Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ

Ông sững người. Ông không còn là chú bộ đội đẹp trai phơi phới trong ảnh nữa, mà là cựu tù với chằng chịt sẹo trên mặt, lưng đi còng, nụ cười méo xệch.

Bữa cơm đoàn tụ, con gái khóc, kiên quyết không gọi cha, ông cũng khóc vì bất lực. Bà chỉ biết nói với chồng: "Đừng trách con, có trách, thì hãy trách tại chiến tranh"!

Bức thư từ thời hoa lửa

Bảo tàng Nghệ An tháng 7, một phần cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc được tái hiện lại trong triển lãm "ký ức thời hoa lửa". Mỗi kỷ vật, không chỉ là mảnh cắt chiến tranh, mà đằng sau là một câu chuyện, một gia đình và của nhiều cuộc đời với cả hạnh phúc lẫn đau thương, day dứt khôn nguôi.

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 1
"Ký ức thời hoa lửa" hé lộ phiên bản truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong đời thực ở xứ Nghệ

"Minh em, mỗi lần ngồi chuyện trò bầu bạn, họ kể chuyện tình cảm về con cái của họ, em có biết anh nghĩ vì và làm gì lúc đó không? Anh đã quay mặt gạt nước mắt khi liên hệ đến con mình với mình trong những ngày qua, rồi lặng lẽ ra đi để khỏi phải chứng kiến cái bất công tự nhiên ấy. Mỗi lần anh nhìn tấm ảnh của con chụp chung với các chú bộ đội mà lòng anh phát ghen lên vì tình cảm đấy. Không phải anh không muốn, nhưng ngược lại thì Tuyết Mai không muốn".

Những dòng thư của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước gửi vợ Lê Thị Hồng Minh khiến nhiều người giật mình, như gặp lại phiên bản truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Những dòng thư thôi thúc chúng tôi về làng Luân Phượng, Đồng Văn (Thanh Chương) để tìm chuyện thật, người thật…

Tình yêu với cô bé nhà bên

Hơn  60 năm trước, Lê Thị Hồng Minh 16 tuổi được gả cho anh bộ đội Nguyễn Trí Phước đã 30 tuổi, kháng chiến chống Pháp trở về. Nhà chỉ cách "dậu mùng tơi", Phước cũng là bạn thân của anh trai Hồng Minh, nên hai vợ chồng về với nhau từ bằng cả tình yêu, tình thân, tình hàng xóm… Không lâu sau, Tuyết Mai – con gái đầu lòng của hai người chào đời với bao hạnh phúc và hi vọng của cha mẹ.

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 2
Bà Lê Thị Hồng Minh nên duyên cùng anh bộ đội Nguyễn Trí Phước, là hàng xóm thân thiết từ nhỏ

Thời điểm đó, Nguyễn Trí Phước vừa học xong và được giữ lại làm giảng viên Trường Trung cấp Kỹ thuật 1 Hà Nội. Nhưng năm 1965, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Một lần nữa, ông khoác áo lính, xung phong đi B. Ký ức ngày tiễn chồng nhập ngũ còn rõ ràng như mới hôm qua: "Sợ tôi bịn rịn, anh đi nhanh lắm còn tôi thì cứ cố đi chậm vì muốn ở bên chồng thêm dăm ba phút. Lúc chia tay, tôi nói anh cứ yên tâm, em sẽ ở nhà phụng dưỡng bố mẹ, nuôi con, chăm các em. Khi bóng chồng đã đi xa rồi, tôi mới ôm Tuyết Mai òa khóc".

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 3
Những trang nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước

Kể từ ngày ấy, bà chỉ nhận được 2 lá thư từ chồng, nhưng một bức thư chữ đã nhòe không đọc được. Ôm những dòng nhắn gửi ngắn ngủi của chồng, bà cố gắng "vững vàng" như đã hứa và chờ đợi, hi vọng ngày đoàn tụ. Bà tiếp tục học phổ thông rồi vào trường sư phạm, trở thành cô giáo trường làng, phấn đấu vào Đảng.

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 4
Bà Minh nhớ lại nỗi đau nhận giấy báo tử của chồng

Một buổi sáng năm 1968, khi đang dạy học có người hớt hải chạy đến trường tìm cô Minh thông báo: "Anh Phước hi sinh rồi, có giấy báo tử về"! Đôi chân bà khuỵu xuống, mọi thứ tối sầm trước mắt. Bà vẫn không tin được, cho đến khi về tới nhà, mọi người đã đến chật kín sân.

Bà như hóa đá, nhưng người sống vẫn phải sống. Và sống kiên cường hơn vì con gái – vì tình yêu còn lại của 2 người. Với Tuyết Mai, hình ảnh duy nhất về người cha, là một chú độ đội trẻ tuổi, phơi phới thanh xuân, đóng khung trên di ảnh mà mẹ vẫn lặng nhìn rồi thầm khóc.

Liệt sỹ… trở về làng

Cuộc sống cứ thế trôi đi, với muôn vàn khó khăn của thời đất nước 2 miền chia cắt. Đến năm 1973, bà bỗng nhận được 1 lá thư tay, "Gửi con Tuyết Mai" với nét chữ của chồng mình. Bà không hiểu chuyện gì, tay run run mở ra đọc, những hàng chữ nhòe đi…

Năm 1968, sau cuộc tổng tiến công mùa xuân, ông bị địch bắt và đày ra nhà tù Phú Quốc... Những ngày tháng trong tù với "điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung", biệt giam chuồng cọp ông đều nếm đủ. Khi Hiệp định Paris ký kết, hai bên trao trả tù binh, Nguyễn Trí Phước được ra Bắc điều dưỡng tại Quảng Ninh.

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 5
Tuyết Mai đã kiên quyết không chịu gọi "Cha" vì hình hài người cha trở về quá khác với chú bộ đội phơi phới thanh xuân trong ảnh

Nhưng lá thư không có lời nhắn gửi nào cho bà, chỉ hỏi thăm con gái Tuyết Mai đã lớn ngần nào rồi, có khỏe không và hỏi "Mẹ bây giờ ở đâu"? "Ông ấy biết ở nhà có giấy báo tử, nên sợ tôi đã đi lấy chồng khác. Ông không muốn làm xáo động, phá vỡ sự bình yên ấy của tôi", bà Minh lý giải. Vừa giận, vừa thương, bà biên thư lại cho chồng: "Hơn mười năm nay tôi không đi đâu cả, tôi ở đây nuôi con thờ chồng. Nay anh "cải tử hoàn sinh", tôi cất ảnh anh trên bàn thờ rồi"...

Nhận thư vợ, ông mới can đảm xin chỉ huy cho về phép. Trên triền đê sông Lam về lại làng Luân Phượng (xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An), người thân đầu tiên ông gặp là bố vợ mình: "Cha có nhận ra con không"? Đáp lại là cái nhìn chăm chú từ đầu đến chân rồi lắc đầu. - Con là Trí, chồng của Hồng Minh, là con rể của bố đây! Một thoáng sững sờ, rồi hai người đàn ông ôm nhau khóc.

Bố vợ dẫn ông về nhà, trước ngõ có nhóm trẻ con đang chơi với nhau, Tuyết Mai bé bỏng ngày nào đã lên 10 tuổi. Nhưng trước mặt "chú bội đội", cô bé ngơ ngác nhìn, đi lùi lại, rồi hét lên: "Không phải cha"! Ông đau nhói, đôi chân như gặp bức tường vô hình ngay trước ngõ nhà.

Lúc ấy, bà Minh được báo tin vội đạp xe về. Nhìn thấy chồng, bà choáng váng rồi ngất xỉu. "Ông chạy lại dìu tôi dậy, còn tôi không nói được gì, chỉ khóc nức nở. Ông vỗ về "Anh hiểu cảnh khổ của mẹ con em rồi", bà nghẹn ngào kể.

"Đừng trách con! Có trách, thì hãy trách chiến tranh"

Bữa cơm đầu tiên đoàn tụ cả gia đình, không đầm ấm, vui vầy như hai vợ chồng từng ngóng đợi. Con gái Tuyết Mai tránh mặt, nhất quyết không ngồi cạnh cha. Ông gắp thức ăn cho từng người trong nhà, đến lượt Tuyết Mai, cô bé lấy đũa hất miếng thịt văng ra khỏi bát. Mẹ gắp lại vào bát vẫn không ăn. Đêm hôm ấy, cô bé giận không ở nhà với bố mẹ, trốn sang nhà ông bà ngoại ngủ.

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 6
Bà Hồng Minh và con gái Tuyết Mai kể lại ký ức đặc biệt như một "Chiếc lược ngà" trong đời thực

Suốt 1 tháng ròng nghỉ phép về sắp xếp việc nhà, con gái vẫn lầm lỳ, bằng mọi cách tránh mặt người cha "bỗng dưng xuất hiện". Thấy cha ngồi xuống cạnh bên, Mai đứng dậy bỏ đi chỗ khác. Cha muốn được ôm con gái vào lòng, nài nỉ "cho cha cầm tay Mai một chút", thì cô bé đẩy ra phũ phàng.

Bà Minh thủ thỉ, tâm sự, giải thích mọi chuyện cho con gái, nhưng vẫn không thể thuyết phục một đứa trẻ 10 tuổi. Bà hiểu con gái thương yêu duy nhất cha Phước, nhưng cũng sợ bị đánh lừa. Trước đó, khi ông chưa về, đã từng có một chú bộ đội trêu Mai, cho cô bé 1 cái bánh mỳ rồi ướm hỏi: "Mai ăn bánh mỳ của bác rồi, giờ gả mẹ Minh cho bác nhé"! Tuyết Mai liền ném trả lại chiếc bánh, còn cố nôn ra hết miếng bánh đã ăn. Từ đó, cô bé sợ có chú bộ đội đến lấy mẹ đi mất.

"Tôi vẫn thường ngắm nhìn bức ảnh chụp cha ngày nhập ngũ, ông đẹp trai lắm, khác xa với người đàn ông với khuôn mặt đầy sẹo, lưng đi còng, nụ cười cũng méo mó. Tôi không chấp nhận được người cha hiện thực trước mắt mình, cũng không có được cảm giác hạnh phúc, vỡ òa khi gặp lại cha…", chị Tuyết Mai ngậm ngùi nhớ lại.

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 7
Những ký ức, ghi chép về chồng liệt sỹ là tài sản quý giá đối với bà Lê Thị Hồng Minh 

Có lần bà cố tình đi vắng, để 2 cha con ở nhà với nhau và dặn Mai, trưa ở nhà nấu cơm thì nhờ cha rút củi, tắt bếp. Bà muốn con gái chịu gọi tiếng cha một lần, để gia đình được đoàn tụ trọn vẹn, để cuộc sống được bắt đầu bình thường. Nhưng cô bé lỳ lợm vẫn nói trống không: "Cơm sôi rồi, dậy rút củi không cháy mất, về mẹ nạt cho cả đứa nhỏ lẫn đứa nậy (người lớn – PV)". 

Bà về tới nhà, con gái khóc, chồng cũng khóc trong bất lực, chẳng lẽ phải đánh đòn? Bà ôm chồng, nói: "Anh đừng có trách con! Ngày đi, con mới chưa đầy 2 tuổi, anh không kịp bế ẵm nó, không một ngày bón cơm. Anh có trách, thì hãy trách chiến tranh"!

Gọi cha là chú bộ đội!

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 8
Nếu không đồng ý gọi cha, thì Tuyết Mai hãy gọi là chú bộ đội!

Hết hạn nghỉ phép, Nguyễn Trí Phước quay lại trại an dưỡng ngoài bắc. Những lá thư gửi về cho vợ được nối lại, với tình cảm yêu thương chan chứa, thêm phần thấu hiểu. Hạnh phúc muộn màng cũng đến, khi hai vợ chồng có thêm một bé trai. 

Nỗi đau đáu duy nhất vẫn là con con gái đầu lòng, đến nỗi ông đành lòng thỏa hiệp. "Cái ý định 1 tấm ảnh có anh, em và con để làm kỷ niệm sau những chuỗi ngày đau khổ, sống lại trở về thế là không đạt được. Minh em! Anh nghĩ rằng nếu như Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha, thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng chú bộ đội, để chú bộ đội Phước được gần gũi bên cháu Tuyết Mai cho đỡ tủi lòng", ông gửi thư cho vợ.

Di chứng chiến tranh để lại nặng nề, cuối năm 1975, Nguyễn Trí Phước đã ra đi tại bệnh viện Quân khu 4. Đêm hôm ấy, Tuyết Mai được đưa đến tiễn biệt cha. Cô bé không hiểu tại sao nước mắt cứ tự nhiên trào ra, một nỗi mất mát không gì bù đắp nổi, và bất giác thầm gọi "Cha"! Tiếng gọi rơi vào thinh không…

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 9
Một cái kết "có hậu" khi sau chiến tranh, bà Minh, ông Phước có thêm người con trai. Trong ảnh là bà Minh đến thăm bảo tàng Nghệ An

Lớn lên, Nguyễn Thị Tuyết Mai cũng nối nghiệp mẹ trở thành cô giáo. Đứng trên lớp, bài giảng về truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhiều lần dừng lại vì cảm xúc nghẹn ngào. Cô Tuyết Mai cũng đã từng như cô bé Thu đối với ba Sáu của mình. Cả lớp lặng im, lũ học trò cũng bật khóc.

Có một phiên bản "Chiếc lược ngà" trong đời thực ở xứ Nghệ ảnh 10
Gia đình bà đã quyết định tặng 16 bức thư của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước cho bảo tàng Nghệ An, như một cách giữ gìn, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, tương lai

Không ít lần cô từng từng tiếc nuối, giá như có đủ thời gian để mở lòng với cha. Sau hơn 40 năm kể từ ngày cha mất, cô đã đã thực hiện lời hứa với chính mình, đi thăm nhà tù Phú Quốc. Nơi ấy, cô đối diện với ký ức, trước người cha kiên trung đáng tự hào, và biết ông sẽ bao dung, như tình yêu lớn lao mà ông luôn dành cho mẹ con cô.

Tháng 7/2020, 16 trang thư và nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Trí Phước và vợ là Lê Thị Hồng Mình được tặng lại cho bảo tàng Nghệ An. Một phần của cuộc chiến, về tình yêu, tình cha con, sự đau thương chia cắt sẽ được gìn giữ ở đó, để nối giữ quá khứ với hiện tại, tương lai. Để ngày hòa bình càng thêm trân quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Website nhà trường

Cần 'cú hích' cho đại học vùng

GD&TĐ - Dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng 30 năm qua, các đại học vùng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.