Cơ hội cho vùng ĐBS Cửu Long thoát khỏi vùng "trũng" giáo dục

Cơ hội cho vùng ĐBS Cửu Long thoát khỏi vùng "trũng" giáo dục

(GD&TĐ) - Ngày 30/06/2011, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thay mặt Thủ tướng ký Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắc là QĐ 1033) về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015.

Ngày 09/09/2011, tại Cần Thơ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ, TB & XH, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định trên. Chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Đến dự có lãnh đạo UBND các tỉnh, lãnh đạo các sở GD&ĐT, sở Kế hoạch & Đầu tư, sở Tài chính các tỉnh 13 tỉnh ĐBSCL và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, TCCN trong khu vực. Giai đoạn 2005-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 20/QĐ-TTg về việc phát triển giáo dục cho vùng ĐBSCL, Bộ GD&ĐT đã tổng kết, thực hiện Quyết định 20 đã đem lại sự chuyển biến căn bản về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục cho các tỉnh miền Tây Nam bộ. Thế nhưng do đặc thù sông nước, đặc thù nông nghiệp… lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng này vẫn còn thấp so với cả nước. Chính điều đó, địa phương trong khu vực rất cần Thủ tướng Chính phủ có một chính sách đặc thù để cho  vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây này phát triển nguồn nhân lực đúng với tiềm năng kinh tế trong thời hội nhập quốc tế.

Một chính sách đặc thù cho giáo dục đào tạo ĐBSCL

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thông qua kế hoạch thực hiện Quyết định 1033, trong đó có 7 chỉ tiêu và 4 giải pháp thực hiện.

Theo bản kế hoạch trên, 7 chỉ tiêu sau đây đến năm 2015 phải đạt :

Giáo dục MN: các cháu đến nhà trẻ từ 10-12%, mẫu giáo 70-75%, trẻ 5 tuổi ra lớp 98%. Tất cả các tỉnh thành trong khu vực phải đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi.

GDPT: 99% học sinh TH, 85% HS THCS, 60% THPT trong độ tuổi đến lớp.

GD dân tộc: tất cả các huyện có 10.000 người dân tộc thiểu số đều có trường dân tộc nội trú. Trong đó có 10-12% học sinh dân tộc học ở bậc trung học.

GDTX: tất cả các huyện đầy có TTGDTX, mội tỉnh, TP có 1TT cấp tỉnh; 100% xã phường có TT học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

GD TCCN: mỗi năm tăng qui mô tuyển sinh lên 10-12%. Huy động 10-15% học sinh THCS vào TCCN.

Dạy nghề, phải đạt 40% lao động thông qua đào tạo. Toàn vùng có 22 trừơng CĐ nghề, 35 TC nghề, mỗi quận, huyện có ít nhất một TT dạy nghề hoặc trừơng TC nghề.

GD ĐH: đạt 190 sinh viên trên 1 vạn dân, trong đó tỉ lệ sinh viên từ 18-24 tuổi là 22%. Hàng năm dành 30% tổng số chỉ tiêu tuyển mới của các trừơng ĐH, CĐ trong vùng đào tạo theo địa chỉ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương.

Bốn giải pháp chủ yếu mà kế hoạch liên Bộ nêu ra là:

Một là, nâng cao nhận thức xã hội: tuyên truyền nhận thức trong hệ thống chính trị, thay đổi nhận thức xã hội đối với GD, ĐT, DN vì nó gắn với lợi ích kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Hai là, đầu tư cơ sở vật chất hoàn thiện mạng lưới trường học: xây dựng 215 trừơng MN, 21 trường TH, 88 trường THCS cho các xã chưa có. Từng bước hoàn thiện các phòng chức năng cho hệ thốgn GDPT. Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trừơng lớp. vùng dân tộc đầu từ 9 trường PT dân tộc nội trú cấp huyện và 2 trừơng cấp tỉnh. Đấu tư 2 TTGDTX cấp tỉnh và 2 TTGDTX cấp huyện. Trung cấp chuyên nghiệp, đầu tư thành lập mới 6 trừơng trung cấp ở những huyện chưa có TT dạy nghề. Rà soát lại mạng lưới trung cấp chuyên nghiệp hoàn thiện mạng lưới đào tạo ở cơ sở. Thành lập 6 trường mới ở những tỉnh có nhu cầu cao.

Đầu tư nâng cấp trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long nâng lên Đại học thành trường trọng điểm đào tạo giáo viên dạy nghề cho các trường CĐ nghề, TC nghề ờ khu vực. Ưu tiên đầu tư phân hiệu ĐH Nha Trang tại Kiên Giang, hỗ trợ ĐH Trà Vinh xây dựng khoa Ngôn ngữ- Văn hóa- Nghệ thuật Khmer.

Ba là giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo: năm 2015 giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên ở trừơng CĐ, ĐH. Mở khoa dạy tiếng Dân tộc ở các trừơng CĐSP. Đến năm 2015, trường CĐ phải có 30% GV có trình độ Thạc sĩ, 5% TS. Cấp ĐH phải có 55% GV có trình độ TH sĩ, 15% TS.

Bốn là đồi mới phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá.

Kế hoạch cũng nêu lên sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, BCĐ Tây Nam bộ trong việc thực hiện, kiểm tra và cũng chỉ ra lộ trình thực hiện từng năm, trong kế hoạch 5 năm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kết luận hội nghị
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kết luận hội nghị

Nắng hạn gặp mưa

Các đại biểu hết sức phấn khởi và nhất trí với kết hoạch triển khai. Ai cũng nêu quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nêu lên khó khăn trong thực tiễn. Trà Vinh, thành lập ĐH Trà Vinh 5 năm thực sự có hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc, dạy nghề.. Tuy nhiên Trà Vinh còn thiếu 500 giáo viên MN, 30% trường lớp chưa được kiên cố hóa, chưa xã nào có TT học tập cộng đồng. Đại biểu Sóc Trăng bức xúc về đội ngũ giáo viên dạy nghề, rất khó thu hút. Đại biểu Long An cho rằng rất nhiều ngành nhân lực thiếu mà các trừơng đào tạo không đáp ứng đủ, như: Bác sĩ, Dược sĩ, Kiến trúc sư… nhất thiết phải đào tạo theo địa chỉ thì mới đáp ứng đủ. Đại biểu Bến Tre cho rằng, dân số đồng bằng chiếm ¼ dân số cả nước, trong khi cả nước có trên 200 trường ĐH, CĐ, trong lúc ở ĐBSCL chỉ có 11 trường.

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề thông tin thêm: kế hoạch đến 2015, Tổng cục sẽ xây dựng mỗi tỉnh có 1 trường Trung cấp nghề. 9 tỉnh đã có, 4 tỉnh chưa có: Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Vấn đề thiếu GV dạy nghề, Tổng cục sẽ phân công cho Sư phạm Kỹ thậut Vĩnh Long đào tạo. Nếu còn thiếu sẽ nhờ trừơng CĐ nghề Cần Thơ, An Giang đào tạo thêm. Đồng bằng chưa có học sinh giỏi nghề cấp quốc gia, cấp khu vực…. cần đầu tư chiều sâu.

ĐH Y Dược Cần Thơ có chương trình đào tạo theo điạ chỉ, cử tuyển, tỉnh cần có chính sách thu hút các em sau khi tốt nghiệp. TS Đỗ Văn Xê, Hiệu phó ĐHCT khẳng định: trường đã ngưng đào tạo theo cử tuyển và theo địa chỉ từ 2 năm nay. Nếu có đào tạo thì cũng phải lấy điểm trên sàn của Bộ GD. Nếu không buộc phải học 1 năm dự bị. Có nhiều trường ĐH cho vùng càng tốt, nhưng phải có cán bộ giảng dạy. Vì thế trường sẵn sàng mở mã ngành đào tạo sau ĐH để đáp ứng nhu cầu đó.

TS Thái Văn Long, GĐ sở GD Cà Mau xem Quyết định 1033 như là một chủ trương hết sức kịp thời để hỗ trợ các đề án phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh trong khu vực. Đặc biệt Cà Mau đang gấp rút thành lập trừơng ĐH và CĐ nghề.

HS Đồng bằng sông Cửu Long
HS Đồng bằng sông Cửu Long

Chung tay thực hiện

Ông Tô Minh Giới, thành viên BCĐ Tây Nam bộ chia sẻ niềm vui, có thể xem đây là cơ hội để đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực toàn diện cho đồng bằng. Chỉ tiêu QĐ có cao, nhưng không làm được thì không tạo ra bước đột phá. Bây giờ chỉ có bắt tay thực hiện, mong rằng các tỉnh có kế hoạch thực hiện quyết liệt. Sau kế hoạch liên bộ cần có các Thông tư liên bộ để hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trước khi kết luận ông tỏ ra rất vui vì năm 2005, lúc ấy triển khai Quyết định 20/QĐ-TTg, các đại biểu nêu ra rất nhiều cái thiếu: trường, lớp, giáo viên; còn hiện nay ai cũng phấn khởi, quyết tâm.

Bộ trưởng nhấn mạnh, triển khai QĐ 1033 lần này chúng ta có 5 năm kinh nghiệm thực hiện QĐ 20. Hiện tại có nhiều khó khăn xuất hiện: kinh tế thế giới bất ổn, chúng ta đang thực hiện QĐ 11 thắt chặt tài chính, tuy nhiên Chính phủ vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, vẫn xem GD là quốc sách, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế kế hoạch triển khai của các tỉnh phải chặt chẽ, hiệu quả, cái nào có tính động lực ưu tiên làm trước. Chú ý triển khai kế hoạch kết hợp với thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về giáo dục: đổi mới giáo dục toàn diện. Vấn đề đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ là tốt, nhưng phải đảm bảo chất lượng. Như ĐHCT, ĐH Y Dược Cần Thơ làm thì tốt. Bộ không giao chỉ tiêu ở hệ này, đó là do nhu cầu của địa phương.

Về việc nâng cao chất lượng giáo viên, Bộ sẽ làm việc với các trừơng trong khu vực để có kế hoạch phối hợp. Bộ chỉ quan tâm chuẩn, chất, còn chính sách thu hút giáo viên là của địa phương, của trường. Bộ cũng có qui hoạch phát triển nhân lực ngành, đại phương cũng có. Hãy rà soát lại, cái nào trùng hợp thì Bộ ủng hộ đào tạo Tiến sĩ nước ngoài. Các trường đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh, việc đó Bộ không quản lý, tăng càng nhiều càng tốt, miễn sao đủ lượng giáo viên và cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đầu ra là được.

Bộ sẽ nỗ lực triển khai Quyết định 1033 thật tốt, thực hiện hết trách nhiệm, cái nào vướng mắc ngoài khả năng sẽ trình Chính phủ.

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ