Cụ thể, có 6 tác phẩm bắt buộc gồm: Nam quốc sơn hà (Thời Lý); Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Truyện Kiều của Nguyễn Du; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu; Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm bắt buộc lựa chọn được quy định như sau:
Văn học dân gian Việt Nam: Chọn ít nhất 4 tác phẩm đại diện cho 4 thể loại trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam: truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười;
Chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình; con người và xã hội (trữ tình hoặc trào phúng);
Chọn ít nhất 1 sử thi Việt Nam; Chọn ít nhất 1 truyện thơ của các dân tộc thiểu số Việt Nam; Chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng.
Văn học viết Việt Nam, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau: Thơ Nôm, văn nghị luận của Nguyễn Trãi; thơ chữ Hán của Nguyễn Du; thơ Nôm của Hồ Xuân Hương; thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu; thơ Nôm của Nguyễn Khuyến; truyện và thơ của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh; truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao;
Tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng; thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám; thơ của Tố Hữu trước và sau Cách mạng tháng Tám; truyện ngắn, kí của Nguyễn Tuân; kịch của Nguyễn Huy Tưởng; kịch của Lưu Quang Vũ.
Văn học nước ngoài, chọn ít nhất 1 tác phẩm cho mỗi nền văn học sau: Anh, Pháp, Mĩ, Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.
Các mạch kiến thức tiếng Việt ở từng cấp học
Chương trình Ngữ văn mới phân bổ các mạch kiến thức tiếng Việt ở từng cấp học như sau:
Cấp tiểu học: một số hiểu biết sơ giản về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp và biến thể ngôn ngữ (ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, số liệu); có khả năng nhận biết, bước đầu hiểu được các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan và vận dụng trong giao tiếp.
Cấp THCS: những hiểu biết cơ bản về từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ (từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội; ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ) giúp học sinh có khả năng hiểu các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan và vận dụng trong giao tiếp.
Cấp THPT: một số hiểu biết nâng cao về tiếng Việt giúp học sinh hiểu, phân tích và bước đầu biết đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan, chú trọng những cách diễn đạt sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ trong các báo cáo nghiên cứu và trong giao tiếp.
Phân bổ các mạch kiến thức văn học
Phân bổ các mạch kiến thức văn học từng cấp học trong chương trình mới như sau:
Cấp tiểu học: một số hiểu biết sơ giản về truyện và thơ, văn bản hư cấu và văn bản phi hư cấu; nhân vật trong văn bản văn học, cốt truyện, thời gian, không gian, từ ngữ, vần thơ, nhịp thơ, hình ảnh, lời nhân vật, đối thoại.
Cấp THCS: những hiểu biết về các thể loại (truyện dân gian, truyện ngắn, thơ trữ tình và thơ tự sự; kí trữ tình và kí tự sự; tiểu thuyết và truyện thơ Nôm, thơ cách luật và thơ tự do, bi kịch và hài kịch); chủ thể trữ tình và nhân vật trữ tình; giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học;
Một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học (người kể chuyện, người kể chuyện ngôi thứ nhất, người kể chuyện ngôi thứ ba, nhân vật, điểm nhìn, sự thay đổi người kể chuyện và điểm nhìn, xung đột, không gian và thời gian, lời người kể chuyện và lời nhân vật, mạch cảm xúc trữ tình, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, luật thơ, kết cấu); cuối lớp 9 có tổng kết sơ giản về lịch sử văn học.
Cấp THPT: những hiểu biết về một số thể loại, tiểu loại ít thông dụng, đòi hỏi kĩ năng đọc cao hơn (thần thoại, sử thi, chèo hoặc tuồng, truyện và thơ hiện đại; tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại);
Một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết văn bản văn học (câu chuyện, người kể chuyện toàn tri, người kể chuyện hạn tri, người kể chuyện và sự dịch chuyển, phối hợp điểm nhìn, cách kể, tứ thơ, đặc trưng của hình tượng văn học; phong cách văn học; những hiểu biết về lịch sử văn học và một số tác gia lớn); một số chuyên đề học tập tập trung vào kiến thức về các giai đoạn, trào lưu và phong cách sáng tác văn học.