Cơ hội cao với ngành Quản trị Nhân lực

GD&TĐ - Theo xu hướng phát triển thị trường lao động, nghề Quản trị nhân lực chuyên nghiệp là một lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng của bất kỳ tổ chức nào.

Cơ hội cao với ngành Quản trị Nhân lực

Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM.

Nhu cầu lớn

Nguyên nhân ông Tuấn đưa ra là bởi công việc này có trách nhiệm xây dựng nhân tài và hình thành các năng lực tổ chức khác tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua tuyển dụng, đào tạo và khen thưởng nhân viên, đồng thời thiết kế và quản lý các quy trình tổ chức.

Khi doanh nghiệp tiến vào tương lai và tiếp nhận các thực tiễn mới, hoạt động nhân sự cũng phải theo kịp tình hình, những người thực hành quản lý nhân sự cũng phải theo kịp những thay đổi trong lĩnh vực này để sẵn sàng cho tương lai.

Quản lý nhân sự là sự khai thác và sử dụng nguồn nhân lực của một tổ chức hay một công ty một cách hợp lý và hiệu quả.

Ông Tuấn cho rằng, Quản lý nhân sự có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực, không riêng gì trong sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu khảo sát, nghề Quản trị nhân sự có nhu cầu rất lớn nhưng chất lượng nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Nhân viên hành chính, văn phòng, tổ chức thì nhiều nhưng người làm nhân sự chuyên nghiệp lại thiếu hụt trầm trọng.

Bình quân mỗi năm (2013 - 2015 ), nhu cầu tuyển dụng lao động làm công việc chuyên nghiệp quản trị nhân sự là khoảng 5.000 - 6000 người.

Tuy nhiên, nguồn cung chưa đáp ứng yêu cầu về kỹ năng lẫn chất lượng làm việc, dẫn đến tình trạng thừa số lượng, thiếu chất lượng xảy ra dai dẳng như một số ngành nghề khác: thừa nhân viên làm về hành chính, văn phòng, tổ chức; thiếu hụt trầm trọng những người quản lý nhân sự giỏi, chuyên nghiệp.

Ông Tuấn cho rằng, thực trạng này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung kiến thức đào tạo cho sinh viên chuyên ngành và đào tạo lại nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Kỹ năng hơn kinh nghiệm

Đưa ra những đặc điểm về các kỹ năng chuyên môn không thể thiếu vi với người làm quản trị nhân sự, ông Tuấn cho hay, đó là: dự báo nhu cầu nhân sự và hoạch định nguồn nhân lực; phác họa chân dung ứng viên tốt từ các nhân tố thành công của công việc, sắp xếp một cuộc phỏng vấn ấn tượng và thành công; đặt câu hỏi phỏng vấn để nhận diện được "bản chất" ứng viên; xây dựng hệ thống thông tin nội bộ hai chiều; hướng dẫn nhân viên mới hội nhập công ty...

Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp,đặc biệt là khả năng thuyết phục cũng nằm trong số những yêu cầu cần thiết khi tuyển dụng nhân viên nhân sự.

Thực trạng chung hiện nay, đa số sinh viên cho rằng, với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc.

Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm.

“Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị” – ông Tuấn nhận định.

Bởi vậy, để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng kiến thực chuyên môn và kỹ năng.

Định hướng của các doanh nghiệp trong xu hướng tuyển dụng đã có nhiều thay đổi, kỹ năng làm việc là điều được mong đợi trước tiên chứ không phải là kinh nghiệm.

Như vậy kinh nghiệm đã trở thành thứ yếu và năng lực là điều được các doanh nghiệp xem trọng nhất.

Theo các nhà tuyển dụng, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều; nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo - đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển.

“Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TP HCM cho thấy, những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng đề cập gồm kỹ năng: giao tiếp; kỹ năng viết; sự trung thực,làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, thích ứng; đặt câu hỏi; tư duy sáng tạo…” - ông Tuấn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.