Tác động trực tiếp tới hơn 1,6 triệu viên chức trong cả nước
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là một dự án luật quan trọng. Các quy định của dự án Luật này sẽ tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho cộng đồng như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao, thông tin – truyền thông, tài nguyên môi trường… Tuy nhiên, đây cũng là một dự án luật khó và phức tạp, bởi lẽ, tổ chức các đơn vị sự nghiệp và đội ngũ viên chức đã được hình thành và phát triển trong một quá trình lâu dài với các cơ chế quản lý, sử dụng khác nhau, được thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Do vậy, việc sử dụng, quản lý nguồn nhân lực luôn gắn với vấn đề tổ chức bộ máy, bởi vậy, trong Luật này phải có những quy định mang tính định hướng cho việc tổ chức, phương hướng sắp xếp, quản lý đối với toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cũng như phát triển đội ngũ viên chức làm việc tại các đơn vị này.
Dự án Luật Viên chức này sẽ tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội |
Tại hội trường, trong phiên thảo luận về dự án Luật Viên chức, đa số đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật, song không ít ý kiến cho rằng còn nhiều lúng túng tại dự luật này, từ phạm vi điều chỉnh cho tới những quy định cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Văn Quynh (đoàn Quảng Ninh) đưa ra thông tin “trong các tài liệu của Ban soạn thảo gửi đến có một báo cáo tôi rất quan tâm những thông tin và có thể nói là bất ngờ chưa thể lý giải được, đó là cổng thông tin điện tử của Chính phủ thông báo sau 60 ngày đăng trên cổng thông tin để lấy ý kiến nhân dân mà không có ý kiến nào góp ý với dự thảo luật, trong khi phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của văn bản này là hơn 1,6 triệu viên chức trong các đơn vị công lập mà chắc chắn đối với họ việc khai thác thông tin trên mạng điện tử không có gì xa lắm”.
“Giải thích về việc này là nếu không có trục trặc về kỹ thuật tiếp nhận thông tin thì liệu có thể là viên chức trong các đơn vị công lập chưa thấy dự thảo luật cần thiết đối với họ trong khi những người cần thì không đáp ứng” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quynh phân tích.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, một số ý kiến cho rằng bên cạnh viên chức trong sự nghiệp công lập nên có những quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Bởi vì muốn đảm bảo chất lượng của dịch vụ công thì không thể thả nổi lĩnh vực này.
Có nên cho Việt kiều thi tuyển công chức?
Một vấn đề mới tại dự luật song còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được tham gia dự tuyển làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập hay không.
Theo đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn TP. HCM), nên cho dự tuyển để thu hút nguồn nhân lực, chất xám. “Việc tuyển công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo tôi nên. Bởi vì họ còn quốc tịch là công dân Việt Nam và chúng ta làm việc này cũng thu hút nguồn nhân lực, chất xám mà chúng ta thường hay nói là không chỉ thu hút họ về vốn, về kiều hối mà còn là nguồn nhân lực, chất xám. Khi đề cập vấn đề này chúng ta rất tâm đắc cách Bác Hồ trải thảm đỏ trước đây, nhiều người giỏi đã về nước như Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa v.v... Nhiều người về nước không phải vì có đãi ngộ về tiền bạc, vật chất mà là còn là sự mời gọi đầy tin tưởng, một sự đánh giá công bằng” – bà Thảo cho biết.
Đại biểu Quốc hội Phạm Phương Thảo đưa ra thông tin “trong thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh có mời công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về làm việc, họ được phân công làm viện trưởng, viện phó của Viện khoa học tính toán, họ cũng được phân công là Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về Nano, họ cũng được phân công là Phó giám đốc Trung tâm sinh học v.v... ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã mời và phân công những chức vụ như vậy”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác chưa đồng ý. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho nên cho họ ký hợp đồng lao động, chứ không nên gọi họ là viên chức. Vì viên chức liên quan đến toàn bộ lợi ích quốc gia, lợi ích công quyền và bộ máy Nhà nước.
Vậy thì họ có được làm việc ở trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hay không, nếu như không cho phép làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu vấn đề.
Chiều nay, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII sẽ làm việc cuối cùng. Trước khi bế mạc, Quố hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
Thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề.
Quang Anh