Qua hơn 30 năm kiên trì thực hiện công tác này, Tiền Giang đã bảo đảm được tính bền vững của dự án và duy trì tốt các hoạt động sau khi dự án kết thúc. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, trong đó có cô Nguyễn Ngọc Hạnh, thành viên tích cực của mạng lưới Giáo dục hòa nhập của tỉnh.
Tình thương với trẻ khuyết tật
Trong giờ học cũng như giờ chơi, cô Hạnh ít khi nào rời mắt khỏi hai em học sinh học hòa nhập của lớp mình, đặc biệt là em Trần Ngọc L.P. Nhìn bề ngoài P cũng giống như bao bạn khác nhưng em dễ gây ra những tình huống phức tạp cho bản thân và cho bạn bè. Cô Hạnh cho biết, P mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) nên phải thường xuyên được theo dõi mọi hoạt động, cả trong giờ học và giờ chơi.
Tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học năm 1995, cô Nguyễn Ngọc Hạnh về dạy tại Trường Tiểu học Thanh Bình (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Khi được biết dự án Giáo dục hòa nhập ở Tiền Giang triển khai, cô tình nguyện theo học lớp Cao đẳng Giáo dục hòa nhập (năm 2002) và tham gia nhóm mạng lưới Giáo dục hòa nhập do Sở GD&ĐT Tiền Giang tổ chức. Năm 2007, cô đảm nhận dạy trẻ hòa nhập cho đến nay.
Chuyển về TP Mỹ Tho công tác năm 2010, cô Hạnh tiếp tục đảm nhận lớp Giáo dục hòa nhập tại Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh. Không ít lần cô phải xử lý những cơn tăng động của trò, có lúc về nhà mệt quá, không nuốt nổi cơm. Tuy nhiên, cô cho biết không hề buồn vì điều này mà buồn vì nhiều phụ huynh nghe con kể lớp có bạn “bị khùng” vội xin chuyển lớp cho con! Trong các buổi họp, hay lúc gặp phụ huynh, cô luôn giải thích: “Sinh con ra, ai cũng mong muốn con mình được mạnh khỏe, phát triển bình thường. Nhưng không may, có con như vậy là một thiệt thòi. Các em cần lắm sự chia sẻ của những người xung quanh”.
Cô Hạnh cho biết, giáo viên dạy trẻ hòa nhập phải kiêm luôn bảo mẫu và cả chuyên viên tâm lý. Đó là những lúc các em mệt hay khi không tự chủ được vệ sinh cá nhân, giáo viên phải hết lòng chăm sóc. Không chỉ hiểu tính cách từng em để đưa ra phương pháp dạy thích hợp, mà giáo viên còn phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn họ chỉ bảo các em học, tập phục hồi chức năng ở nhà, chế độ ăn uống… Nhiều học sinh dạng này thuộc gia đình khó khăn hoặc có hoàn cảnh éo le nên có lúc cô phải dùng số tiền lương ít ỏi của mình hỗ trợ các em.
Cô Hạnh tận tình hướng dẫn học sinh trong giờ học |
Tận tụy với công việc
Để dạy trẻ hòa nhập hiệu quả, cô Hạnh chia sẻ: “Cần tìm hiểu nhu cầu và khả năng của trẻ để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân và các hoạt động hỗ trợ khác. Sau đó, chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp với từng trẻ, như tạo tình huống cho trẻ nói, dạy trẻ nói những câu ngắn gọn, đơn giản, sử dụng những từ đơn giản khi hướng dẫn và kiểm tra việc học tập, cố gắng kết hợp bài học với kinh nghiệm từ cuộc sống thường ngày của trẻ…”.
Với học sinh khác, cô không chỉ hướng dẫn các em gần gũi, động viên giúp đỡ bạn để bạn bớt bị kích động, mà lồng ghép trong bài dạy của cô là những câu chuyện kể để các em hiểu ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người khuyết tật nếu chẳng may gặp tai nạn hay mắc bệnh.
Nhiều bạn bè, người thân thấy cô tình nguyện dạy lớp có học sinh hòa nhập đều lo ngại. Cô Hạnh cho biết, khi dạy cho trẻ hòa nhập làm được cái gì đó tôi cảm thấy rất vui. Có thể với người khác đó là một điều hết sức bình thường, nhưng đối với các em thì lại là điều rất to lớn, vì các em phải rất khó khăn mới làm được. Cô Hạnh vẫn kiên định với suy nghĩ: “Dạy học sinh hòa nhập hay học sinh bình thường cũng không quan trọng bằng việc phải có cái tâm với nghề, phải dạy các em bằng tất cả tình yêu thương”.
Chia sẻ về cô Nguyễn Ngọc Hạnh, thầy Lê Tấn Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, cho biết: “Cô Hạnh tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, cô rất tâm huyết với công việc dạy trẻ hòa nhập, cô có nhiều suy nghĩ tìm tòi và làm nhiều đồ dùng dạy học cho trẻ hòa nhập. Các em rất quý cô Hạnh và có tiến bộ rõ rệt”.
Với tình yêu nghề và nỗ lực của bản thân, cô Nguyễn Ngọc Hạnh đạt danh hiệu Giáo viên dạy trẻ khuyết tật giỏi cấp tỉnh năm học 2012 - 2013; nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2017 - 2018; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.