Đối thoại kinh tế Mỹ - Trung kết thúc thất bại

GD&TĐ - Ngày 19/7, tại Washington đã diễn ra cuộc đối thoại kinh tế toàn diện thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước khi cuộc đối thoại bắt đầu, các bên đã không đề cập đến sự khác biệt liên quan đến CHDCND Triều Tiên và xuất khẩu thép Trung Quốc. 

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tại đối thoại kinh tế Mỹ - Trung 2017.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tại đối thoại kinh tế Mỹ - Trung 2017.

Các quan chức cấp cao đã xem xét lời thỉnh cầu từ các ông trùm kinh doanh của hai nước để tránh một cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, như các chuyên gia dự đoán, không có những bước đột phá, cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.

Không tuyên bố chung, không họp báo chung

Các cuộc đàm phán vào mùa hè hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên thường xuyên kể từ năm 2006 và tiếp tục được duy trì dưới thời Tổng thống Barack Obama. Giờ đây, chính quyền Donald Trump đã đưa ra một tiến trình trình đàm phán dưới thương hiệu mới - “Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung Quốc”.

Đây là kết quả thỏa thuận đạt được của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida hồi tháng Tư vừa rồi. Sau đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại thị trường cho thịt bò Mỹ. Theo Bloomberg, ông Tập Cận Bình cũng hứa sẽ mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ và tạo điều kiện cho Mỹ tiếp cận tốt hơn đến lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.

Tuy nhiên lần này, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, đối thoại kinh tế Mỹ-Trung 2017 đã kết thúc thất bại. Không có tuyên bố chung, cuộc họp báo chung dự kiến diễn ra ngay sau đó cũng bị hủy bỏ, các bên thông tin về cuộc đối thoại theo cách riêng của mình. Washington ra thông cáo vắn tắt rằng hai bên đã đồng ý hợp tác làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định quá chung chung rằng “hai bên đã thảo luận các vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và hợp tác đầu tư, quản trị kinh tế toàn cầu, để cùng nhau tìm cách để tăng cường hợp tác và giải quyết các khác biệt đúng cách, có những nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, cân bằng và lành mạnh của quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Sẽ có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

Những thông tin không mấy vui từ cuộc đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung 2017 khiến không ít các nhà phân tích đồn đoán về một cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ diễn ra.

Câu chuyện bắt đầu từ khả năng Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với thép của Trung Quốc. Ngày 18/7, lãnh đạo doanh nghiệp đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh, qua đó, gửi tới Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross một thông điệp đề nghị “hành động ngay lập tức” để các doanh nghiệp thép của Mỹ không “chết thảm” trước các sản phẩm giá rẻ đến từ Trung Quốc.

Các CEO lo ngại rằng vào tuần trước, Donald Trump khẳng định Trung Quốc “đã phải dùng đến bán phá giá thép để phá hủy ngành công nghiệp thép của chúng tôi. Họ đã làm như vậy trong cả thập kỷ. Tôi sẽ ngăn chặn nó. Có hai cách - hạn ngạch và thuế quan. Tôi có thể sẽ phải sử dụng cả hai”.

Không có bước đi đột phá trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung trong cuộc đối thoại vừa qua. Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các khoản trợ cấp cho các công ty nhà nước, và Washington khó có khả năng hạn chế đối với các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc đang được bán tràn lan tại Mỹ.

Điều dễ hiểu là các bên thông tin về cuộc đối thoại với giọng điệu hết sức kiềm chế, ẩn chứa nhiều xung đột khó hóa giải.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ “Nezavisimaya Gazeta”, Viện sĩ Vasily Mikheyev cho rằng: “Các nhà báo nói về một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng trên thực tế nó khó có thể diễn ra. Một trong những lý do ở đây, theo các nhà phân tích Trung Quốc, nếu có chiến tranh, Trung Quốc sẽ có lợi hơn Mỹ. Thị trường Trung Quốc có tầm quan trọng sống còn đối với các tập đoàn Mỹ”.

Trở lại cuộc đối thoại Mỹ-Trung vừa qua, trọng tâm của nó là thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo Vasily Mikheyev thì vấn đề này đã được thảo luận từ thời Barack Obama, nhưng chính quyền của ông Trump “làm chậm” lại. Vấn đề cốt lõi là phải xây dựng quy tắc của các hoạt động đầu tư, các tiêu chuẩn, định mức; và quan trọng là xây dựng các điều kiện đầu tư theo tiêu chuẩn Mỹ.

Thoạt nhìn, đây là chuyện kỳ lạ, bởi vì sáng kiến ​​đa phần là từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh xem đây là một cơ hội để thâm nhập thị trường Mỹ, trong đó có thị trường đầu tư về sáp nhập và mua lại của các tập đoàn- Vasily Mikheyev nhận xét.

Có vẻ như Washington đang cố gắng vượt qua sự hợp tác thuần túy về kinh tế, muốn liên kết một thỏa hiệp có thể trên một thỏa thuận đầu tư với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là câu chuyện hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

“Tôi nghĩ chúng ta nên mong đợi một bước tiến thận trọng. Thực tế đàm phán như vậy là rất quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương. Điều đáng ghi nhận là mong muốn của Trung Quốc nhằm cải thiện môi trường trong quan hệ kinh tế với Mỹ. Tuy nhiên, bước đột phá không nên mong đợi” – Vasily Mikheyev kết luận.

Theo Reuters, Bộ trưởng Wilbur Ross giống như một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm. Vào đêm trước của cuộc đàm phán chính thức, mọi ý tưởng trả đũa chống lại Trung Quốc không được ông đề cập. Tuy nhiên, ông đã yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường của họ rộng hơn cho các công ty Mỹ.

Tiềm ẩn xung đột giữa hai cường quốc là người Mỹ đã không thể cắt giảm thâm hụt thương mại khổng lồ. Theo Reuters, năm ngoái thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 347 tỷ USD, và đến tháng Sáu năm nay nó tăng thêm 5,3% nữa.

Giáo sư Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo: “Điều tốt nhất mà có thể được dự kiến ​​sẽ là kết quả của các cuộc đàm phán rằng Trung Quốc đồng ý mở một số thị trường cụ thể đối với Mỹ. Điều này sẽ cho phép Washington tuyên bố rằng họ đã chiến thắng tại cuộc đối thoại”.

Theo các nhà phân tích, khó có thể diễn ra một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào thời điểm nào đó xuất hiện những động thái đối đầu cục bộ cũng là điều dễ hiểu. Với hai nền linh tế lớn nhất thế giới, những đan xen giữa lợi ích của mỗi bên là rất lớn. Chiến tranh thương mại toàn diện sẽ mang lại tổn thất rất lớn không chỉ cho hai nước mà cho cả các nền kinh tế phụ thuộc. Chính vì vật, theo các nhà phân tích, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung rất khó xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.