Cô giáo trẻ uống thuốc thay cơm mong gặp “em thơ”

GD&TĐ - Theo đuổi ước mơ làm cô giáo từ nhỏ, nhưng vừa chạm tay được đến thì lại phát hiện bệnh trọng. Cô giáo trẻ vùng cao xinh đẹp ở Điện Biên đang trải qua những ngày “vật lộn” với nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần…

Ngôi nhà vách đất của 3 mẹ con Thương từ lâu đã vắng bóng cha.
Ngôi nhà vách đất của 3 mẹ con Thương từ lâu đã vắng bóng cha.

Vượt khó trở thành cô giáo

Lò Thị Thương sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Ngôi nhà cấp 4, vách đất từ lâu đã thiếu vắng người cha trụ cột gia đình. 3 mẹ con Thương nương tựa vào nhau đi qua những mùa no – đói đầy cơ cực.

Để có tiền nuôi Thương và em gái ăn học, mẹ em – bà Lò Thị Bang phải đi làm thuê đủ việc, ai mướn gì làm đó. Nỗi vất vả không chỉ bào mòn sức khỏe, mà còn khiến người đàn bà mới chỉ ngoài 40 tuổi trở nên tiều tụy, khuôn mặt chằng chịt dấu vết thời gian.

“Nó tên sao thì sống như thế. Thương mẹ, thương em lắm. Thấy mẹ khổ, từ nhỏ đã xác định lớn lên trở thành cô giáo, vừa thỏa ước mơ lại vừa có tiền lo cho mẹ. Khó khăn thế nào nó cũng vượt qua hết” – bà Bang kể về cô con gái cả với những lời lẽ đầy yêu thương.

Con đường trở thành cô giáo cũng đầy khó khăn như chính cuộc sống của 3 mẹ con Thương. Trong suốt hành trình 12 năm phổ thông và 3 năm theo học ngành mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên), có không ít lần Thương “mấp mé” phải nghỉ, vì không có tiền nộp học phí.

Mỗi lần vậy, bà Bang phải chạy vạy khắp nơi vay mượn, “giật” chỗ nọ “vá” chỗ kia, rồi lại còng lưng đi làm thuê trả dần. Thấy mẹ cực, Thương lại càng quyết tâm hơn. Ra trường với tấm bằng khá, Thương đã phải chấp nhận 1 thời gian đi làm hợp đồng. Rồi đến năm 2019 chính thức vào tận xã biên giới khó khăn Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) nhận công tác.

“Lúc ấy 3 mẹ con mừng rơi nước mắt, chỉ biết ôm nhau khóc. Thương nó bảo, vậy là con đã chạm tay được vào ước mơ rồi” – bà Bang nói.

Cô giáo Lò Thị Thương rạng rỡ bên học trò của mình.
Cô giáo Lò Thị Thương rạng rỡ bên học trò của mình.

Dùng thuốc thay cơm…

Câu chuyện về đứa con gái đầy yêu thương và hiếu thuận của bà Bang bỗng đứt quãng vì những giọt nước mắt không ngừng rơi. Nỗi đau ứ nghẹn, khiến bà không thể tiếp lời.

Phải mất một khoảng thời gian lấy lại bình tĩnh, bà Bang mới tiếp lời: “Vì lo cho 2 chị em Thương ăn học, tôi đã vay nợ một khoản tiền, đến giờ vẫn chưa trả được. Vừa rồi, Cháu nó vay ngân hàng 70 triệu đồng, bảo để giúp mẹ trả nợ mà bệnh tật đổ ập lên con bé. Gia đình phải dùng khoản tiền đó điều trị cho Thương. Thế mà nó cứ dằn vặt bản thân mãi” – nói rồi bà Bang lại ôm mặt khóc.

Theo lời cô giáo Lù Thị Loan, là bạn thân từ nhỏ của Thương, thì Thương mới phát hiện bệnh vào tháng 3 vừa rồi. Khi đang trên lớp, Thương bỗng thấy đau bụng dữ dội nên phải bỏ dở. Về Bệnh viện ở Điện Biên khám thì em phát hiện bị ung thư cổ tử cung.

Kể từ đó, Thương gác lại lớp học và những đứa trẻ vùng cao, “thường trú” ở khắp các bệnh viện từ Điện Biên xuống Hà Nội để trị bệnh. Đợt điều trị đầu tiên, phải xạ trị 25 lần, nhưng mới trải qua 18 lần vào thuốc, căn bệnh quái ác đã vắt kiệt sức lực của cô giáo trẻ. Từ một thiếu nữ xinh đẹp, hoạt bát, đầy sức sống, giờ đây Thương phải nằm một chỗ, chân tay phù nề, trông tiều tụy, thể trạng giảm sút chỉ còn ngoài 30kg.

“Bạn ấy điều trị tại viện K3, Tân Triều. Vừa rồi dịch bệnh phức tạp quá nên phải về Bệnh viện Đa khoa Điện Biên nằm. 2 hôm nay thì về nhà rồi. Nhưng sức khỏe yếu lắm, lúc mê, lúc tỉnh, gần như không nói chuyện được với mọi người. Nhưng bạn ấy lạc quan lắm. Bao lần đau đớn mà chưa bao giờ kêu nửa lời. Lại còn động viên mẹ, động viên em đợt vừa rồi thi tốt nghiệp THPT thật tốt” cô Loan cho hay.

Thương đếm từng ngày, mong khỏi bệnh để trở lại với học sinh vùng cao.
Thương đếm từng ngày, mong khỏi bệnh để trở lại với học sinh vùng cao. 

Đếm ngày mong gặp “em thơ”

Vì hiện Thương nằm mê man 1 chỗ, không thể nói chuyện, nên mọi điều về em đều do người nhà, bạn bè chia sẻ lại. Song, như thể biết được tình trạng sức khỏe của mình, nên trước đó Thương tâm sự, nói chuyện với mọi người nhiều hơn.

“Lúc mới phát hiện bệnh, phải xạ trị thuốc những lần đầu tiên, bạn ấy thường xuyên nhắn tin Facebook nói chuyện với em. Bạn ấy tâm sự nhiều lắm, chủ yếu là lo cho mẹ, lo cho em và khát khao được trở lại trường lớp, trở lại với đàn em thơ biên giới” cô Loan cho biết thêm.

Còn theo chia sẻ của bà Bang, thì suốt thời gian điều trị bệnh, Thương luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ nói chuyện với mọi người. Trong các dòng tâm sự của mình, con bà đều mong khỏi bệnh để quay về trường tiếp tục dạy học.

“Lần gần đây nhất nói chuyện, nó bảo nghỉ mấy tháng rồi, con nhớ bọn trẻ quá. Nó mong, rồi đếm từng ngày để quay trở lại trường dạy học. Vừa rồi em nó thi hết lớp 12, nó còn khuyên bảo em cố gắng thi cho tốt, rồi tiếp tục theo học sư phạm như chị để làm cô giáo. Chị sẽ khỏe đi làm lấy tiền nuôi em.

Tôi nghe mà chỉ biết khóc, động viên con để có tinh thần vượt qua bệnh tật. Chứ thật lòng thì tôi cũng lo lắm, kinh tế gia đình cạn kệt quá rồi, chưa biết xoay đâu để lo cho cháu. Nhưng dù còn 1 tia hy vọng, tôi vẫn bằng mọi giá cứu con” – bà Bang xót xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.