Có nên bỏ khái niệm F0, F1 trong "bình thường mới"?

GD&TĐ - PGS.TS Đinh Vạn Trung cho rằng, không cần thiết sử dụng khái niệm F0 và F1. Thay vào đó, nên duy trì ba khái niệm là: Người mắc Covid-19, người nhiễm nhưng không phát bệnh và người không nhiễm.

Các chuyên gia cho rằng, nên dần coi Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường.
Các chuyên gia cho rằng, nên dần coi Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường.

Khái niệm không còn phù hợp?

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục lập những kỷ lục mới. Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc mới trong ngày 2/3 tăng 11.537 trường hợp so với ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên, số ca mắc mới tại Việt Nam ở ngưỡng trên 100.000 kể từ khi dịch bùng phát. Số ca nhiễm tăng cao ở hầu hết tỉnh, thành phố. Hà Nội tiếp tục lập “đỉnh” mới với 15.114 F0.

Số ca nhiễm tăng mạnh liên tục trong nhiều ngày nhưng lượng bệnh nhân tử vong vẫn duy trì ở mức trên dưới 100 ca/ngày. Trong ngày 2/3, cả nước ghi nhận 114 ca tử vong, tăng 28 ca so với ngày trước đó. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 18 trường hợp. TPHCM ghi nhận 2 trường hợp đều từ các địa phương khác chuyển đến.

Có 96% số ca nhiễm là nhẹ hoặc không có triệu chứng, chủ yếu điều trị tại nhà, chỉ cần khai báo với y tế phường. Tuy nhiên, việc nhiều người liên tục trở thành F1 và phải cách ly tại nhà được coi là tình trạng gây “mệt mỏi”.

Thậm chí, nhiều công sở ghi nhận lượng lớn nhân viên nghỉ việc do là F0 và F1. Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh mở cửa, chúng ta có thể bỏ khái niệm, quy định F1. Bởi, khái niệm này không còn phù hợp, không có giá trị truy vết cũng như không được công nhận từ chính quyền địa phương.

Chia sẻ về quan điểm này, PGS.TS Đinh Vạn Trung - nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân đội 108 cho rằng, việc bỏ khái niệm F0, F1 trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.

“Trước tiên, chúng ta có thể thấy, các quốc gia trên thế giới đã không còn sử dụng khái niệm F0 và F1. Thay vào đó, chỉ có người nhiễm và người không nhiễm. Trong đó, bao gồm: Người nhiễm hình thành bệnh, người nhiễm không mắc bệnh và người không nhiễm. Nhiễm không mắc bệnh là người mang mầm bệnh, nhưng không phát triệu chứng. Chúng ta chỉ nên duy trì ba khái niệm đó”.

Nên để F1 đi làm bình thường

Theo quy định của Bộ Y tế, F1 là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.
Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền.
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền. Hoặc người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

PGS Trung lý giải, đối với những người lành mang trùng, họ không biểu hiện triệu chứng. Do đó, những người này vẫn đi lại, tiếp xúc bình thường với những người không nhiễm. Tình trạng đó đã vô tình xoá nhoà khái niệm F0 và F1.

“Việc duy trì khái niệm F0 và F1 trong bối cảnh hiện nay có thể coi là không cần thiết. Tâm lý mọi người rất sợ khi tiếp xúc với F0 và F1. Tuy nhiên, chúng ta chưa định nghĩa rõ là, không phải F1 nào cũng mắc Covid-19. Họ là người tiếp xúc với F0 nhưng có thể không nhiễm, hoặc nhiễm nhưng không phát bệnh”, chuyên gia nhấn mạnh.

Do đó, PGS.TS Đinh Vạn Trung nhận định, người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 có thể đi làm và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách. Trong khi đó, những người mắc Covid-19 cần tự cách ly và điều trị. Trường hợp mắc Covid-19 nhưng không phát bệnh cũng có thể đi làm và sinh hoạt bình thường. Song, cần giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, thành viên nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ F0, chia sẻ, thông thường, F0 sau 7 ngày nếu test lại âm tính có thể đi làm bình thường. F1 cách ly 5 ngày, sau đó nếu đi làm tiếp tục trở thành F1 sẽ phải ở nhà thêm 5 ngày nữa. Thậm chí, họ vẫn có nguy cơ tiếp tục nghỉ làm do lại trở thành F1.

“Vậy một công ty nếu cứ phải cho F1 ở nhà thì lấy ai làm việc, trong tình hình mà có lẽ quá nửa Hà Nội, ai cũng là F0 hoặc F1 như hiện nay!”, bác sĩ Hoàng nhận định. Do đó, theo bác sĩ Hoàng, việc bỏ khái niệm F1 là cần thiết. Chuyên gia này dẫn chứng, năm ngoái, những người là F2, F3 cũng từng bị truy vết gắt gao.

“Với thực tế vắc-xin được bao phủ rộng như hiện nay, cần phải dần coi Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường. Vẫn cần ưu tiên bảo vệ những người bệnh nền, chưa tiêm đủ vắc-xin và tất cả mọi người không nên chủ quan”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.