Để tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nghiêm túc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao |
(GD&TĐ) - Mùa tuyển sinh năm 2014 đã chính thức khởi động, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và Luật GDĐH, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương giao cho các trường ĐH, CĐ thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh. Từ trung tuần tháng 12/2013 Bộ đã công bố “dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng” chứng tỏ tính chủ động và cầu thị của Bộ GD&ĐT.
Thực ra, không phải vấn đề tự chủ trong công tác tuyển sinh đến nay mới được đặt ra và tự chủ tuyển sinh hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tự chủ xác định chỉ tiêu và tự chủ tổ chức thi tuyển. Về tự chủ xác định chỉ tiêu, Bộ đã có thông tư 57/2011/TT-BGDĐT về việc tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện từ năm 2012.
Về tổ chức thi tuyển thì Bộ GD&ĐT cũng đã khuyến khích các trường xây dựng phương án tự chủ trong công tác tuyển sinh và năm 2013 đã có 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật xây dựng phương án tự tổ chức thi tuyển theo đặc thù khối ngành và đã được Bộ đồng ý phê duyệt phương án.
Tuy nhiên, gần 400 trường đại học, cao đẳng còn lại vẫn chọn hình thức “Ba chung”. Điều đó khẳng định kỳ thi “ba chung” vẫn có nhiều ưu điểm và tuyển sinh là một công việc hệ trọng, cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Như chúng ta biết, được bắt đầu từ năm 2002, đến nay kỳ thi tuyển sinh “ba chung” chuẩn bị bước sang năm thứ 13. Đây là kỳ thi được xã hội thừa nhận là nghiêm túc, khách quan, công bằng và đúng quy chế nhất. Công bằng mà nói, kỳ thi “ba chung”, với việc tổ chức thành một số cụm thi đầu tiên là cụm thi Vinh, sau đó là Cần Thơ, Quy Nhơn, Hải Phòng, có nhiều ưu điểm:
Thứ nhất, đảm bảo mặt bằng về trình độ của thí sinh trong cả hệ thống giáo dục đại học, góp phần phân tầng đại học, cao đẳng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh;
Thứ hai, điều tiết số lượng thí sinh giữa các trường;
Thứ ba, hạn chế rủi ro trong công tác tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ;
Thứ tư, tiết kiệm cho thí sinh và các trường một khoản kinh phí rất lớn;
Thứ năm, quan trọng hơn, tạo sự yên tâm cho xã hội, khắc phục những tiêu cực hạn chế như học thêm, dạy thêm, luyện thi tràn lan...
Trường Đại học Vinh đã 12 năm được Bộ giao làm cụm trưởng cụm thi Vinh, nhà trường đã nỗ lực cùng các trường đại học cao đẳng có thí sinh dự thi tại cụm thi (năm 2012 có 186 trường có thí sinh dự thi tại cụm thi Vinh) tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Năm 2014 nhà trường vẫn tổ chức tuyển sinh theo hình thức “ba chung” cho đến khi không còn kỳ thi này nữa để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ Cụm trưởng cụm thi Vinh.
Cần phải nói ở đây là một những công việc quan trọng nhất như ra đề, thì đều do Bộ làm, trường chỉ thực hiện thôi nhưng cho dù là một đại học lớn của vùng, có kinh nghiệm về việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh nhưng chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình hết sức nặng nề với xã hội và người đi thi, để đảm bảo cho một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, đúng quy chế.
Nói điều này ra để thấy rằng, để các trường ĐH và CĐ tự chủ trong tuyển sinh là việc cần làm. Tuy nhiên, năng lực tự chủ đến đâu cũng là điều cần xem xét, nếu chưa có khả năng tự chủ mà giao tự chủ thì sẽ rất dễ dẫn đến sai phạm.
Do vậy, cần phải có một lộ trình thích hợp, Bộ GD&ĐT cũng cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các trường, từ khâu xây dựng đề án tuyển sinh, tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển; điều kiện đảm bảo nguồn tuyển... Tự chủ phải luôn gắn với tự chịu trách nhiệm xã hội.
Thiết nghĩ, điều mà xã hội quan tâm nhất là: Liệu khi các trường ĐH, CĐ tự chủ trong tuyển sinh thì có nảy sinh những tiêu cực như luyện thi tràn lan, bằng mọi cách tuyển cho đủ số lượng...hay không?
Một vấn đề nữa mà các trường ĐH và CĐ cũng băn khoăn là khi tuyển sinh riêng, kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh mà không có giá trị xét tuyển sang các trường khác. Quy định này liệu có quá ràng buộc đối với thí sinh hay không?
Tất nhiên, với bất cứ một phương thức tuyển sinh nào cũng đều có ưu điểm và hạn chế của nó. Nhưng tự chủ trong tuyển sinh vẫn là mục tiêu mà GDĐH Việt Nam cần hướng tới. Khi mọi điều kiện cho tự chủ trong tuyển sinh được Bộ GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ chuẩn bị chu đáo, đồng thời tạo được sự đồng thuận của xã hội chắc chắn tự chủ trong tuyển sinh sẽ thành công.
“Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng” đã thể hiện quan điểm đó và được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Một số ý kiến cho rằng, Bộ không cần phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh là không thực tế và dễ dẫn đến những rủi ro sau này. Và khi sai phạm xảy ra, chắc chắn khi đó xã hội lại quy một phần trách nhiệm về Bộ GD&ĐT với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước. |
PGS.TS Đinh Xuân Khoa
(Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh)