Cô giáo Việt ở Tây Úc

GD&TĐ - Chị là nhà giáo yêu nghề, yêu đời, đã dạy học gần 1/4 thế kỷ.

Một số bìa sách đã xuất bản.
Một số bìa sách đã xuất bản.

Cha ông mình tự xa xưa đã rất yêu thơ: “Người ta buôn vạn bán ngàn/Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi/Dám xin ai đó đừng cười/Vì em làm giấy cho người chép thơ”. Nên chúng ta hôm nay nếu rất mực yêu thơ cũng đúng thôi. Và yêu thơ như cô giáo Võ Thị Như Mai ở Tây Úc, là một hiện tượng đẹp, trong sáng vô ngần.

Chị là nhà giáo yêu nghề, yêu đời, đã dạy học gần 1/4 thế kỷ. Ở Việt Nam, chị dạy tiếng Anh trường trung học. Sang Úc, chị dạy cấp tiểu học và phụ trách thêm mảng tổ chức các sự kiện về sự hòa hợp giữa các sắc tộc.

Việc gìn giữ truyền thống về sự hòa hợp các sắc tộc là điều thú vị và luôn được đề cao ở nơi đa văn hóa, dân cư đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau như nước Úc. Chị thường phát động phong trào để các lớp thiết kế những bản poster, viết truyện ngắn, làm thơ hoặc vẽ tranh với chủ đề hòa hợp, trong những dịp tổ chức lễ Harmony Week cho trường.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021, do nhà báo Mai Khanh thực hiện, chị đã trả lời: “Điều tôi thích nhất bên mảng giáo dục là các em đều có cơ hội được tiếp cận thông tin và kiến thức như nhau. Những học sinh có nhu cầu đặc biệt được chú ý đặc biệt, hỗ trợ tối đa để các em phát triển tốt nhất và cảm thấy thoải mái nhất có thể”.

Chị yêu thơ, làm thơ rất sớm và viết vào tập lưu bút từ tuổi hoa học trò. Tình yêu ấy lớn dần, lớn dần tự nhiên nhi nhiên. Năm 2009, tập thơ đầu tay “Tản mạn thơ” (NXB Văn nghệ) của chị vừa ra mắt đã có sức hút, gây ấn tượng đối với người đọc.

Hai năm sau, 2011, tập thơ thứ hai “Bên kia tít tắp đại dương” (NXB Văn học), được độc giả tại TP Hồ Chí Minh và Quảng Trị (2 nơi chị chọn để ra mắt sách) đón nhận nồng nhiệt và lan tỏa đến bạn đọc trong cả nước. Năm 2015, tập thơ thứ ba “Vườn cổ tích” (NXB Hội Nhà văn), nhà thơ sẽ sàng trao tuổi xanh lãng mạn, trẻ trung, dấu yêu tặng độc giả.

Cô giáo Võ Thị Như Mai.

Cô giáo Võ Thị Như Mai.

Tập thơ thứ tư “Để cho ngày ngắn” (NXB Thuận Hóa, 2022) chị đã hấp dẫn người đọc bởi phong cách thơ nồng nàn thiết tha mà trầm tĩnh, sâu lắng ý tứ trong hiền hòa, nỗi niềm đầy vơi rót trên phiến lời nhỏ nhẹ. Thơ chị đầy ẩn dụ mời gọi hòa vào dịu dàng khả ái như những thỏ thẻ, tâm tình:

“Một mình em và những

long đong

của tột cùng nỗi cô đơn lữ thứ

của giả vờ mạnh mẽ chẳng bao giờ tư lự

giả vờ vui khi có kẻ gièm pha ganh ghét tội tình...”.

Đọc thơ Võ Thị Như Mai có cảm giác như thể mỗi ngày chị chọn một niềm yêu và luôn khát vọng: “Để cho ngày ngắn tình đầy trong nhau”. Thơ của chị được khá nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, lọt mắt xanh nhiều nhà nghiên cứu phê bình và được cộng đồng mạng tin cậy, yêu mến.

Song song với dạy học, làm thơ, chị còn có thêm nhiều niềm vui khác. Chị viết những tản văn xinh xắn dễ thương; viết lời giới thiệu thơ, phân tích những bài thơ hay của bạn bè với rất nhiều xúc cảm tế vi, trìu mến.

Chị chuyển ngữ thơ, cùng những tác giả chị trân quý, làm nên những tập thơ song ngữ: “Thơ tứ tuyệt Covid-19” (Võ Quê, NXB Thuận Hóa, 2020), “Thế giới của những giấc mơ” (Nguyễn Thanh Kim, NXB nước ngoài, 2021)… Đã hơn 15 năm nay Nhịp điệu Việt (The Rhythm of Vietnam) là cái tên thân thương của trang web song ngữ chị tạo ra làm điểm hẹn cho những ai muốn gửi gắm vần thơ, tản văn hay truyện ngắn (song ngữ).

Và giờ đây, mình chị chăm chỉ, miệt mài, dày công làm nên cuộc hạnh ngộ lớn mời gần 300 thi sĩ Việt trong và ngoài nước hội tụ về trong Tuyển thơ song ngữ “Nhịp điệu Việt” (NXB Hội Nhà văn, 2023).

Trong số ấy, có khoảng 70 tác giả sống tại TP Hồ Chí Minh, 60 tác giả định cư ở nước ngoài, 30 tác giả Hà Nội; từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi là 40 tác giả và các tác giả khác trên 30 tỉnh, thành trong nước. Chính tay dịch giả Võ Thị Như Mai dàn từng trang (764 trang); từng tác giả.

Đọc Vài lời tâm tình (thay lời bạt và lời giới thiệu cho tập sách) ta sẽ thấy ý thức tự giác, tâm hồn sáng trong, công phu chuyển ngữ của một người hết mực yêu thơ: “Một số ít các bài thơ được tác giả chủ động nhờ chuyển ngữ để đăng một trang nào đó, một số bài được gửi gắm từ một người bạn nào đó, tuy nhiên 90% là do Như Mai tự chọn, tự chuyển ngữ”.

Không gian, thời gian thơ và thơ chuyển ngữ đến với chị thật tự do, phóng khoáng bởi tiêu chí của nhà thơ là tùy duyên, ngẫu nhĩ tương ngộ, chỉ dịch khi thực sự yêu thích: “Tất cả các bài thơ nếu làm lại, Như Mai sẽ viết khác, khó y như cũ. Như vậy, một bài thơ sẽ có rất nhiều phiên bản tiếng Anh khác nhau”.

Võ Thị Như Mai là chiếc cầu nối đẹp cho sự xích lại gần nhau hơn của những tâm hồn yêu thơ, sáng tạo thơ ca, trong một thế giới phẳng mà đa cực, đa diện, phong phú như hôm nay: “Nhịp điệu Việt có nhiều bài thơ hay, tác giả khắp nơi, có một số cái tên nghe quen, một số lạ ơi là lạ vì chưa nghe bao giờ. Mong các tác giả cảm thông và đừng buồn vì nghĩ rằng sao tên tuổi mình lại đứng chung với những người xa lạ nào đó chưa từng ai biết đến. Đây là điều thú vị nhất của tập sách song ngữ này, nó đem đến cho bạn thông điệp về một sự hòa hợp, về một tiếng nói chung, về những cơ hội và các mối lương duyên có thể mở ra cho bất kỳ ai, cho bất kỳ tác giả nào, về những sự tình cờ trong phút chốc mà làm nên trang viết”.

Bà Xuân Phượng, tác giả của “Gánh gánh gồng gồng” đã từng phát biểu: “Văn học nghệ thuật Việt Nam có quyền có tiếng nói trên thế giới”. Làm sao để phát huy quyền ấy vẫn còn là một câu hỏi lớn, mặc dầu chúng ta đã tiệm cận gần hơn với thế giới gấp nhiều lần so với thế kỷ XX.

Tôi trân quý nhà thơ Võ Thị Như Mai ở chính điểm này, chị cho rằng: “Chúng ta hãy cứ viết hay đi, cứ dịch giỏi đi. Rồi sẽ có lúc Trời đánh mắt nhìn tới”. Hãy đến với thơ và chuyển ngữ thơ bằng tất cả tấm lòng thành, bằng tất cả trí tuệ nghị lực tự vượt lên chính mình tiến về phía Mặt trời và hãy tự làm mới mình mỗi ngày…

Mỗi người dù bình thường nhất, dù bất hạnh nhất… cũng hãy cùng nhà thơ từng đoạt giải Nobel - Rabindranath Tagore nói với trái tim mình: “Trái tim tôi ơi, hãy tìm vẻ đẹp của bạn từ sự chuyển động của thế giới như con thuyền được ân sủng của gió và nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.