TPHCM linh hoạt nhiều giải pháp tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày

GD&TĐ - Chiều 15/2, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023.

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) tham quan khu vườn của trường.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) tham quan khu vườn của trường.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp cho các địa phương.

Theo báo cáo từ hội nghị, năm học 2022-2023, TPHCM tăng 9,4% tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày so với năm học trước. Tuy nhiên sĩ số bình quân học sinh/lớp cũng tăng lên 38,4 học sinh/lớp (tăng nhẹ so với sĩ số bình quân 38 học sinh/lớp của năm học 2021-2022).

Đối với các trường tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các trường chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp đối với các môn tự chọn, hoạt động củng cố kiến thức và một số hoạt động giáo dục khác cho học sinh.

Bà Lê Thị Xinh, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức phát biểu tại hội nghị.

Bà Lê Thị Xinh, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh cho biết, địa phương là huyện ngoại thành có trên 50.000 học sinh ở cấp tiểu học. Trong thời gian vừa qua, mỗi năm phía Bình Chánh đều có trường mới. Năm học 2022-2023 Bình Chánh có 2 trường tiểu học, nhưng chưa đáp ứng được việc 300 phòng học/10.000 dân. Số dân tăng, số trường lớp tăng theo, tỷ lệ không đáp ứng.

“Tính tới thời điểm này, khó khăn lớn nhất với lớp 1,2,3 vẫn là thiếu phòng cục bộ, không đảm bảo dạy 2 buổi/ngày 100% theo chương trình 2018. Khi chưa thể xây thêm trường mới, Bình Chánh áp dụng giải pháp xây thêm phòng mới, cải tạo sân chơi cho học sinh”, cô Châu chia sẻ.

Tương tự, bà Lê Thị Xinh, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho biết, việc tăng dân số về cơ học cao cho nên áp lực lớn. Địa phương này sử dụng giải pháp là buổi 2 không tổ chức dạy học trong phòng học mà linh động tổ chức học ở thư viện, phòng chức năng,...

Ông Trịnh Vĩnh Thanh chia sẻ tại hội nghị.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh chia sẻ tại hội nghị.

Còn theo chia sẻ của ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT Gò Vấp, để thực hiện chương trình GDPT mới, học sinh các lớp 1, 2, 3 phải được học 2 buổi/ngày. Hiện quận Gò Vấp chỉ có khoảng 78% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Trước tình trạng không đủ phòng học, địa phương này đang thực hiện mô hình "lớp học chạy" (còn gọi là lớp học động). Đó là trong những giờ học mà có lớp học môn thể dục, tin học… các em học ở phòng học chuyên môn thì phòng học đó trống. Học sinh lớp khác sẽ được di chuyển qua học trong lớp học đó.

“Mô hình "lớp học động" cũng có thể giải quyết tạm thời tình trạng thiếu phòng học hiện nay”, ông Thanh cho hay.

Không chỉ thiếu phòng học, vấn đề thiếu giáo viên tiểu học cũng nổi cộm. Theo đó, năm học 2022-2023, toàn TPHCM có tổng cộng 663.426 học sinh tiểu học. Căn cứ theo điều lệ trường tiểu học quy định 35 học sinh/lớp, tổng số lớp phải là 18.955 lớp, số lượng giáo viên tiểu học căn cứ tỉ lệ 1.5 giáo viên/lớp phải đạt 28.432 giáo viên. Tính riêng trong năm học này, TPHCM đã thiếu 1.758 lớp học/phòng học và thiếu 3.643 giáo viên ở cấp tiểu học. Số lượng giáo viên tiểu học còn thiếu tại TPHCM tương đương 12.8% số lượng giáo viên cần có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.