Gia đình cô giáo xung phong chống dịch: Trách nhiệm với cộng đồng

GD&TĐ - 4 thành viên trong gia đình cô Huệ đều xung phong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi khi nhớ nhau, hoặc có việc, vợ chồng cô và các con chỉ còn cách liên hệ qua điện thoại.

Gia đình cô Nguyễn Thị Minh Huệ. Ảnh: NVCC.
Gia đình cô Nguyễn Thị Minh Huệ. Ảnh: NVCC.

“Tiếp sức” tại bếp ăn khu cách ly

Như thường lệ, cứ tờ mờ sáng, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Kon Tum, Kon Tum) thức dậy để dọn dẹp, lo chu toàn công việc nhà.

Sau đó cô vượt quãng đường hơn 6km để đến Trường Cao đẳng cộng đồng cơ sở 4. Tại đây cô cùng một số giáo viên hỗ trợ vào công tác hậu cần ở bếp ăn khu cách ly. Những giáo viên tham gia sẽ nhặt rau, sơ chế thịt cá, chia cơm… cho hơn 100 suất ăn.

Do đã quen với công việc bếp núc nên không có gì làm khó được cô. Mọi công đoạn từ sơ chế, nấu ăn và chia cơm được cô và một số giáo viên thực hiện thuần thục, nhanh chóng.

Cô Huệ tâm sự, ban đầu khi có ý định tham gia hỗ trợ tại bếp ăn bản thân khá lo lắng vì đây là khu vực cách ly của F1, F2. Tuy nhiên, khi trực tiếp tham gia cô biết được chỗ nấu ăn xa nơi cách ly nên cũng yên tâm phần nào. 

“Tôi nghĩ, mỗi người một tay, cùng nhau chung sức thì những việc làm nhỏ sẽ trở thành to lớn. Do đó, tôi muốn góp chút sức lực để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Đã quen với công việc bếp núc nên khi vào đây hỗ trợ bản thân tôi không bỡ ngỡ. Tôi cảm thấy mùa hè của mình ý nghĩa hơn bao giờ hết”, cô Huệ nói.

Cô Huệ (áo đỏ) hỗ trợ tại bếp ăn khu cách ly.
Cô Huệ (áo đỏ) hỗ trợ tại bếp ăn khu cách ly.

Cô Huệ cho biết thêm, cô có 3 người con gái. Trong đó 2 cô con gái đầu đều là sinh viên năm cuối, gồm: Lương Thị Thảo Nguyên, Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam và Lương Thị Khánh Huyền, Đại học y Hà Nội.

Hai con đi học xa nhà và cùng một thời điểm nên kinh tế gia đình cô có lúc bấp bênh. Tuy nhiên, thương cho ước mơ của con nên 2 vợ chồng cô Huệ cố gắng tích góp. Thương bố mẹ vất vả, 2 cô con gái lớn cũng tranh thủ thời gian làm thêm một số công việc bán thời gian để trang trải cuộc sống.

Chung tay vì cộng đồng

Không chỉ riêng cô Huệ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, chồng và 2 cô con gái của cô đều xung phong tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cô Huệ chia sẻ, chồng là bộ đội, mấy tháng nay thường xuyên túc trực tại đơn vị để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Còn 2 người con lớn của cô cũng xung phong tham gia công tác chống dịch.

Nhặt mớ rau trên tay, cô Minh Huệ kể: Trước kia khi còn nhỏ cô luôn mơ ước được làm bác sĩ để chữa trị cho bệnh nhân. Đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình không cho phép nên bản thân cô không thể thực hiện được ước mơ của mình.

Nhưng với mong muốn giúp những hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục cô quyết tâm trở thành một giáo viên. Đến khi 2 người con sinh đôi lớn đã thay cô thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ, cứu giúp các bệnh nhân nghèo.

Cô Huệ chia cơm tại Khu cách ly Trường Cao đẳng cộng đồng cơ sở 4.
Cô Huệ chia cơm tại Khu cách ly Trường Cao đẳng cộng đồng cơ sở 4.

“Chồng là bộ đội nên tôi hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của lực lượng phòng, chống dịch bệnh. Hai người con gái lớn của tôi cũng tình nguyện xung phong hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại Bắc Giang. Sợ bố mẹ lo lắng nên ban đầu 2 cháu giấu, nhưng khi mọi chuyển đã ổn các con mới tâm sự.

Nhìn trên tivi tôi cảm nhận phần nào sự khó khăn, vất vả của tuyến đầu chống dịch. Do đó khi thấy các con xung phong hỗ trợ tại vùng dịch tôi rất lo lắng.

Nhưng khi biết 2 con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khó có khả năng lây nhiễm nên tôi cũng yên tâm. Cô con gái út của tôi năm nay lên 12, cháu cũng dự định theo ngành Y như 2 chị. Tôi nghĩ đây là cái duyên, nghề Y đã chọn các con của mình”, cô Huệ tâm sự.

Nữ giáo viên chia sẻ, mỗi khi rảnh rỗi cả nhà chỉ biết nhìn nhau qua màn hình điện thoại để vơi bớt nỗi nhớ. Bởi công cuộc chống dịch quan trọng hơn cả. Sau khi dịch bệnh được khống chế, gia đình cô sẽ sum họp và kể cho nhau nghe những câu chuyện đã trải qua.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền nhận xét, cô Huệ nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi của trường. Không những vậy cô Huệ là một trong những giáo viên, Đảng viên dạy tốt và gương mẫu. Đặc biệt nhà cô Huệ được giáo viên trong trường gọi là “gia đình chống dịch”. Bởi 4 thành viên trong nhà đều tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Nhà trường luôn động viên khuyến khích các cán bộ, giáo viên trong trường tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bởi mỗi người góp một chút sức lực sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”, cô Huế chia sẻ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.