Mặc dù pháp luật không quy định mức tối đa hay tối thiểu tiền thưởng tết mà dựa vào kết quả hoạt động kinh doanh, sự đóng góp của người lao động, nhất là sự hào phóng của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đã gọi là thưởng tết thì cũng phải tương xứng công sức đóng góp, phù hợp với thực tế đời sống, mặt bằng chung của xã hội.
Tiền thưởng tết mỗi năm chỉ có một lần nên thưởng tết còn gọi là tháng lương thứ 13. Vì vậy, người lao động thường tự lấy mốc đó làm chuẩn để mong chờ tiền thưởng sau một năm làm việc vất vả.
Trường hợp không được thưởng tháng lương thứ 13 thì ít ra tiền thưởng tết cũng phải có giá trị tương xứng với món hàng thiết yếu nào đó sử dụng trong dịp tết. Bởi vì, 20 ngàn thì không mua được bất cứ món hàng nào có giá trị, thậm chí chưa đủ để mua 01 tô phở. Vì thế không thể coi số tiền doanh nghiệp cho người lao động 20 ngàn trong dịp tết là thưởng tết được, mà hãy nên hiểu việc làm đó theo... nghĩa khác!
Thiết nghĩ, việc thống kê mức thưởng tết của cơ quan chức năng cũng nên xem xét lại. Đó là việc có nên thống kê mức thưởng tết 20 ngàn đồng hay không? Còn theo phần đông dư luận người lao động đều cho rằng, với khoản tiền cỡ vài chục ngàn đồng trở xuống mà doanh nghiệp dành cho người lao động trong dịp trước Tết thì không nên thống kê và đưa số tiền đó vào danh mục thưởng Tết, và hãy coi như doanh nghiệp đó không có thưởng tết cho người lao động.
Mong rằng trong những năm tới, trong danh sách thưởng tết được ngành chức năng công bố, sẽ không còn có những doanh nghiệp thưởng tết cho người lao động vài chục nghìn như vừa qua.