Cơ hội nào cho hợp nhất Hàn – Triều?

GD&TĐ - Các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ diễu hành chung dưới một lá cờ trong lễ khai mạc Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc. Lá cờ hợp nhất là một dấu hiệu của nỗ lực hòa giải 2 miền chia cách từ năm 1945 đến nay, nhưng nhìn vào lịch sử thì hợp nhất còn là một chặng đường rất dài…

Cơ hội nào cho hợp nhất Hàn – Triều?

Người Hàn hoài nghi

Nhiều người dân Hàn Quốc không lạc quan về khả năng thống nhất Hàn – Triều. Theo Khảo sát Ý muốn Thống nhất 2017 do Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất Đại học quốc gia Seoul, 24,7% người Hàn Quốc không nghĩ rằng có thể đạt được hợp nhất.

Chỉ 2,3% người Hàn Quốc được hỏi tin rằng hợp nhất có thể “trong 5 năm”, trong khi 13,6% nghĩ có thể thực hiện “trong 10 năm”. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy 53,8% người Hàn Quốc tin rằng hợp nhất là cần thiết.

Bên cạnh đó, tuy nhiên, có rất ít sự đồng thuận về một quốc gia thống nhất sẽ như thế nào.

Gần một nửa người Hàn Quốc được hỏi muốn giữ nguyên hệ thống chính trị dân chủ Hàn Quốc, trong khi 37,7% ủng hộ hình thức “kết hợp” giữa hệ thống chính trị 2 miền. 13,5% người Hàn Quốc cho biết thích duy trì sự tồn tại của 2 hệ thống trong 1 quốc gia.

Lần đầu tiên, Triều Tiên và Hàn Quốc bước vào bàn đàm phán sau Cuộc chiến Triều Tiên 1950 - 1953 là vào năm 1971. Hai bên đồng ý về nguyên tắc cơ bản của việc thống nhất đất nước. Theo Công ước chung Nam – Bắc ngày 4/7, thống nhất nên đạt được thông qua: Thứ nhất là nỗ lực tự thân của 2 miền; thứ hai là bằng các biện pháp hòa bình; và thứ ba, thúc đẩy thống nhất quốc gia vượt qua những khác biệt về tư tưởng và ý thực hệ.

Thỏa thuận trên là một dấu mốc quan trọng nhưng lại sớm tan vỡ do thiếu ý chí thực sự của các nhà lãnh đạo. Triều Tiên coi đàm phán liên Triều như một cách để tách Hàn Quốc khỏi Mỹ và Nhật Bản. Trong khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc khi đó, Park Chung Hee, coi đây là công cụ hữu ích để củng cố chế độ độc tài của mình.

Chuyện cũ có lặp lại?

Vào cuối những năm 1980, “gió đổi chiều” khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự hoà giải liên Triều một lần nữa lại khả thi.

Olympics Seoul 1988 thúc đẩy Hàn Quốc cải thiện quan hệ với các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản để đổi lại sự tham gia của họ. Olympic đón số quốc gia kỉ lục tham gia tranh tài, trong đó có cả Liên Xô và Trung Quốc.

Vì vậy mà kể cả khi Triều Tiên đánh bom máy bay Hàn Quốc làm chết 115 người năm 1987 (ngay trước Olympic Seoul 1 năm), nhờ vào vị thế quốc tế đang lên của Hàn Quốc và hoạt động ngoại giao tích cực bình thường hoá quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, Bình Nhưỡng đã chấp thuận đàm phán với Seoul.

Đến năm 1991, Triều Tiên và Hàn Quốc một lần nữa lại tiến gần đến ý tưởng hoà giải và kí Thoả thuận Căn bản. Theo đó, cả 2 phía xác định quan hệ của họ không phải là 2 quốc gia riêng biệt, mà là một nước đang trải qua giai đoạn “quá độ đặc biệt” – một quá trình hướng tới thống nhất hoàn toàn.

Năm 1992, 2 bên đưa ra Tuyên bố chung về Giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đến cuối năm 1992, quan hệ liên Triều đột ngột xấu đi. Triều Tiên từ chối chấp nhận thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và phản đối việc nối lại hoạt động tập trận chung Mỹ - Hàn.

Một cột mốc quan trọng khác xảy ra vào năm 2000. Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mở ra những cuộc tiếp xúc thường xuyên nhất ở cấp thượng đỉnh.

Tuy nhiên những hành động của Triều Tiên như thử tên lửa, bắn ngư lôi vào một tàu hải quân Hàn Quốc, bắn vào một đảo Hàn Quốc – đã huỷ hoại những tiến bộ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh 2000.

Sau nhiều nỗ lực hòa giải và thống nhất thất bại, liệu một cánh cửa cho hợp nhất có được mở ra trong năm 2018? Đây là điều những người yêu hòa bình mong chờ nhưng cũng vô cùng ngờ vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ