Người khơi nguồn văn học
Mỗi lần được về Trường THPT Giồng Ông Tố để tham dự chương trình ngoại khóa các tiết Văn học, hầu hết các GV ở nhiều trường trong cụm đều lấy làm hào hứng. Đây không chỉ là dịp để các thầy cô ở các đơn vị bạn giao lưu gặp gỡ với nhau mà còn là nơi trao đổi những kinh nghiệm về khâu tổ chức chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ Văn học, tiết học ngoài giờ... Đặc biệt là thông qua một số dự án văn học, người tham gia càng thấy được khả năng tiềm tàng của đội ngũ GV và HS của ngôi trường này. Công tác chuẩn bị chu đáo đã mở đường thuận lợi để các em phô diễn những thành quả đã thực hiện được thông qua từng dự án dài hơi phục vụ sát sườn cho bài học.
Nhìn vào kết quả mỹ mãn đó, mọi người vẫn không quên công sức của một “bàn tay đạo diễn” đứng phía sau, đó là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Diệp. Với cương vị trưởng bộ môn, cô Ngọc Diệp đã xây dựng ý tưởng từ khi dự án mới trong giai đoạn phôi thai. Dưới bàn tay chỉ huy của “người nhạc trưởng”, các nhóm HS đã hoàn tất từng dự án bằng chính công sức và niềm đam mê của mình.
Buổi báo cáo dự án chính là một ngày hội lớn về chuyên môn khi không gian lớp học được mở rộng mà mỗi HS tham gia chính là một kiến trúc sư về ngôn ngữ và hình ảnh của dự án. Đây chỉ là một trong rất nhiều dấu ấn văn chương mà cô giáo tổ trưởng bộ môn Ngữ văn của Trường THPT Giồng Ông Tố để lại trong chuỗi hoạt động ngoài giờ lên lớp của tổ chuyên môn trong nhiều năm qua. Được học với một cô giáo dạy giỏi, tinh thần học tập của các em ngày càng khởi sắc.
Từ thời thơ ấu, Ngọc Diệp đã thật sự hãnh diện với bạn bè vì mình sinh ra trong một gia đình nhà giáo. Có cha là hiệu phó Trường cấp 3 Diễn Châu 1 và mẹ là GV cấp 2 ở Diễn Châu (Nghệ An), mấy anh em Ngọc Diệp có cơ hội học tập tốt hơn bạn bè. Chính những cuốn sách trích giảng, bài soạn của mẹ trong giáo án đã đưa Ngọc Diệp từng ngày đến với chân trời văn học.
Về hưu vẫn tiếp tục bám nghề
Là GV dạy giỏi làm tốt công tác chủ nhiệm được BGH tin yêu và đồng nghiệp tôn trọng, nhưng cô giáo quê ở Nghệ An có nụ cười hiền ít khi nói về thành tích của mình: “Tôi thấy thành tích trong nghề dạy học của mình đáng kể nhất nếu có là được nhiều học trò, đồng nghiệp, phụ huynh tin yêu”.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là quãng thời gian đồng hành cùng ngôi trường Giồng Ông Tố vùng ven quận 2, TPHCM. Nhờ sự đồng sức của cả một tập thể mà chất lượng của ngôi trường nhỏ vùng ven từng bước được cải thiện. Suốt một chặng đường dài, phong trào đổi mới phương pháp dạy và học Văn dần dần có chỗ đứng. Niềm vui lớn lao của thầy cô là khi có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia. Từng ý kiến hay, những sáng tạo mới của tổ Văn đã tạo bước chuyển mình về các hoạt động và chất lượng dạy học.
Gia đình nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Diệp |
Theo cô Diệp, khát khao đổi mới dạy học trong tinh thần khai phóng là ý thức thường trực nơi bản thân cô, khiến cô luôn bươn bã trong học hỏi và sáng tạo việc dạy học Văn. Đó cũng là “điểm cộng” để cho cô là một trong số ít GV trong trường vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản (do TPHCM tổ chức và trao giải).
Sau khi nghỉ hưu, cô Ngọc Diệp cùng nhiều em HS thành đạt quay trở về trường để đồng hành cùng nhau trong Dự án sách hay cho học sinh tiểu học. Những HS cũ cũng nuôi ước muốn cùng cô lập Quỹ khuyến học cho học sinh nghèo. Cô vẫn quá yêu nghề nên tiếp tục tham gia giảng dạy ở Trường Song ngữ quốc tế HORIZON trong khát khao “tiếp tục làm gì đó cho học sinh, cho giáo dục”.
Ở đây phong trào đổi mới dạy học Văn lại được cô thổi bùng đến với các đồng nghiệp. Lâu lâu lại thấy cô xuất hiện trong các hoạt động tích cực như Ngày hội ngôn ngữ - Tôi yêu tiếng Việt; Thi viết chữ đẹp; Dự án Lớn lên cùng sách… để khơi nguồn dòng chảy văn học, đánh thức văn hóa đọc cho HS, giúp các em thành thạo các kỹ năng liên quan đến văn học, như thuyết trình sách, viết bài cảm nhận về sách…
Đối với cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, nghề giáo vẫn còn đó những khó khăn, và cô cũng còn đôi điều trăn trở trong công tác giáo dục HS. Thế nhưng trong cuộc sống đời thường, bất chợt ở đâu đó, trong siêu thị, trên sân ga, nơi công sở… có một bạn trẻ đến kính cẩn “chào cô”, cô thấy đó là niềm hạnh phúc không gì bằng.