Điểm đến tình cờ
Ở nhiệm kỳ tình nguyện đầu tiên, cô Peng là chuyên gia hỗ trợ GD Đặc biệt, lần thứ hai cô là cán bộ đào tạo GV và Chương trình Giảng dạy GD Đặc biệt. Hiện giờ cô là Chuyên gia GD đặc biệt, là sự tiếp nối đóng góp trước đó của cô cho GD đặc biệt tại Trung tâm Kỳ Anh.
Cô Peng-Sim Eng kể: Tôi lựa chọn Việt Nam rất tình cờ. Khi tôi và chồng quyết định theo đuổi công tác tình nguyện, chồng tôi nói rằng ông chỉ muốn tham gia các chương trình tình nguyện tại các nước Đông Nam Á. Khi đó tôi biết tới các công việc tình nguyện tại Việt Nam. Tôi cũng nhận thấy đây là những công việc phù hợp với tôi vì tôi đã có kinh nghiệm giảng dạy 6 năm tại Australia.
Đáng chú ý là chương trình tình nguyện lại liên quan đến đối tượng là các trẻ em khuyết tật có nhu cầu GD đặc biệt. Đây thực sự là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội mới cho cá nhân ghi dấu những trải nghiệm đẹp và ý nghĩa trong cuộc đời của tôi. Vì thế tôi đã quyết định đến với Việt Nam.
Được biết, đây là nhiệm kỳ tình nguyện viên thứ ba kéo dài 7 tháng của cô Peng-Sim Eng do chính phủ Australia hỗ trợ nhằm hỗ trợ GD đặc biệt cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Kỳ Anh, vùng nông thôn Điện Bàn, miền Trung Việt Nam.
Cô Peng Sim Eng chia sẻ niềm vui cùng với các học sinh của mình |
Trải nghiệm đáng nhớ
Khi phối hợp làm việc với các nhân viên tại Trung tâm Kỳ Anh, cô Peng-Sim Eng dựa vào các kinh nghiệm trước đây khi cô là một GV chuyên nghiệp của Australia về GD đặc biệt từ năm 2005 và công tác quản lý trước đó của cô tại Singapore, trước khi cô di cư đến Australia vào năm 2003. Các kinh nghiệm của Australia đã giúp phát triển năng lực của nhân viên Việt Nam tại Tổ chức Kỳ Anh về hỗ trợ GD đặc biệt.
Tại Trung tâm Kỳ Anh có các trẻ em từ 18 tháng tuổi đến 18 tuổi - độ tuổi rất đa dạng. Tình trạng khuyết tật của các em cũng rất khác nhau như tự kỷ hay khuyết tật về thể chất. Vì thế rất khó để các GV đáp ứng nhu cầu của tất cả các em cùng một lúc. Cô Peng và các GV đã cố gắng phân loại các em thành từng nhóm có đặc điểm chung tương đối thông qua nhu cầu của từng em. Mỗi nhóm lại vạch ra những giáo án và chương trình phù hợp.
Cô Peng hướng dẫn các GV tại Trung tâm Kỳ Anh chia 80 HS thành 5 lớp. Trong mỗi lớp lại chia thành các nhóm nhỏ hơn trong các giờ học, phân loại chương trình học để HS có thể thích nghi dễ dàng, từ đó phát triển các kỹ năng sống cơ bản nhất, giúp các em tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Ngay từ nhiệm kỳ thứ 2, cô Peng và các đồng nghiệp đã xây dựng Bộ giáo trình GD sớm cho trẻ em khuyết tật, một tài liệu tham khảo cho GV để xác định các mục tiêu phát triển cho HS. Việc dày công lập kế hoạch và dạy các em HS đã làm giảm đáng kể sự nhầm lẫn của các em trên lớp.
Tỷ lệ HS tham gia vào các hoạt động tăng ở tất cả các lứa tuổi, trong đó các em nhỏ tập trung phát triển ngôn ngữ còn các em lớn hơn tham gia vào các chương trình bổ túc. Không chỉ kết quả học tập của các em được nâng cao mà các nhân viên và HS ở trung tâm đều trở lên tự tin và độc lập. Các GV giờ đây có thể hỗ trợ gia đình các em tham gia vào sự phát triển của trẻ.
Cô Peng nhớ mãi nụ cười tươi rói và sự vui sướng của một HS gặp khó khăn nhất của Trung tâm khi em biết dùng 2.000 đồng để mua bánh quy trong một “kios” của Trung tâm, nâng niu chiếc bánh mãi. “HS biết giao tiếp, mua bánh có nghĩa là chúng tôi đã có thành công đầu tiên trong GD đặc biệt với em!” – cô Peng-Sim Eng xúc động chia sẻ.
Cô giáo Peng-Sim Eng |
Vượt khó cùng đồng nghiệp Việt Nam
Hàng ngày, cô Peng-Sim Eng đạp xe từ Hội An đến Điện Bàn. Trên con đường đông nườm nượp người, cô luôn nghĩ đến những HS đặc biệt đang chờ mình, vượt qua nỗi lo lắng về sự an toàn bản thân để lên lớp đều đặn.
Thách thức lớn nhất với cô Peng-Sim Eng chính là “cú sốc” về sự khác biệt! Trước khi đến đây, cô Peng không hình dung được GD đặc biệt của Việt Nam, cụ thể là công tác GD đặc biệt tại Trung tâm Kỳ Anh rất khác các trường học ở Australia. Trong khi đó các công nghệ kỹ thuật để hỗ trợ công tác này thực sự rất hiếm. Như việc không có các bàn có thể điều chỉnh theo từng nhu cầu của HS để GV có thể nhìn vào mắt các em, thực hiện các phương pháp giảng dạy, hỗ trợ. Vì thế cô Peng thường quỳ xuống để có thể đối diện, nhìn vào mắt HS, để HS tự tin và giao tiếp bằng ánh mắt với GV.
Theo cô Peng, có thực tế là nguồn quỹ hoạt động của Trung tâm khá hạn hẹp, hầu như chỉ có sự đóng góp ít ỏi từ phía phụ huynh. Trong khi đó, đào tạo GV mới là cả một lộ trình dài và không phải lúc nào cũng thành công nhưng Trung tâm đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám khi những GV được mời về các cơ sở GD, các trường tư thục khác với mức lương cao hơn.
“Chia lửa” với Trung tâm, cô Peng-Sim Eng cho biết: Tôi luôn tâm niệm hoạt động tình nguyện là việc chia sẻ với cộng đồng. Được góp một phần hỗ trợ cho các trẻ em khuyết tật là điều tôi “được” nhiều nhất khi ở đây và tôi sẽ còn tiếp tục ở Việt Nam với các dự án nghiên cứu và chương trình GD của Trung tâm Kỳ Anh trở thành giáo án chính thức.