Cần sự chủ động ứng phó
Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới GDP, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban, Ban Kinh tế Thế giới (NCIF) cho rằng, có thể tới năm 2021 - 2023 thì những tác động của chiến tranh thương mại sẽ ngấm sâu vào kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động. Theo dự đoán, năm 2021 GDP của Việt Nam có thể giảm 0,12%, đây là mức tương đối thấp. Theo đó, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều giảm.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, do bị áp thuế đối với nhiều mặt hàng công nghiệp nên hàng Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm mức xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đồng thời tìm cách vào thị trường khác thay thế để tiêu thụ lượng hàng hóa còn rất nhiều trong nước. Vì vậy, rất có thể doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, trên cơ sở tận dụng thế mạnh về giá, cước vận tải thấp và sự quen thuộc về thị trường, đối tác cũng như thị hiếu của một bộ phận DN Việt Nam.
Điều này xảy ra tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất trong nước vì hàng nội bị rơi vào tình thế phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc; nhất là khi xét về giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, do DN hai nước Trung - Mỹ chịu sức ép liên tục cũng như phải đối phó lẫn nhau, gây hệ lụy và ảnh hưởng trên diện rộng; từ đó, làm giảm sức cầu chung trên toàn thế giới. Vì vậy, DN Việt cũng gặp bất lợi trong hoạt động xuất khẩu - điều không mong muốn vì Việt Nam đang là nền kinh tế hướng về xuất khẩu.
Trên thực tế, chính sách bảo hộ thương mại mà cụ thể là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có tác động rõ nét trong 6 tháng cuối năm, tuy nhiên TS Đặng Đức Anh cho rằng, cần tiếp tục cập nhật để đánh giá tác động. Tác động trực tiếp là chưa lớn nhưng gián tiếp đã thấy: Đó là sự tăng giá USD, tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán…
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI cho rằng, tác động lớn nhất từ cuộc chiến thương mại nói trên là nguy cơ khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trầm trọng hơn. Một khi hàng hóa dư thừa, các DN Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ tại các nước khác, trong đó có Việt Nam khiến hoạt động sản xuất cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm của DN Việt Nam trở nên khó khăn hơn ngay tại chính thị trường trong nước. Ở chiều ngược lại, hàng xuất khẩu của ta vào Trung Quốc cũng hạn hẹp hơn do bản thân lượng hàng của DN Trung Quốc sản xuất ra rất lớn, lại bị ùn ứ nên họ có thể giảm giá, khuyến mại để tăng sức tiêu thụ ngay tại chỗ. Như vậy đó chính là sự cản trở đối với hàng xuất khẩu của ta vào nước này.
Đặc biệt, cần lưu ý rằng, thép hiện đang là mặt hàng nhạy cảm, là đối tượng bị áp thuế rất cao cũng như luôn ở trong “tầm ngắm” để một số nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ, rào cản như yêu cầu điều tra, khiếu kiện chống bán phá giá... Từ đó, khuyến cáo đưa ra là cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý xuất nhập khẩu, phân phối và tái xuất nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc hàng giá rẻ vào Việt Nam rồi được tìm cách xuất sang Mỹ. Đây cũng là biện pháp thanh lọc, tránh rủi ro, bị hiểu lầm trong giao thương.
Tận dụng các cơ hội
Bên cạnh các khó khăn không tránh khỏi, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi khi hàng Trung Quốc bị áp thuế cao, nhất là đối với những loại hàng xuất khẩu cùng chủng loại. Rõ ràng đây là lợi thế lớn, bởi hàng của ta đương nhiên được lợi về giá bán để tăng sản lượng bán ra cũng như kết hợp mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thêm thị phần tại quốc gia có sức mua lớn nhất thế giới là Mỹ. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ sẽ là cơ hội để thúc đẩy, hấp dẫn dòng vốn đầu tư Mỹ vào Việt Nam thay vì vào Trung Quốc...
Nhiều ý kiến cho rằng, từ nay đến cuối năm, để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường thu hút FDI từ Mỹ. Tiếp tục tăng cường năng lực công nghệ để thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ cao. Đồng thời, áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm đề phòng hiện tượng thoái vốn các nhà đầu tư nước ngoài; ứng phó với các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại từ Mỹ, cũng như có biện pháp tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, chủ động đối phó với biến động về tỷ giá…
Về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung hơn nữa cho xuất khẩu để tìm thị trường. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, chúng ta cần tránh việc không để cho hàng hóa Trung Quốc thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu không làm tốt được việc này, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đánh thuế như Trung Quốc. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.