Cô hiệu trưởng luôn nghĩ đến cộng đồng

GD&TĐ - Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, cô Lê Thị Hà vẫn luôn tâm niệm, còn được công tác trong ngành Giáo dục ngày nào sẽ cống hiến vì học trò, nhà trường và cộng đồng ngày đấy.

Cô Hà (bìa trái) luôn tất bật với công tác duy trì bếp ăn tại trường. Ảnh: TG
Cô Hà (bìa trái) luôn tất bật với công tác duy trì bếp ăn tại trường. Ảnh: TG

Những suất cơm nghĩa tình

Dù đang trong thời gian cho học sinh ở nhà để dạy học trực tuyến nhưng bếp ăn tại Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) những ngày này vẫn thường xuyên đỏ lửa. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Hà cùng mọi người trong trang phục làm bếp vẫn cần mẫn lên thực đơn, lựa chọn thực phẩm và chế biến suất ăn nóng sốt phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch tại địa phương. Cô Hà cho biết, chứng kiến sự vất vả của lực lượng tuyến đầu trong việc truy vết, khoanh vùng các ca bệnh Covid-19, cô đã có ý tưởng lập nên một bếp ăn 0 đồng ngay tại trường.

“Đầu tháng 10, tôi đã báo cáo ý tưởng với Thường trực Đảng ủy xã và nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương. Khi triển khai, chúng tôi nhận được sự chung tay, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân. Người góp công, người góp của để duy trì bếp ăn cho đến nay. Nhà trường đã soạn một bức thư kêu gọi và công khai số tài khoản ngân hàng để tiếp nhận sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Việc tổ chức bếp ăn ngay tại trường có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa thuận tiện về mặt địa lý mà cán bộ trong lực lượng chống dịch như y tế, công an đều cảm thấy rất ấm lòng. Giờ đây, mỗi sáng không chỉ có ban giám hiệu nhà trường có mặt để vừa xử lý công việc chuyên môn mà các lực lượng như hội phụ nữ xã, chữ thập đỏ, đoàn thanh niên và cả phụ huynh cũng tới bếp để nấu những suất cơm dẻo, canh ngon. Điều này khiến trong lòng tôi cảm thấy như được tiếp thêm động lực để làm thêm những điều ý nghĩa cho cộng đồng”, cô Lê Thị Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Bí thư Đảng ủy xã Yên Thường cho biết: Cô Hà là người có trách nhiệm trong công việc. Nhận được ý kiến đề xuất, xã cũng yêu cầu khi tổ chức bếp ăn phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vệ sinh thực phẩm và không sử dụng ngân sách Nhà nước vào việc này.

Hiện bếp ăn vẫn được duy trì để giúp lực lượng công an, y tế và thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, chất lượng. Việc này thể hiện sự sáng tạo, năng động và trách nhiệm với cộng đồng của cô Hà và một số giáo viên, phụ huynh.

Cô Lê Thị Hà trong lần đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2020. Ảnh: TG
Cô Lê Thị Hà trong lần đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2020. Ảnh: TG

Luôn hướng đến học trò

Cô Hà chuyển công tác về Trường Tiểu học Yên Thường từ năm 2018. Lúc ấy, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp trầm trọng, học sinh lại quá đông (gần 1.800 em). Có thời điểm, học sinh Trường Yên Thường phải đi học nhờ ở nhà văn hóa. Thiếu thốn là vậy nhưng cô trò đều cố gắng, dù lúc đó vẫn có một số cha mẹ học sinh chưa thực sự hiểu và đồng hành với nhà trường.

Về tiếp quản “ghế nóng” được một năm cũng là lúc một ngôi trường mới được Nhà nước xây dựng và nhà trường phải chia lại lớp. Tách học sinh và giáo viên cũng là bài toán không dễ dàng với một vị hiệu trưởng mới về nhận công tác. Vượt qua bao nhiêu khó khăn và thử thách, giờ đây, cơ sở vật chất của nhà trường thực sự “thay da đổi thịt”. Toàn trường hiện có 30 phòng học, 5 phòng bộ môn và các phòng làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cô Hoàng Anh - Giáo viên khối 1, Trường Tiểu học Yên Thường nhận xét: “Trước khi làm bất cứ việc gì, cô hiệu trưởng luôn lên kế hoạch rất chu đáo. Kể cả về chuyên môn lẫn công tác phòng chống dịch, cô luôn là người chủ động đưa ra các phương án từ rất sớm để làm sao đạt hiệu quả cao nhất”.

Chị Hà Kiều Trang có hai con học tại trường nên cảm nhận được sự thay đổi khi cô Lê Thị Hà về làm quản lý. “Nhà trường được như bây giờ cũng là nhờ công lớn của cô Hà. Cô đã nâng tầm trường cả về chất lượng giáo dục lẫn cơ sở vật chất. Trong công việc hàng ngày, cô luôn làm gương và chỉn chu trong từng hành động nhỏ. Cháu lớn nay đã lên lớp 6, cháu bé đang học lớp 4 tại trường nên chúng tôi càng thêm tin tưởng dưới sự lãnh đạo của một người “thuyền trưởng” như cô Hà, nhà trường sẽ tiếp tục phát triển”, chị Trang gửi gắm.

Không chỉ vậy, cô Lê Thị Hà cũng thường xuyên tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Tại xã Yên Thường có một lớp học mang tên “Mái ấm tình thương”. Lớp có khoảng 30 em bị khuyết tật đang theo học với độ tuổi từ 8 - 30. Trước dịch, các em học 3 buổi mỗi tuần.

Cô Nguyễn Thị Xuân (phụ trách lớp học) cho hay: Lớp học tình thương này được lập ra nhằm hỗ trợ các em bị khuyết tật, di chứng của chất độc da cam. Một số em bị tật nhẹ được cô giáo dạy văn hóa, những em bị tật nặng hơn thì cô sẽ dạy các kĩ năng sống. Là một trong những người rất quan tâm, chia sẻ với những mảnh đời thiếu may mắn, cô Lê Thị Hà bằng nhiều cách để ủng hộ và kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay nhằm làm vơi bớt những thiệt thòi cho các em. 

Dù đang trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư nhưng với cô Hà, được công tác trong ngành Giáo dục ngày nào là còn cống hiến vì học trò, đồng nghiệp và cộng đồng ngày đấy. Cô tâm sự, làm không phải để lấy cái danh mà là để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn của cuộc sống tới cộng đồng. Với những thành tích sau nhiều năm công tác trong ngành, năm 2020 cô Lê Thị Hà đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ