Cô giáo vùng cao Đồng Văn với hành trình thắp sáng ước mơ

GD&TĐ - Cô Trần Thị Khánh Hòa - giáo viên tại huyện vùng cao Đồng Văn nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình gieo chữ, thắp ước mơ.

Cô Trần Thị Khánh Hòa - giáo viên tại huyện vùng cao Đồng Văn.
Cô Trần Thị Khánh Hòa - giáo viên tại huyện vùng cao Đồng Văn.

Hành trình gieo chữ, thắp ước mơ

Gắn bó với người dân ở xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang ngót ghét 15 năm, cô giáo Trần Thị Khánh Hòa đã nhọc nhằn dìu dắt những đứa trẻ dân tộc thiểu số vượt qua những khó khăn, gian khổ.

Tốt nghiệp trường Đại học Hùng Vương ngành Cao đẳng Sư phạm Địa lý, năm 2014 cô giáo Trần Thị Khánh Hòa được phân công về làm giáo viên phụ trách bộ môn Lịch sử, Địa lý tại trường Tiểu học và THCS Sảng Tủng, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, cô Hòa chia sẻ: "Là người con của Hà Giang, tôi biết được những khó khăn, vất vả của đồng bào, nhất là các em học sinh nơi đây. Vì vậy, chặng đường dù khó khăn, gian khổ nhưng sau khi hoàn thành xong chương trình Đại học, tôi đã quyết tâm trở về quê hương, lựa chọn Sảng Tủng làm nơi công tác và gắn bó".

Trường Tiểu học và THCS Sảng Tủng hiện có 937 học sinh được chia thành 32 lớp, hầu hết các em đều là người dân tộc Mông và có hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn về cả vật chất, tinh thần.

Chủ yếu là đồi núi, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, sự phối hợp, chăm sóc giữa nhà trường và phụ huynh học sinh chưa chặt chẽ... là những trở ngại rất lớn của không chỉ cô Hòa mà của tất cả các thầy cô công tác tại huyện miền núi nói chung.

Hơn thế, không phải học trò không muốn đến trường mà bởi nghèo khó đeo đẳng cuộc sống nên các em phải ở nhà đi làm nương, làm rẫy mưu sinh. Vì vậy, không chỉ dạy chữ mà các thầy cô còn phải đóng vai một "cán bộ dân vận" giúp nhiều em học sinh hơn nữa có cơ hội tới trường.

Cô giáo Trần Thị Khánh Hòa đóng vai trò là “cán bộ dân vận” để vận động học sinh đến lớp.

Cô giáo Trần Thị Khánh Hòa đóng vai trò là “cán bộ dân vận” để vận động học sinh đến lớp.

Nhớ lại kỉ niệm những lần đi dân vận đưa trẻ đến trường, cô Hòa kể: Công việc vận động các em đến lớp không hề dễ dàng. Đi lại khó khăn, nhiều khi phải đi bộ đến hàng giờ đồng hồ. Đến nơi, do nhận thức còn hạn chế của bố mẹ chỉ muốn các con ở nhà làm nương, lấy chồng mà hành trình tìm con chữ của các con đã khó lại càng thêm khó.

Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng vì tình yêu thương, sự sẻ chia với học trò nghèo, sự giúp đỡ của đồng nghiệp đã luôn thôi thúc mình phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa vượt qua những khó khăn, gian nan để tiếp tục hành trình gieo chữ, thắp ước mơ.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Sau 15 năm gắn bó với mảnh đất Đồng Văn, cô Hòa đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của giáo dục huyện nói chung và xã Sảng Tủng nói riêng.

Nhắc đến đồng nghiệp của mình, thầy Bùi Thế Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Sảng Tủng chia sẻ: Cô Hòa không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề mà trong cuộc sống hằng ngày cô cũng rất giản dị, hòa đồng với mọi người xung quanh. Cô luôn tìm những phương pháp học mới, sáng tạo và năng nổ tham gia công tác dân vận để các con được đến trường học chữ”.

Cô Trần Thị Khánh Hòa với nỗ lực trong hành trình gieo chữ, thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo vùng cao.

Cô Trần Thị Khánh Hòa với nỗ lực trong hành trình gieo chữ, thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo vùng cao.

Trong những năm gần đây, cô Hòa đã bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi chọn Học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và đạt giải cao.

Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, cô Trần Thị Khánh Hòa đã vinh dự là 1 trong 30 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Hà Giang nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập".

Cô chia sẻ: "Những thành tựu trên dù nhỏ bé nhưng vừa là sự ghi nhận cho cống hiến của mình, vừa là động lực để mình cố gắng hơn nữa cho quê hương, giúp đỡ các em học sinh nghèo nơi đây có cơ hội thay đổi cuộc đời, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn."

Có thể nói, sự nghiệp trồng người nơi "địa đầu" Tổ quốc còn nhiều khó khăn và vất vả, con đường đến trường của các em học sinh còn rất nhiều gian truân. Song, chắc chắn giữa núi rừng hoang vu, khó khăn chồng chất ấy sẽ không làm nhụt chí người giáo viên đầy nhiệt huyết, dành trọn thanh xuân cống hiến cho hành trình gieo chữ, thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Sa cùng học trò trong giờ học. Ảnh: Phạm Tâm

'Phép màu' cho học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Mỗi ngày đến lớp, các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An lại miệt mài, thầm lặng tạo nên những “phép màu”.

Minh họa/INT

Giải pháp đột phá giải ngân vốn

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 115/CĐ-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn.