Cơ hội cho các “hạt nhân” đổi mới dạy – học ngoại ngữ tỏa sáng

GD&TĐ - Sáng nay (14/6), tại ĐH Thái Nguyên, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo tập huấn xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông.

Cơ hội cho các “hạt nhân” đổi mới dạy – học ngoại ngữ tỏa sáng
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
 

Hội thảo không đặt tham vọng hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị làm theo một cách làm nào đó mà muốn chia sẻ những kinh nghiệm, những đơn vị điển hình, có thể mô tả, giới thiệu và nhân rộng điển hình, hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo có thể liên kết, hỗ trợ nhau phát triển về mọi mặt nói chung và dạy - học ngoại ngữ nói riêng.


TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng ban thường trực BQL Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020

Dự Hội thảo có TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Trưởng ban thường trực BQL Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, đại diện các Cục, Vụ chức năng, PGS.TS Đặng Văn Minh, PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đại diện tổ chức Cengage Learning, Education First cùng 130 đại biểu đến từ các sở GD&ĐT của 63 tỉnh thành. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 14 – 15/6.

Mục tiêu triển khai nhiệm vụ Đề án NNQG 2020 năm 2014 xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông là đổi mới quá trình dạy học ngoại ngữ, nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ theo mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Đề án Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020.

Nhiệm vụ này đã được thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt nhiệm vụ đổi mới lên vai giáo viên thì thật sự rất khó khăn cho mỗi giáo viên. Chính bởi vậy, năm nay, BQL đề án đã đặt ra giải pháp nhà trường, theo đó, hình thành những đơn vị nòng cốt trong việc đổi mới dạy học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Theo đó, Hội thảo chính là một diễn đàn để các đơn vị trao đổi, chia sẻ, học hỏi, từ đó có những thu hoạch, tham mưu với lãnh đạo để có thể xây dựng được những điển hình đổi mới dạy – học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình - TS Vũ Thị Tú Anh nhấn mạnh.

TS Vũ Thị Tú Anh phát biểu tại Hội thảo
 TS Vũ Thị Tú Anh phát biểu tại Hội thảo

Trong năm 2014, căn cứ 10 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án NNQG 2020 và ngân sách được cấp từ chương trình mục tiêu quốc gia cho Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”, BQL Đề án sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới việc dạy và học tiếng Anh nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ đầu tiên được đặt ra là tăng cường năng lực đội ngũ, trong đó có rà soát năng lực tiếng Anh của giáo viên các cấp học phổ thông; Bồi dưỡng nâng cao năng lực (ở trong nước) cho giáo viên tiếng Anh tiểu học, THCS, THPT và chuyên viên phụ trách ngoại ngữ đã đạt chuẩn; Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ phụ trách Đề án cấp sở (ở nước ngoài theo chương trình của Đề án).

Đáng chú ý là nhiệm vụ xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Trong đó, mỗi Sở GD&ĐT lựa chọn ít nhất 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT để xây dựng thành trường điển hình về thực hiện đổi mới toàn diện công tác dạy và học ngoại ngữ với các tiêu chí lựa chọn cụ thể: Đạt chuẩn quốc gia, ưu tiên chọn các trường có đội ngũ giáo viên tiếng Anh dạy giỏi đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam…

Các hoạt động xây dựng trường điển hình bao gồm: Bồi dưỡng đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo Yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT, tổ chức dạy học đảm bảo kết quả đầu ra của học sinh cuối cấp học; Bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên cốt cán; củng cố cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng CNTT cho việc dạy và học tiếng Anh phù hợp với các cấp học phổ thông…

Với mỗi nhiệm vụ, BQL Đề án đã có báo cáo chi tiết phần kinh phí thực hiện. Như trong kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tăng cường năng lực đội ngũ, kinh phí thực hiện nhiệm vụ rà soát năng lực tiếng Anh của giáo viên các cấp học phổ thông do các địa phương cân đối từ các nguồn đối ứng của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Đề án năm 2014…;

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ có 37 địa phương đã được Bộ GD&ĐT giao kinh phí theo công văn ngày 17/12/2013 của Bộ GD&ĐT; Đối với các địa phương đăng ký xây dựng mô hình điển hình nhưng không giao được kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT năm 2014, các địa phương sẽ cân đối từ các nguồn đối ứng của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Đề án năm 2014…

Kinh nghiệm từ những “lá cờ đầu”

Trong báo cáo đề dẫn, BQL Đề án NNQG 2020 đã đưa ra những gương sáng trong triển khai đổi mới dạy - học ngoại ngữ như tỉnh Bến Tre với sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh và Sở GD&ĐT, tạo nên động lực mạnh mẽ cho việc đổi mới dạy - học ngoại ngữ trong các nhà trường, tỉnh Đắk Nông với những tấm gương giáo viên có sáng tạo trong dạy - học ngoại ngữ, tỉnh Bình Định với kinh nghiệm bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh...

Ông Trần Hồng Hà (Sở GD&ĐT Nghệ An) phát biểu tại Hội thảo

Thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội thảo là những chia sẻ của đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An và Khoa Quốc tế của ĐH Thái Nguyên, những đơn vị đã gặt hái được thành công trong xây dựng trường điển hình về đổi mới dạy – học ngoại ngữ trong trường phổ thông, cho thấy công tác triển khai hoạt động này hoàn toàn khả thi, nếu các cơ sở giáo dục quyết tâm thực hiện, vận dụng linh hoạt sáng tạo và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp lãnh đạo.

Chuyên viên Trần Hồng Hà – Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Từ các hướng dẫn và trên cơ sở điều kiện thực tế, Sở đã quyết định chọn Trường Tiểu học Trung Đô, Trường THCS Trung Đô và Trường THPT Lê Viết Thuật là các đơn vị trong hệ thốn trường điển hình về đổi mới toàn diện dạy học ngoại ngữ.

Sau đó, một loạt các hướng dẫn cụ thể được lãnh đạo Sở gửi tới các trường để thực hiện về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, chương trình và định hướng phương pháp giảng dạy, phân phối chương trình, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, phát triển tiếng Anh cộng đồng, cơ sở vật chất và thiết bị, phần mềm dạy học ngoại ngữ.

Cùng với việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên ngoại ngữ, Nghệ An cũng “đầu tư” cho đội ngũ cán bộ quản lý tập huấn bồi dưỡng, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của Sở GD&ĐT, trường và giáo viên trong nhiệm vụ này.

Sau một thời gian triển khai xây dựng điển hình, một trong những mong muốn của Sở GD&ĐT Nghệ An chính là Đề án khẩn trương tổ chức các khóa bồi dưỡng đội ngũ quản lý các trường để thực hiện tốt các hoạt động đề ra.

Đại diện Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm

Với Khoa Ngoại ngữ (ĐHThái Nguyên), các trường điển hình theo không chỉ là trường phổ thông mà còn là các trường ĐH. Từ các ứng dụng thực tế, khoa đề xuất 2 kênh chia sẻ ý tưởng nghiên cứu hành động là hoạt động hội thảo, chuyên đề và đăng bài trên các tạp chí.

Đáng chú ý, xây dựng trường phổ thông điển hình có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Lợi ích cho trường điển hình là thấy rõ khi được trường ĐH hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên/ nâng cao năng lực giáo viên; chuyển giao phương pháp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ thử nghiệm dạy và học theo phương pháp mới, hỗ trợ nguồn nhân lực…

Còn về phía trường ĐH, có thể cử giáo viên chương trình bồi dưỡng phương pháp giáo dục thực hành tại trường điển hình, sinh viên sư phạm chính quy thực hành tại trường điển hình…

Đại diện Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ: Đây được coi là động lực lớn để trường ĐH chuyên ngữ hỗ trợ tích cực đối với trường phổ thông điển hình. Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ nhiều đối tượng thụ hưởng: Hơn 1.000 học viên bồi dưỡng, nhà quản lý, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, các hoạt động này mới mang tính thử nghiệm, chưa hệ thống, chưa áp dụng đồng bộ và rộng rãi, chỉ là một mắt xích trong kế hoạch tổng thể. Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) mong muốn có một cơ chế  phối hợp trong hoạt động thực hành thực tế và thực tập, có những đánh giá và cải tiến, kế hoạch hoạt động vĩ mô và hỗ trợ từ Đề án NNQG 2020 về hoạt động này.

Cùng với các chuyên gia trong nước, tại Hội thảo, các chuyên gia nước ngoài cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy – học ngoại ngữ. Các đại biểu được nghe một cách tổng thể chương trình đào tạo giáo viên trực tuyến,các khảo sát, đánh giá, đề thi của ELTeach và kinh nghiệm triển khai chương trình cho 4.333 giáo viên ở 10 quốc gia của tổ chức này.

Các chuyên gia hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp giáo viên có thêm kênh thông tin tham khảo để nâng cao trình độ và tạo ra những đổi mới trong công tác giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

Chiều nay (14/6), các đại biểu sẽ thảo luận, nhìn nhận, đánh giá lại những tồn tại, khó khăn thách thức trong việc dạy – học ngoại ngữ, đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có tính khả thi cao góp phần chuyển biến việc dạy – học ngoại ngữ, đưa ra những điển hình về đổi mới dạy – học ngoại ngữ có thể ứng dụng tại địa phương.

Ngày 15/6, các đại biểu chia nhóm thảo luận, trình bày đề cương kế hoạch xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông của từng địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ