Cô giáo trẻ tạo hứng thú với mô hình 'Cùng em học Toán'

GD&TĐ - Với sự tận tụy và ý thức trách nhiệm cao trong công việc, cô Đặng Bích Trâm đã có nhiều sáng kiến để việc học của học trò được thuận lợi hơn.

Cô Trâm cùng đồng nghiệp giới thiệu cho học sinh về mô hình "Tự hào Việt Nam có Bác".
Cô Trâm cùng đồng nghiệp giới thiệu cho học sinh về mô hình "Tự hào Việt Nam có Bác".

Những bài giảng sinh động

Tốt nghiệp sư phạm, cô Đặng Bích Trâm (sinh năm 1997) về giảng dạy tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM).

Thời điểm mới ra trường cô Trâm được giao chủ nhiệm lớp 1. Là giáo viên mới nên cô còn có chút bỡ ngỡ với công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Tuy nhiên nhận được sự chia sẻ, động viên của đồng nghiệp, cô dần làm quen, hòa nhập với môi trường mới.

“Thực tế, học sinh lớp 1 chưa có sự tập trung, hay quên, đây là ưu điểm mà cũng là hạn chế của các bạn nhỏ. Vì vậy bên cạnh truyền đạt kiến thức mới, tôi cũng tranh thủ ôn tập lại kiến thức đã học mỗi ngày. Từ đó, học sinh mới có thể khắc sâu và ghi nhớ kiến thức đã học”, cô Trâm nhớ lại.

Với học sinh lớp 1, tư duy trực quan là chủ yếu, học sinh tiếp nhận tri thức thông qua hình ảnh, màu sắc. Nhờ nắm bắt được tâm lí của trẻ tiểu học nói chung, đặc biệt là trẻ lớp 1 nói riêng, cô Trâm đã vận dụng thiết kế bài giảng điện tử với nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc và gần gũi với cuộc sống, những hình ảnh xung quanh trẻ như đồ chơi, con vật, cây cối.

Ngoài ra, trong quá trình dạy học, cô Trâm này còn lồng ghép các trò chơi vào trong các bài học như thỏ ăn cà rốt, chân sút tài năng, hộp quà bí mật, vòng xoay tên gọi, Kahoot…giúp kích thích tư duy và tạo hứng thú cho học sinh. Đồng thời cô còn xây dựng các tiết học để học sinh được trải nghiệm thực tế như là trồng cây, lồng ghép hoạt động môi trường, trải nghiệm các hoạt động ngày Tết,...thực hiện hiệu quả việc giảng dạy theo chương trình GDPT 2018.

Cô Trâm cho biết: “Bản thân rất may mắn khi được tiếp cận và giảng dạy cả hai chương trình 2006 và Chương trình GDPT 2018. Chương trình mới giúp phát triển được năng lực, phẩm chất của người học. Người học có thể chủ động tìm tòi, khám phá tri thức mới và giảm tải được áp lực về việc truyền thụ kiến thức một cách máy móc, hàn lâm. Giáo viên trong chương trình mới đóng vai trò định hướng, hỗ trợ người học".

Một tiết lên lớp của cô Trâm.

Một tiết lên lớp của cô Trâm.

Nhiều mô hình hay

Bên cạnh việc thiết kế những bài giảng sinh động, khơi gợi sự tìm tòi, khám phá, cô Trâm còn thiết kế nhiều mô hình, giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, phát triển các giác quan, năng lực và phẩm chất phù hợp của người học.

Đồng thời, qua đó tăng tính tích cực, sáng tạo của học sinh, giúp các em khám phá, lĩnh hội tri thức theo hướng mở, không bó buộc nội dung kiến thức trong sách mà còn giúp khai thác được vốn sống. Giáo viên phát hiện và phát triển được năng lực phù hợp với từng người học.

Từ năm học 2022-2023, các đơn vị trường học rất chú trọng đến xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nên cô Trâm và đồng nghiệp đã thực hiện mô hình “Tự hào Việt Nam có Bác” với chủ đề Trung thu. Đây là một nội dung mà sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm và có những bài thơ rất đỗi giản dị và dễ hiểu. Cô Trâm cùng đồng nghiệp đã dựng, tái hiện mô hình nhà sàn trong quần thể Khu di tích Phủ Chủ tịch.

“Mô hình này không chỉ giúp học sinh mở rộng vốn hiểu biết về cuộc sống bình dị hàng ngày của Bác Hồ trong thời gian Bác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng của dân tộc, mà còn là không gian trưng bày những bài thơ Bác viết nhân dịp Trung thu được thiết kế thành những quyển sách mini, qua đó giúp học sinh cảm nhận sâu sắc tình yêu thương dạt dào Bác dành cho thiếu nhi”, cô Trâm chia sẻ.

Điều đặc biệt là qua mô hình giáo viên có thể tích hợp giáo dục ở tất cả các khối lớp và các môn học. Chẳng hạn như, khi dạy đến bài vần “an”, giáo viên có thể sử dụng mô hình để mở rộng vốn từ cho học sinh, các em được quan sát các vật thật, từ đó rút ra được các từ như: Nhà sàn, đàn cá, vạn tuế, bàn ghế,...

Ngoài ra học sinh sẽ phát huy được các năng lực đặc thù trong môn Tiếng Việt như năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, được giáo dục thêm về lòng yêu quê hương đất nước và lối sống nhân ái, nghĩa tình, có thêm nhiều kiến thức về văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao vốn sống.

Trước đó, năm học 2021-2022 cô Trâm cùng với đồng nghiệp đã thực hiện mô hình “Con đường tri thức”, mô phỏng lại địa bàn quận 1 với những hình ảnh như: Nhà Thờ Đức Bà, Công viên 30/4, Trung tâm mua sắm Diamond, Thảo Cầm Viên và ngôi trường Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Qua mô hình này, học sinh biết được những địa điểm nổi tiếng tại Quận 1, tích hợp kiến thức các môn học như môn Toán, tiếng Việt, hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên xã hội,….

Ngoài ra, cô Trâm còn thiết kế mô hình “Cùng em học Toán” giúp học sinh có thể hứng thú học tập môn học này cũng như phát triển được tư duy, năng lực đồng thời khắc sâu kiến thức môn Toán. Mô hình lấy nguồn cảm hứng từ bộ sách “Chân trời sáng tạo” nên rất gần gũi và thiết thực với học sinh, có thể vừa chơi, vừa học. Mô hình này rất dễ bảo quản, học sinh hiện đang dùng trong năm học này và có thể sử dụng qua các năm học về sau.

Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Trâm còn tích cực tham gia các hoạt động trong trường cũng như địa bàn TPHCM như: Hiến tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, Hiến máu nhân đạo, Tham gia chương trình “Đồng hành cùng đơn vị kết nghĩa”, “Hành trình về địa chỉ đỏ”, Đại hội thể dục thể thao Quận 1, tham gia chương trình “Những bước chân vì cộng đồng,…. Cô giáo trẻ hi vọng qua các hoạt động có thể góp một chút sức nhỏ nhoi cho cộng đồng, chung tay để xã hội phát triển, đùm bọc, tương thân tương ái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ