làm thường xuyên và cần có ý thức tìm tòi, đọc thêm, sưu tầm, tuyển lựa của mỗi giáo viên.

Văn bản ngữ liệu mới cần đúng thể loại, kiểu văn bản đã học trong chương trình; bảo đảm độ tin cậy (nguồn dẫn chính thức), bảo đảm các yêu cầu như Chương trình GDPT 2018 đã nêu lên. Chú ý độ dài của văn bản cần phù hợp thời gian làm bài. Nếu đề trích văn bản từ một tác phẩm lớn, dài thì cần có tóm tắt ngắn gọn, bảo đảm học sinh biết được bối cảnh để hiểu đúng đoạn trích.

Thứ ba, theo yêu cầu và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT vừa ban hành thì đề thi tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12. Như thế khi ôn tập và rèn luyện cho học sinh, giáo viên cần tập trung vào cách đọc hiểu các thể loại văn học ở lớp 12 như truyện truyền kỳ, truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, thơ hiện đại, hài kịch, nhật ký, phóng sự, hồi ký.

Ngoài ra yêu cầu đọc hiểu còn có văn bản thông tin tổng hợp và văn bản nghị luận (xã hội và văn học). Yêu cầu viết với lớp 12 chủ yếu là viết văn nghị luận với các hình thức khác nhau... Tuy nhiên đề vẫn có thể kiểm tra các yêu cầu thuộc lớp 11, thậm chí lớp 10 cả về nội dung kiến thức và kỹ năng.

Thứ tư, yêu cầu đánh giá và cấu trúc đề với Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa công bố là mô hình tham khảo tốt. Giáo viên khi ôn tập, rèn luyện ra đề ở các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá khác (thi cuối năm, thi vào lớp 10, thi học sinh giỏi các cấp) có thể theo cách thức và yêu cầu ấy. Vì tất cả học chung một Chương trình, hướng tới một mục tiêu dạy và học; học sinh chỉ có thể làm tốt kỳ đánh giá cuối khi các lớp dưới được rèn luyện, làm quen với cách thức của lần thi cuối.

Nói cách khác mục tiêu, yêu cầu của lần thi cuối cấp THPT như cái đích và mô hình cần đánh giá kết quả của việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Vì thế nó chi phối và tác động đến cách thi, kiểm tra, đánh giá của các lớp, cấp. Các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá (kể cả thi học sinh giỏi các cấp) chỉ khác nhau về mức độ yêu cầu (độ khó) và nội dung cụ thể theo quy định của chương trình.

Điểm mới nhất của định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chủ yếu tập trung vào yêu cầu viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa). Đó là bước tiến lớn trong việc thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo, động viên học sinh bày tỏ ý kiến riêng, góp phần khắc phục hiện tượng dạy tủ, học thuộc, chép văn mẫu... Kéo theo sự thay đổi này là cách dạy học, ôn luyện mới (dạy cách đọc, viết). Việc lựa chọn ngữ liệu mới (đúng, hay, phù hợp...) là một trong hai yếu tố quyết định chất lượng 1 đề thi. Sự thay đổi ấy cần được tuyền truyền, lan tỏa trong nhà trường, xã hội. Nó sẽ mang lại quan niệm đúng và tinh thần dạy học Ngữ văn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ