Việt Nam chịu tác động gián tiếp, cần chuẩn bị các phương án dự phòng

GD&TĐ - Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, song Việt Nam vẫn phải quan sát chặt chẽ để từ đó dự phòng các kịch bản và phương án ứng phó nếu cuộc chiến này “leo thang mở rộng”.

Việt Nam chịu tác động gián tiếp, cần chuẩn bị các phương án dự phòng

“Thị trường chứng khoán ảnh hưởng gián tiếp”

Nhận xét về sự tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay đến kinh tế Việt Nam, trao đổi với PV, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, những tác động cũng chỉ ở tầm mức “gián tiếp”.

 
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Viện Kinh tế Tài chính

“Việt Nam phụ thuộc vào xuất nhập khẩu quá lớn, nên khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì sẽ làm cho hoạt động thương mại bị chững lại. Nó có thể ảnh hưởng đến Việt Nam ở phương diện tăng trưởng xuất nhập khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Về mặt đầu tư, ngay cả thời điểm trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra thì dòng vốn đầu tư của thế giới cũng đã xuất hiện xu hướng quay ngược lại thị trường các nước phát triển thay vì đến thị trường các nước đang phát triển. Như vậy, sẽ cũng có tác động đến Việt Nam”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh khuyến cáo Việt Nam cần phải lưu ý việc bị lợi dụng để trở thành thị trường “lách rào cản” cho nước khác khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.

TS Vũ Đình Ánh khuyến cáo: “Về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có thể người ta sẽ có chính sách lách qua những “rào cản” thương mại dưới hình thức đầu tư vào một số nước mà hiện nay không có những ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên vấn đề này cần phải đánh giá thêm một thời gian nữa vì hiện nay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới chỉ bắt đầu và cũng chưa biết được cuộc chiến này sẽ mở rộng, leo thang hay hai bên sẽ ngồi lại với nhau để đàm phán, thỏa hiệp.

Việt Nam nằm trong vòng ảnh hưởng bởi vì hiện nay, xét về cơ cấu xuất nhập khẩu thì chúng ta không có mặt hàng nào nằm trong danh sách của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cả, nhưng mà có thể có một số doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi xuất nhập khẩu của Mỹ hoặc Trung Quốc, có một số mặt hàng nằm trong đối tượng của danh sách chiến tranh thương mại bằng hình thức đánh cao mức thuế quan, một khi áp thuế quan thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp này sẽ phải lựa chọn một trong hai hướng: một là, họ buộc phải cắt giảm sản xuất các loại mặt hàng này, hai là chuyển sang các thị trường khác mà không bị ảnh hưởng gì”.

TS Ánh cho rằng: “Mỹ và Trung Quốc hiện là hai nước đang đứng đầu thế giới về xuất nhập khẩu, nên nếu chiến tranh thương mại mà lan rộng thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Khi chiến tranh thì hậu quả kinh tế cả Mỹ và Trung Quốc đều phải chịu những tổn thất, nghĩa là khi chiến tranh thương mại sẽ chẳng có bên nào là “bên thắng cuộc” cả”.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, về trước mắt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có những tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

TS Vũ Đình Ánh phân tích: “Thứ nhất, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Nó có thể kéo giảm nền kinh tế toàn cầu xuống. Theo đó thì thị trường chứng khoán với tư cách là biểu hàm của nền kinh tế thì tất nhiên cũng sẽ giảm xuống, mà chủ yếu là sẽ diễn ra ở những sàn chứng khoán lớn như là ở Mỹ hoặc Trung Quốc.

Việt Nam nếu ảnh hưởng thì theo tôi cũng chỉ là về phương diện “tâm lý” thôi, vì thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng tâm lý là chính.

Thứ hai, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài. Khi xảy ra chiến tranh thương mại thì các nhà đầu tư chứng khoán muốn phòng tránh rủi ro nên họ sẽ hạn chế đầu tư sang các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam.

Những nhà đầu tư nước ngoài hiện nay ở Việt Nam dù quy mô không lớn nhưng vẫn đang đóng một vai trò rất quan trọng là dẫn dắt thị trường nên cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán liên quan đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì họ có thể gặp những khó khăn nếu như các doanh nghiệp này có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ hoặc Trung Quốc, nghĩa là nó nằm trong vòng của chiến tranh thương mại.

Những hàng hóa xuất khẩu của họ cũng sẽ gặp khó khăn khi mà nó nằm trong những chuỗi giá trị cùng liên quan. Kéo theo đó, giá chứng khoán của những doanh nghiệp này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, nhà đầu tư mà niêm yết hi vọng bán được cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài thì những doanh nghiệp này chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cả sự ảnh hưởng tâm lý rộng trên thị trường”.

“Trước mắt vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều”

Cũng liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang diễn ra, trao đổi với PV, TS Nguyễn Quốc Trường, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng về trước mắt, cuộc chiến này chưa ảnh hưởng gì nhiều đến Việt Nam.

TS Nguyễn Quốc Trường nhận xét: “Quan điểm của tôi khác với các chuyên gia kinh tế khác một chút. Tôi cho rằng không nên chỉ nhìn đơn thuần đây là một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mà phải nhìn nhận rằng đây thực chất là một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc.

Do đó, thực ra chuyện hai bên ép nhau tăng lên vài chục phần trăm thuế quan, tất nhiên đó là lớn, nhưng đối với hai nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc thì chuyện dăm ba chục tỷ USD thì có vẻ như không có ý nghĩa gì nhiều.

Vấn đề ở đây sâu xa hơn thế nhiều. Đó là Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc về khả năng tiếp cận công nghệ của Mỹ cũng như ngăn chặn việc Trung Quốc phát triển một nền sản xuất ở cấp độ cao hơn trước đây. Tức là ở đây họ muốn ngăn chặn Trung Quốc về khả năng phát triển kinh tế dựa trên công nghệ cao nhiều hơn là đánh thẳng vào thương mại, vì thương mại chỉ là cái rất nhỏ”.

Theo TS Nguyễn Quốc Trường, việc chủ động phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ muốn nhắm đến hai mục đích: Một là, ngăn chặn khả năng tiếp cận công nghệ của Trung Quốc; hai là, ngăn chặn và làm khó Trung Quốc để nước này không thể xuất khẩu được và khó có cơ hội để phát triển một nền kinh tế mà ở đó có một trình độ công nghệ cao.

“Ở đây, Mỹ sẽ tạo những “rào cản” để làm khó Trung Quốc. Về lĩnh vực kinh tế, những kiểu sản xuất tại Trung Quốc với giá rẻ, dựa trên những công nghệ “sao chép” của Mỹ hay các nước phương Tây như trước kia thì nay sẽ gặp khó khăn khi Mỹ tăng thuế. Bản chất vấn đề nằm ở đấy chứ không đơn thuần là vấn đề thâm hụt cán cân thương mại”, TS Trường nhận định.

Về việc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ra sao, TS Nguyễn Quốc Trường cho rằng trước mắt, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều từ cuộc chiến thương mại này.

TS Nguyễn Quốc Trường phân tích: “Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trước mắt sẽ không có những tác động gì ghê gớm trực tiếp đến Việt Nam.

Tôi lấy ví dụ như việc Mỹ tăng mức đánh thuế thép. Thực ra, tỷ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện nay rất ít, chỉ vài phần trăm mỗi năm, còn thị trường chủ yếu của ngành thép chúng ta hiện chủ yếu vẫn là khối thị trường các nước ASEAN với một số nước khác. Do đó, việc Mỹ tăng thuế thép sẽ tác động không nhiều đến Việt Nam.

Thứ hai, như trên đã nói, vấn đề chủ yếu là Mỹ muốn phát động cuộc chiến thương mại để ngăn chặn Trung Quốc về công nghệ cao hơn là mấy thứ lặt vặt như nông sản, đỗ tương, lúa gạo... Nên những động thái như đổ hàng chục tấn đỗ tương xuống biển như vừa qua chỉ là động tác mang ý nghĩa về mặt răn đe ngoại giao, còn về giá trị thương mại thì không có gì nhiều.

Trong bối cảnh Việt Nam lại đang trong một cấp độ sản xuất rất thấp (như gia công xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản...), thì những mặt hàng liên quan đến cuộc chiến này khá ít vì sản phẩm của Việt Nam không phải là những thứ nằm trong danh sách hàng hóa mà Mỹ đang muốn ngăn chặn Trung Quốc. Đây là lý do mà tôi cho rằng tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam là không nhiều”.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Trường, về lâu dài, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “leo thang” và “mở rộng” thì kinh tế Việt Nam khi đó sẽ bị ảnh hưởng.

“Về lâu dài, cũng có thể cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ càng ngày càng mở rộng. Nghĩa là ban đầu là nhằm ngăn chặn sản xuất công nghệ cao, nhưng sau đó lại sẽ mở rộng dần xuống đến những sản phẩm công nghệ thấp là có.

Thêm vào đó, nó tác động gián tiếp nhiều hơn. Ví dụ như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây đổ vỡ cho một số thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam hội nhập rồi, trên thực tế thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị ảnh hưởng rồi. Những thứ liên quan đến câu chuyện ngoài thương mại này còn liên quan đến các vấn đề khác như chuyện Cục Dự trữ liên bang (FED) của Mỹ tăng lãi suất, rồi chuyện dòng tiền rút ra khỏi các nước đang phát triển nói chung... thì Việt Nam cũng nằm trong số này nên cũng sẽ chịu sự tác động”, TS Trường nói.

TS Nguyễn Quốc Trường nhận xét: “Nói chung, bất luận thế nào đi nữa, khi mà các nước lớn xảy ra chiến tranh thương mại, thì kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng, thì Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng. Nghĩa là khi nói đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xét những yếu tố ảnh hưởng đến Việt Nam thì sẽ có, nhưng mà chủ yếu là gián tiếp. Do đó, trước mắt, không có gì phải lo lắng quá”.

Trước câu hỏi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra, TS Nguyễn Quốc Trường cho rằng “không ảnh hưởng nhiều” và do đó, Chính phủ “chưa cần phải can thiệp ngay bằng chính sách”.

TS Nguyễn Quốc Trường cho biết: “Tôi cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đối với Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức quan sát, dự báo các kịch bản và tìm ra các giải pháp dự phòng ứng phó nếu kịch bản xảy ra thôi, tức là phải nghiên cứu, phải quan sát, chứ chưa đến mức Chính phủ phải áp dụng thi hành ngay các chính sách trước mắt.

Về trước mắt, theo tôi không cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có những tác động gì đó quá ghê gớm đến Việt Nam”.

“Tương tự như chuyện cách đây vài năm, khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ theo hướng tăng lên, lúc đó ở Việt Nam cũng bàn thảo rất nhiều. Chúng tôi nghiên cứu, tổ chức rất nhiều diễn đàn, hội thảo, cũng có rất nhiều ý kiến phân tích, bày tỏ về vấn đề này.

Nhưng những diễn biến sau đó và cho đến tận bây giờ đã cho thấy mọi chuyện cũng bình thường, không có nhiều tác động đến Việt Nam.

Những chuyện này tôi cho rằng, chúng ta vẫn cần bình tĩnh quan sát thay vì vội vàng đưa ra ngay những chính sách để đối phó hay điều chỉnh, vì vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp”, TS Trường kiến nghị.

Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác kinh tế chiến lược quan trọng của Việt Nam

+ Thương mại Việt – Mỹ: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 41,6 tỉ USD sang thị trường Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngược lại, lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ chỉ đạt 9,2 tỉ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017, đạt 32,4 tỉ USD.

Còn xét trong khoảng thời gian dài hơn, trong giai đoạn từ năm 2000- 2017, thương mại hàng hóa Việt Nam - Mỹ đã có bước phát triển ngoạn mục với mức tăng hơn 40 lần.

Trong đó, tốc độ tăng xuất khẩu trong giai đoạn từ năm 2000-2017 bình quân đạt khoảng 28%/năm, từ 732 triệu USD (2000) lên 41,6 tỉ USD (2017). Nổi bật nhất là năm 2002 với mức tăng 127,3%, năm 2003 tăng 62,7%, năm 2006 tăng 32%.

Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong số các thị trường xuất khẩu sang Mỹ, chiếm tỷ trọng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

+ Thương mại Việt – Trung: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 93,69 tỉ USD.

Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt – Trung trong năm 2017 đã tăng 21,79 tỉ USD so với năm 2016 và chiếm đến 22% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2017.

Đáng chú ý, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,463 tỉ USD, tăng trưởng ở mức rất cao, lên đến gần 61,5% so với năm 2016, tương đương con số tăng thêm 13,503 tỷ USD.

Năm 2017, có 13 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, tăng 6 nhóm hàng so với năm 2016. Các nhóm hàng có tỉ trọng xuất khẩu lớn là: thủy sản (gần 1,088 tỉ USD), gạo (gần 1,027 tỉ USD), cao su (1,445 tỉ USD), dệt may (1,104 tỉ USD), giày dép (1,14 tỉ USD).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ