Từ đây, học sinh của trường được học tập cả ngày ở trường với 9 buổi/ tuần, được hỗ trợ hai bữa cơm trưa. Nhìn các em háo hức học tập, say sưa tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tại trường, cùng với niềm vui, cô giáo Hồ Thị Hiền cũng canh cánh nỗi lo: Làm sao duy trì tốt sĩ số học sinh tham gia học tập cả ngày tại trường trong khi điều kiện kinh tế của gia đình các em đều hết sức khó khăn.
Đau đáu vì học trò nghèo
Trong câu chuyện của cô giáo Hồ Thị Hiền về những năm gắn bó với Trường tiểu học Châu Hội 2 luôn đau đáu hình ảnh của những học trò nghèo. Có học sinh hằng ngày phải cõng em đến lớp, vừa giữ em vừa học; khi làm bài tập, học sinh lại nhờ cô trông em hộ. Có hôm bé đói bụng, khóc lả đi, cô giáo buộc phải dừng tiết học, về nhà lục cơm nguội cho bé ăn, sau đó buổi học mới tiếp tục.
Lại học sinh có hoàn cảnh gia đình éo le, bố mẹ li hôn bỏ mặc em sống với bà ngoại già yếu. Không có đủ áo quần để mặc, trời rét căm căm mà em chỉ phong phanh một manh áo mỏng; cô giáo lại bớt đồng lương ít ỏi của mình mua sách, vở, áo quần cho học sinh được tiếp tục tới lớp cùng các bạn. Việc học chữ đối với các em thực sự quá gian khổ.
Cô Hồ Thị Hiền cho biết, năm học 2011- 2012, Trường tiểu học Châu Hội 2 được tham gia Chương trình SEQAP. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, củng cố kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt, môn Toán và tăng cường kỹ năng nghe, nói Tiếng Việt cho học sinh dân tộc, lãnh đạo nhà trường đã lựa chọn phương án T35: Học sinh sẽ có 4 ngày học cả ngày/tuần.
Để tận dụng tốt cơ hội từ sự hỗ trợ của SEQAP không phải không có những khó khăn. “Nhà trường có đến ba điểm lẻ, trong đó điểm lẻ bản Tằn cách xa trường chính đến 15 km. Với trên 90% học sinh là con em dân tộc Thái, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao cộng với nhiều hủ tục lạc hậu như cúng ma, làm vía… gia đình thường cho con em nghỉ học không lí do; mùa nương rẫy, một số học sinh nghỉ học để phụ giúp gia đình, mùa măng các em nghỉ học đi hái măng dẫn đến tỷ lệ chuyên cần chưa cao.
Cũng vì đời sống khó khăn nên phần đa phụ huynh ít quan tâm đến việc học tập của con và phó thác toàn bộ cho các thầy cô giáo. Sự đầu tư cho con cái về thời gian cũng như sách, vở, đồ dùng học tập hầu như là không có” – cô Hồ Thị Hiền chia sẻ.
Cô giáo trích lương nấu ăn cho học trò
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô Hồ Thị Hiền cho biết mình luôn trăn trở, tìm mọi biện pháp để cùng với nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục; thường xuyên tuyên truyền để nhân dân trong xã chung tay góp sức ủng hộ công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện tốt công tác dân vận, động viên khuyến khích nhân dân tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng phổ thông cho học sinh trong độ tuổi đến trường.
Việc động viên mọi người trong gia đình học sinh tăng cường giao tiếp bằng tiếng phổ thông cho các em trong độ tuổi đến trường; vận động phụ huynh tạo góc học tập cho con em; dành thời gian và nhắc nhở các em học bài, quan sát việc học của con em... cũng được các giáo viên chú trọng.
“Để làm tốt công tác duy trì sĩ số, tạo điều kiện cho học sinh khó khăn ở xa trường được ở lại ăn trưa, tôi đã tự nguyện góp một phần lương nhỏ bé của mình mua thêm thức ăn, nấu cơm cho các em thêm hai bữa cơm còn lại trong tuần. Bù lại, hiện tượng học sinh nghỉ học không lí do giảm hẳn, dù cho thời tiết không thuận lợi nhưng các em vẫn đến lớp đầy đủ. Các em đã yêu trường, mến lớp hơn” – cô Hồ Thị Hiền tâm sự.
Trăn trở trước kiến thức tiếng Việt của nhiều học sinh dân tộc, cô Hiền cho biết nhà trường đã chủ động lựa chọn nội dung dạy học phù hợp với đối tượng học sinh mà vẫn đảm bảo đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn học. Theo đó, môn Tiếng Việt tăng thời lượng dạy học từ 350 lên 500 tiết; phân phối chương trình 2 tiết/ bài học vần tăng lên 3 tiết/ bài học vần.
Để tạo môi trường Tiếng Việt trong lớp học, cô Hiền trang trí lớp học đẹp mắt, treo ảnh Bác Hồ, khẩu hiệu, 5 điều Bác dạy, bảng thi đua, mẫu chữ viết, trưng bày sản phẩm học tập của học sinh nhằm động viên các em nỗ lực học tập để có bài làm tốt được trưng bày. Những kiến thức học sinh chưa nắm vững được luyện thêm vào các tiết học tăng buổi. Đồng thời, tập trung rèn luyện những kỹ năng học sinh dân tộc còn yếu như nghe, đọc, nói, viết, kỹ năng sống; rèn luyện giao tiếp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi...
Cô Hiền chia sẻ kinh nghiệm riêng: Đầu buổi học, tôi sử dụng các câu hỏi ngắn để giao tiếp với các em như: Con ăn cơm chưa? Ai đưa con đi học? Con có vui không?... Nếu các con trả lời chưa đầy đủ, tôi kiên trì hướng dẫn, sau đó tăng dần độ dài của câu hỏi và tập cho các em trả lời một cách đầy đủ. Khi giảng bài, tôi phát âm chuẩn, nói chậm để học sinh dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu.
Các câu hỏi tìm hiểu nội dung bài phải ngắn gọn, có tính gợi mở để khuyến khích các em tích cực xây dựng bài. Tôi cũng sử dụng các tài liệu phù hợp khi học tăng buổi như: Vở bài tập Toán, vở bài tập Tiếng Việt, sử dụng thêm các bài tập ở tài liệu Bài tập củng cố kiến thức kỹ năng môn Toán, tiếng Việt của SEQAP biên soạn nhằm củng cố kiến thức kỹ năng môn Toán, Tiếng Việt cho học sinh.
Trong quá trình học Tiếng Việt, học sinh dân tộc thường phát âm chưa chuẩn. Giáo viên nên phát âm nhiều lần, yêu cầu học sinh quan sát khẩu hình, lắng nghe cô giáo. Sau đó, tổ chức học sinh phát âm lại nhiều lần, dưới nhiều hình thức (cá nhân, tổ, nhóm, đồng thanh cả lớp); theo dõi, sửa lỗi phát âm kịp thời.
Với những âm, vần, tiếng khó, khi phát âm mẫu, nên mô tả bằng cách nêu rõ vị trí cách đặt lưỡi, vị trí của lưỡi với răng, độ mở của môi..., từ ngữ mô tả dễ hiểu kết hợp cho học sinh quan sát cô giáo phát âm. Giáo viên cũng cần thường xuyên thay đổi hình thức học tập, như tổ chức trò chơi học tập giúp học sinh "học mà chơi, chơi mà học" để rèn cách phát âm, làm giàu thêm vốn từ và cách sử dụng từ ngữ, phát triển cân đối cả bốn kỹ năng nghe, đọc, nói, viết cho học sinh.
“Năm học 2015 – 2016, Trường tiểu học Châu Hội 2 thực hiện chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục do SEQAP hỗ trợ. Đối tượng học tập là học sinh dân tộc nên gặp không ít khó khăn. Để thực hiện thành công chương trình này, tôi đã chủ động “đi” chậm và chắc từng việc một. Việc nào khó, học sinh chưa hiểu thì tiến hành chậm lại để học sinh nắm được bài, làm lần lượt từng việc một, làm xong việc này mới chuyển sang việc kia. Với những bài có nội dung dài và khó, giãn thời gian từ 2 tiết lên 3 tiết (điều này chỉ dạy học cả ngày mới có thể thực hiện).
Ngoài ra, tôi còn thường xuyên thăm lớp dự giờ đồng nghiệp để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện phương pháp dạy học sao cho phù hợp với học sinh trong lớp. Cùng với niềm vui được làm cô giáo, được đồng nghiệp tin yêu, phụ huynh và học sinh yêu quý, tôi còn có một động lực tinh thần vô cùng ý nghĩa: Các em học sinh đã đọc tốt, viết đẹp và tiến bộ từng ngày” – cô Hồ Thị Hiền chia sẻ.