GD cho trẻ em tị nạn được nêu bật trong Ngày Nhà giáo Thế giới

GD&TĐ - Nhân Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10 - bắt đầu được tổ chức kỷ niệm thường niên từ ngày 5/10/1994), giáo viên người Hy Lạp, cô Eleni Karagianni, đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức mà GD có thể là chìa khóa cho hội nhập xã hội của trẻ tị nạn, cũng như chỉ ra những thách thức mà trẻ em và giáo viên phải vượt qua.

Các em nhỏ đang tập vẽ với sự hỗ trợ của cô Karagianni trong lớp học ở trại tị nạn Schisto, ngày 4/10/2018 (Ảnh Tân Hoa Xã)
Các em nhỏ đang tập vẽ với sự hỗ trợ của cô Karagianni trong lớp học ở trại tị nạn Schisto, ngày 4/10/2018 (Ảnh Tân Hoa Xã)

Chuẩn bị cho tương lai của trẻ

Cô Karagianni là một giáo viên nghệ thuật và là điều phối viên Chương trình GD dành cho người tị nạn, đã có cuộc gặp với phóng viên của Tân Hoa Xã tại trại tị nạn Schisto, một vùng ngoại ô gần cảng

Piraeus của Hy Lạp. Đây cũng là cảng tập trung hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc để phân phối đi các nước châu Âu. Nói cách khác, Piraeus là cửa ngõ vào châu Âu của Trung Quốc, đó có lẽ cũng là lý do mà Tân Hoa Xã quan tâm đến thế về tình hình an sinh xã hội nơi đây.

“GD là quan trọng, bởi vì như các nghiên cứu đã chỉ ra, với hai hoặc ba năm đi học, tiêu chuẩn sống, điều kiện sức khỏe và nhiều yếu tố khác có thể được cải thiện” - Karagianni giải thích.

Hàng ngàn trẻ em tị nạn bị mắc kẹt ở Hy Lạp sau khi biên giới dọc theo tuyến đường Balkan của Tây Âu bị đóng cửa vào tháng 2/2016. Cũng từ đó, các em được bố trí tham gia vào các chương trình GD tại nơi tị nạn, như một phần trong chủ trương của chính phủ Hy Lạp để giúp các em hòa nhập vào hệ thống GD Hy Lạp cũng như chuẩn bị cho tương lai của các em, dù chưa biết trước các em sẽ tiếp tục cuộc sống của mình ở đâu.

Trong năm học 2017 - 2018, số trẻ em được ước tính đã theo học các lớp chính quy là 8.017 em, chiếm khoảng 40% trong tổng số 20.000 trẻ em tị nạn và di dân hiện đang ở Hy Lạp, theo số liệu từ Bộ GD. Có khoảng 5.291 em theo học các lớp học buổi sáng cùng với trẻ em Hy Lạp, trong khi 2.026 trẻ tị nạn khác tham gia các lớp học buổi chiều tại các cơ sở tiếp nhận cho GD tị nạn. Không có dữ liệu chính thức nào được phát hành cho năm học 2018 - 2019, khi nhân số trong các trại thay đổi liên tục và các lớp học cũng như những cơ sở tiếp nhận mở rộng hơn.

Linh hoạt để trẻ hòa nhập và học tập

Với nhiều năm kinh nghiệm trong GD liên văn hóa, cô Karagianni bắt đầu giúp đỡ người tị nạn kể từ ngày đầu tiên họ đến cảng Piraeus từ các đảo ở biển Aegean vào năm 2015. Sự tham gia của cô thời gian đầu như một tình nguyện viên, trước khi được bổ nhiệm làm điều phối viên của Schisto vào năm 2016. Hiện cô chịu trách nhiệm cho việc GD 170 trẻ tị nạn từ Afghanistan, Syria và Iran sống trong trại tị nạn cùng gia đình mình, trong khi chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn.

Một trong những công việc thường ngày của cô Karagianni, bên ngoài không gian lớp học, là đóng vai trò cầu nối giữa những người tị nạn và chính quyền. “Chúng tôi gần gũi với gia đình, chúng tôi lắng nghe những vấn đề của họ, chúng tôi có thể can thiệp khi cần thiết, hoặc chúng tôi có thể hướng dẫn họ đến các cơ sở khác để được giúp đỡ”, cô nói.

Tất nhiên, không phải cái gì cũng suôn sẻ. Một khó khăn mà những nhà hoạt động như Karagianni gặp phải lại xuất phát từ cộng đồng người tị nạn, liên quan đến sự đồng ý của cha mẹ các em. Cơ quan GD phải giải thích trong nhiều trường hợp cách thức hoạt động của trường học, cũng như lý do tại sao con cái của họ nên tham dự lớp học hàng ngày.

Mặc dù hầu hết trong số những đứa trẻ ở đây chưa từng đi học hoặc đã rời trường học (ở quê hương) trong nhiều năm, nhưng các em dường như đều thích ứng rất tốt và nhanh với các điều kiện học tập mới. “Từ năm 1998, tôi đã dạy học cho trẻ em các quốc gia khác nhau. Bạn có thể thấy rằng thời thơ ấu có một mẫu số chung, một tính chất chung. Trẻ em rất linh hoạt, thích ứng và sẵn sàng hòa nhập vào một điều gì đó mới mẻ”, cô chia sẻ.

Ngày Nhà giáo Thế giới năm nay trùng với kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền, bao gồm quyền cơ bản về GD. Nhấn mạnh về điều này, Karagianni nói: “Quyền học tập có nghĩa là quyền được hướng dẫn bởi một giáo viên có trình độ. Để dạy và ở gần những người đã trải qua chiến tranh, bạn nên điều chỉnh cách thức GD, hành vi và phương pháp luận”.

“GD có thể giúp các em nhìn thấy hướng đi trong tương lai của mình và khơi gợi ước mơ về một cuộc sống mới với nhiều hy vọng tốt đẹp”, cô Karagianni tin tưởng.

Theo Borneo Bulletin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ