Cô giáo phụ hồ

GD&TĐ - Hễ nghe ai nói ở đâu có thầy cao tay, cô Liên lại tìm đến hỏi cách chạy chữa. Để có tiền trang trải cuộc sống và thuốc men cho chồng, cô làm đủ nghề.

Những lúc rảnh rỗi, cô Liên lại an ủi, động viên chồng yên tâm chạy chữa.
Những lúc rảnh rỗi, cô Liên lại an ủi, động viên chồng yên tâm chạy chữa.

Khi vác vật liệu, lúc làm phụ hồ… cô làm tất cả chỉ mong sao sớm “xóa nợ” và chồng được trở lại cuộc sống bình thường…

Tai ương…

Chúng tôi tìm đến nhà của cô Nguyễn Thị Liên (39 tuổi) ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vào một chiều nắng hạ. Cô Liên đang là giáo viên của Trường Mầm non Hoa Phượng, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi. Sau mấy lần hỏi đường, căn nhà cấp 4 trong căn ngõ nhỏ cũng hiện ra trước mắt.

Do có hẹn trước, nên cô Liên chủ động đợi sẵn bên sân nhà với nụ cười tươi. Tranh thủ trong lúc đợi khách, tay phải cô nắm tay chồng, tay trái bám sát sau lưng dắt anh tập đi từng bước khó nhọc.

Có lẽ, cũng lâu rồi nhà cô không có khách lạ ghé thăm nên niềm vui hiện lên trông thấy trên khuôn mặt của mỗi thành viên trong gia đình. Khe khẽ đỡ chồng nằm yên trên chiếc giường nhỏ cạnh bàn nước mà gia đình thường tiếp khách, cô Liên pha chè, rót nước rồi đưa chúng tôi trở về câu chuyện của mấy năm về trước.

Cô và anh Trung “đầu ấp tay gối” đã được 11 năm. Cả hai đã có hai mặt con, một trai, một gái. Mấy năm đầu chung sống, cô Liên làm giáo viên mầm non, còn anh Trung (43 tuổi) thì làm giáo viên của Trường Tiểu học và THCS Kim Truy (xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi). Lương tháng giáo viên tuy “ba cọc, ba đồng” song cũng có thể tạm gọi là không quá khó khăn, eo hẹp. Những tưởng như vậy đã là viên mãn, song rồi tai họa ập đến bất ngờ.

Cuộc đời vợ chồng giáo viên này đã lay chuyển chóng vánh vào buổi chiều ngày 16/10/2016. Ấy là lúc anh Trung đến thăm thân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Bôi. Trên đường về không may xảy ra tai nạn khiến anh hôn mê tại chỗ.

Dù đã được người dân đưa đến cơ sở y tế cấp cứu ngay sau đó, song do vết thương quá nặng nên anh buộc phải lên các tuyến trên để điều trị. Lúc ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, khi về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Hơn một năm điều trị tại các cơ sở y tế ngoài Hà Nội, sự sống đã trở lại với anh Trung. Tuy nhiên, anh đã bị liệt nửa người bên phải. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến người thứ hai hỗ trợ, đỡ đần. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn bởi tiền bạc, tài sản của gia đình cứ thế mà lần lượt “đội nón ra đi”.

Cô Liên hỗ trợ chồng tập đi
Cô Liên hỗ trợ chồng tập đi

“Chân yếu, tay mềm” nay thành “trụ cột”

Theo lời cô Liên, ngôi nhà mà gia đình đang ở được mượn tạm của anh trai chồng do đi làm ăn xa gửi lại. Trước thì hai vợ chồng thuê nhà riêng, nhưng sau tiền bạc eo hẹp, chẳng có giải pháp nên xin chuyển về ở nhờ để đỡ tốn chi phí.

Từ vai trò là người trụ cột của gia đình, giờ đây chiếc giường là thứ gắn bó với anh Trung. Nó đã theo anh trong suốt 5 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc mọi gánh nặng, công việc đều đổ dồn lên đôi vai gầy của cô Liên.

Bà Đinh Thị Thảo (mẹ đẻ anh Trung) năm nay đã 81 tuổi. Tuổi đã cao, song bà vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Nhấp nhấp ly trà, bà Thảo hướng mắt nhìn về phía người con trai đang co quắp trên giường, buồn bã nói: “Ở tuổi tôi, cứ nghĩ được sống an nhàn, được trông thấy các con khôn lớn trưởng thành, vậy mà Trung lại bị như vậy. Tôi thương nó lắm! Nhưng không biết phải làm sao vì bản thân cũng mang bệnh trong người, thường xuyên phải vào viện điều trị”.

“Chi phí dự tính để chữa trị khỏi bệnh cho anh Trung hết khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng, kéo dài trong 3 - 4 năm. Tuy nhiên, để có chi phí chữa trị 5 năm qua, gia đình đã vay mượn lên tới 400 triệu đồng, phải chạy vạy khắp nơi, cũng may được mọi người thương tình giúp đỡ. Mẹ chồng tôi cũng đã cao tuổi. Bà thường xuyên phải vào viện do bị bệnh tim. Vài tháng trước bà cũng bị tai nạn vừa mới khỏi”, cô Liên tiếp lời.

Chỉ trong thời gian ngắn, “lũ chồng lũ” đã khiến kinh tế gia đình chị Liên kiệt quệ trông thấy. Làm ra bao nhiêu, thuốc men, viện trạm cũng chẳng đủ chứ nói gì đến chuyện tích lũy. Để trả nợ và lo trang trải cuộc sống, ngoài làm công việc ở trường, cô Liên kiếm thêm các công việc khác.

“Tôi đã đi làm thợ hồ, mang vác vật liệu, ở đâu cần người làm mà kiếm ra tiền, không vi phạm pháp luật tôi đều làm hết. Người dân nơi đây còn nói đùa tôi như đàn ông vì thấy làm việc cả ngày, việc gì cũng làm”, cô Liên cười nhẹ.

Có bệnh nên vái tứ phương, hễ nghe ai mách ở đâu có thuốc tốt, thầy hay, cô lại tìm đến. Tất cả chỉ với mong ước chồng mình nhanh chóng khỏi bệnh, hai vợ chồng cùng làm để nuôi dạy con cho đến lúc trưởng thành như bao gia đình khác.

“Nhiều lúc tinh thần, sức khỏe kiệt quệ, nước mắt chẳng ngừng rơi, nhưng không dám nằm xuống. Nghĩ đến con cái, nghĩ đến chồng mà cố gắng vực dậy để vượt qua khó khăn”, cô Liên rơm rớm nước mắt.

Cô Đặng Phương Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng cho biết: “Thời gian đầu xảy ra biến cố, Công đoàn nhà trường hết sức tạo điều kiện hỗ trợ cô Liên trong công việc. Tuy nhiên, do thời gian gián đoạn việc giảng dạy quá dài nên nhà trường buộc phải điều chuyển cô Liên xuống làm tạp vụ. Cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm vậy. Cũng mong anh chị ấy cố gắng vượt qua khó khăn để trở lại cuộc sống bình thường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ