Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025:

Cơ hội thay da đổi thịt cho trường vùng khó

GD&TĐ - Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo cơ hội cho nhiều trường học ở vùng khó được đầu tư thêm cơ sở vật chất...

Giờ học của học sinh Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC
Giờ học của học sinh Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

Đưa ra nhận định trên, ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đồng thời cho biết thêm, Bộ tiêu chí mới này giúp cho học sinh miền núi như Lạng Sơn có điều kiện học tập tốt hơn, giảm tình trạng bỏ học giữa chừng so với giai đoạn trước.

Những điểm mới

- Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn 2016 - 2020?

- Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng ban hành có nhiều điểm mới, theo đó bộ tiêu chí đã được phân theo ba cấp độ: Nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu. Trước đó, bộ tiêu chí của giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có hai cấp độ là nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Như vậy, có thể thấy được rằng bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 đã điều chỉnh, nâng cao chất lượng các tiêu chí hơn so với giai đoạn trước.

Đồng thời, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo các tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 ngoài những chỉ tiêu về cơ sở vật chất các trường trên địa bàn xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới không chỉ phải chú trọng vào đầu tư: Điện, đường, trường, trạm..., mà còn chú trọng đến sự phát triển toàn diện của học sinh; giúp học sinh vùng nông thôn, miền núi cải thiện thể chất và quan tâm đến không gian vui chơi, giải trí giúp các em phát triển toàn diện mọi mặt.

- Đối với tiêu chí số 5 về giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, những điểm mới và thuận lợi cho trường triển khai, đặc biệt là trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới?

- 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được điều chỉnh nâng cao hơn so với giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với tiêu chí về cơ sở vật chất trường học (tiêu chí số 5 xã nông thôn mới, chỉ tiêu 5.1 xã nông thôn mới nâng cao) đã được nâng cao hơn so với giai đoạn trước, cụ thể: Xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tiêu chí số 5 trường học tỉ lệ trường học các cấp đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ tối thiểu là 100% trong đó đối với xã có hơn 3 trường yêu cầu trên 70% các trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1.

Đối với xã có từ 3 trường trở xuống yêu cầu lớn hơn hoặc bằng 50% các trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1. Trong khi đó, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ yêu cầu lớn hơn hoặc là 70% các trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ tối thiểu.

Đối với xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, 100% trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Giai đoạn 2016 - 2020 chỉ yêu cầu 100% các trường đạt chuẩn cơ sở vật chất.

Giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu của các tiêu chí nâng cao giúp cải thiện cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đem lại diện mạo mới cho các nhà trường; nâng cao chất lượng dạy và học tại các vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục tại các vùng nông thôn so với thành thị.

Đặc biệt trong triển khai Chương trình GDPT 2018, các đơn vị nhà trường được sửa chữa, xây mới, cải tạo các hạng mục công trình bảo đảm cơ sở vật chất, bảo đảm các trang thiết bị học tập bảo đảm các trường bán trú, trường cấp mầm non, tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Các phòng học, phòng học bộ môn được xây mới, cải tạo bảo đảm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT nâng cao phương pháp dạy học, kỹ năng dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Ảnh: TG

Ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Ảnh: TG

Học sinh sẽ được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn

- Thưa ông, khi địa phương đạt được các tiêu chí về nông thôn mới, học sinh, nhà trường sẽ được thừa hưởng những thuận lợi gì trong quá trình học tập?

- Khi địa phương đạt được các tiêu chí về nông thôn mới các trường DTNT, bán trú có đủ các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng học sinh. Các trường ở xã vùng 3 cũng được đầu tư thêm cơ sở vật chất, trường lớp được xây mới, cải tạo. Đặc biệt, các trường ở miền núi khó khăn có cơ hội xóa đi các lớp học tạm, bổ sung thêm phòng học, phòng học bộ môn còn thiếu.

Đối với học sinh, các em được học trong các trường học có đủ điều kiện cơ sở vật chất khang trang, kiên cố, an toàn; tiếp cận với các trang thiết bị mới, hiện đại, có thư viện rộng rãi để học, nghiên cứu giúp nâng cao phẩm chất, năng lực, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Thu nhập dân cư được nâng lên giúp các gia đình có thể cải thiện điều kiện học tập của con em. Đường sá đi lại thuận tiện hơn, tỷ lệ học sinh đến trường, duy trì sĩ số cao hơn so với giai đoạn trước đặc biệt công tác phổ cập giáo dục ở các địa phương tốt hơn, dần dần nói không với việc bỏ học giữa chừng.

- Để đạt được tiêu chí giáo dục trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đòi hỏi Lạng Sơn phải chiến lược triển khai ra sao?

- Để đạt tiêu chí về giáo dục trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh và các địa phương sẽ phải xây dựng kế hoạch giai đoạn và từng năm để tổ chức thực hiện bảo đảm mục tiêu, huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đạt chuẩn mức độ tối thiểu và một tỉ lệ trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1.

Bổ sung xây mới, cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình trường học đã xuống cấp, phòng tạm, các phòng còn thiếu; bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giúp tăng cường cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa (kể cả các điểm trường) để hoàn thành tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia.

Các trường, điểm trường có cơ sở vật chất đầy đủ, chuẩn hóa giúp cho các trường, điểm trường thiếu phòng học, trang thiết bị được bổ sung đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục đảm bảo chất lượng; điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Huy động học sinh đến trường và duy trì sĩ số cao, giảm tỉ lệ bỏ học giữa chừng; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.