Trong đó đánh giá cao những điểu chỉnh quan trọng: Qui trình tổ chức coi, chấm thi có sự giám sát, thanh tra chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của cán bộ các trường ĐH và Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác coi thi, các giải pháp bảo mật đề thi, bài thi năm nay?
Với cách điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến coi thi ở các hội đồng thi tỉnh như năm nay sẽ tránh được những vấn đề tiêu cực, cục bộ địa phương. Đồng thời gia tăng trách nhiệm cho Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trong việc lựa chọn cán bộ và việc chỉ đạo khâu coi thi tại các địa phương. Với việc thay đổi này của Bộ, chắc chắn sẽ "triệt tiêu" những tiêu cực có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ |
Năm nay Bộ tăng cường bảo mật khâu đề thi, bài thi; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày. Đây là những biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát những khâu thiết yếu nhất trong quá trình làm thi. Nhờ các biện pháp kỹ thuật này sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi tiêu cực của một số cá nhân khi họ có ý định can thiệp vào kết quả thi.
Tuy nhiên, các biện pháp kỹ thuật này không quyết định tính chất nghiêm túc của Kỳ thi. Vấn đề cốt lõi ở đây là con người. Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cần phải lựa chọn được những cán bộ tốt nhất, đủ phẩm chất và năng lực để tham gia kỳ thi. Khâu quan trọng nhất vẫn là việc lựa chọn nhân sự và khâu giám sát.
Ông nhận định như thế nào về việc năm nay công tác chấm thi trắc nghiệm sẽ được Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo các trường ĐH chấm thi, phòng chấm thi sẽ được đặt camera giám sát 24/24 giờ?
Theo thông tin được công bố, năm nay Bộ sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.
Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh). Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GDĐT chủ trì.
Theo tôi, đây là các giải pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay trong khi một vài địa phương chưa quản lý chặt chẽ, việc lựa chọn nhân sự chưa nghiêm túc để xảy ra tiêu cực trong khâu chấm thi. Với phương án chấm bài thi trắc nghiệm như năm nay sẽ không xảy ra những hiện tượng tiêu cực như các năm trước.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục nâng cấp phần mềm chấm thi đồng thời lựa chọn được những cán bộ, chuyên gia giỏi nhất và có tinh thần trách nhiệm cao nhất tham gia chấm thi. Đồng thời không cứ các trường ĐH chấm thi trắc nghiệm mới là nghiêm túc, nhiều Sở GD&ĐT cũng vẫn thực hiện nghiêm túc, công bằng, chính xác, khách quan và điều quan trọng nhất vẫn là con người và khâu giám sát chấm thi.
Ông có kỳ vọng như thế nào về đề thi năm nay?
Cô và trò Trường THPT Long Châu Sa (Phú Thọ) ôn tập trước kỳ thi năm 2018 |
Về công tác đề thi năm nay tôi rất kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu đối với kỳ thi THPT quốc gia, khắc phục những hạn chế năm trước ở mức độ phân hóa vận dụng và vận dụng cao để phù hợp với học sinh THPT ở tất cả các vùng miền và giảm áp lực cho học sinh. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2019 để giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia Kỳ thi.
Năm nay các Sở GD&ĐT tiếp tục được giao vai trò tổ chức thi và chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) dưới sự tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ, với kinh nghiệm tổ chức thành công kỳ thi an toàn, nghiêm túc những năm trước, ông có giải pháp nào để tổ chức thành công kỳ thi tại địa phương với những nhiệm vụ được giao?
Thứ nhất, về khâu coi thi: Những năm trước, Phú Thọ đã có rất nhiều kinh nghiệm hay trong khâu coi thi như: Lựa chọn và tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên có nhiều kinh nghiệm để làm Trưởng điểm thi và Thư ký Điểm thi; Sở GD&ĐT tiếp tục cải tiến để đưa ra những biểu mẫu khoa học, tinh gọn, tiện ích nhất phục vụ công tác coi thi. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức coi thi và nhất là chọn cử các trưởng điểm thi.
Thứ hai, về chấm bài thi tự luận, tôi cho rằng dù Sở GD&ĐT hay trường Đại học chấm thi thì đều phải thực hiện trên cùng một qui chế và phải căn cứ vào đáp án - thang điểm của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT sẽ lựa chọn những giáo viên cốt cán môn Ngữ văn tốt nhất của tỉnh để tham gia khâu chấm thi. Tăng thêm tỉ lệ % chấm bài kiểm tra theo quy định của Bộ để kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm những tồn tại (nếu có) trong khâu chấm thi.
Song song với việc tổ chức chấm thi chặt chẽ, vận dụng đúng hướng dẫn chấm của Bộ nhất là nội dung liên quan đến đề mở, Sở GD&ĐT sẽ cho hồi phách 100% bài thi để đối chiếu với kết quả điểm được nhập trên máy tính từ số phách. Như vậy toàn bộ điểm thi của thí sinh được đối khớp 100%, không thể xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình nhập điểm.
Với những kinh nghiệm đã có từ những năm trước, tôi tin rằng năm nay Sở GD&ĐT Phú Thọ sẽ tiếp tục tổ chức Kỳ thi thành công tốt đẹp.