Cô giáo Ngữ văn tâm huyết tìm tòi phương pháp giảng dạy sáng tạo

GD&TĐ - Nhiều trò sợ Ngữ văn vì nghĩ môn này dài, phải học thuộc nhiều. Nhưng học Văn cũng cần tư duy logic như các môn Khoa học Tự nhiên. Người thầy phải lấy học trò làm trung tâm, giúp các em hiểu và học tập hiệu quả.

Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh chụp ảnh cùng học sinh. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh chụp ảnh cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Cô Bùi Thị Thuý Quỳnh, giáo viên môn Ngữ văn tại Trường THCS Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã có những chia sẻ về phương pháp giảng dạy tạo hứng khởi cho học trò.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Cô Quỳnh bộc bạch “bén duyên” với môn Ngữ văn ngay từ cấp 2 khi được truyền cảm hứng từ bài giảng của nhà giáo Đoàn Thị Nga. Đến cuối năm cấp 3, cô Quỳnh tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý tại Trường THPT chuyên Hưng Yên nhưng vẫn thường trực tình yêu môn Ngữ văn.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Ngữ văn, cô trở về dạy học tại huyện Tiên Lữ. Với tình yêu nghề, cô Quỳnh luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy sáng tạo.

Cô ví dụ, khi một học sinh nam trong lớp được khen là “Bạn này được”, cô sẽ lấy đó làm tình huống dạy học. Lấy từ “được” làm trung tâm trong sơ đồ tư duy, cả lớp cần tìm ra những tính từ để diễn đạt từ “được” như đẹp trai, học giỏi, chăm ngoan… Mỗi tính từ này tương ứng với một ý lớn và là một đoạn văn trong bài văn miêu tả bạn nam sinh. Từ tình huống cụ thể, gần gũi này, cô Quỳnh đi vào hướng dẫn viết bài văn miêu tả hoặc nghị luận.

Gắn liền tình yêu nghề với yêu trẻ, cô Quỳnh tâm sự: “Học trò cũng như con cái với những tính cách khác nhau nên không thể áp dụng chung một phương pháp giảng dạy. Giáo viên phải kích thích sự sáng tạo của trò thông qua nhiều phương pháp tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực”.

Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh. Ảnh: NVCC.

Tại môn Ngữ văn, hiện tượng học sinh học tủ, học theo văn mẫu không hiếm. Là giáo viên, cô Quỳnh định hướng cho học sinh cách tham khảo tài liệu nhưng không học thuộc. Từ đó, trò sẽ hình thành kỹ năng phát hiện vấn đề, thể hiện quan điểm cá nhân thay vì phụ thuộc vào văn mẫu.

Để như vậy, trước hết việc giảng dạy không nên bó hẹp bởi cô đọc, trò chép. Trong 20 năm qua, cô Quỳnh đã giảng dạy môn Văn theo sơ đồ tư duy. Phương pháp này được cô tích luỹ, trải nghiệm khi học trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý thuở cấp 3.

Bài học từ tình yêu thương

Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Quỳnh hướng học sinh gắn liền môn học với thực tế đời sống. Năm học 2014-2015, cô giáo đã xây dựng Dự án dạy học tích hợp qua Tổ chức hoạt động ngoại khóa Chương trình địa phương: Thuyết minh về di tích lịch sử - văn hóa Phố Hiến. Cô tổ chức cho học sinh lớp 8 tại Trường THCS Tiên Lữ tham quan, tìm hiểu khu di tích lịch sử như Văn miếu Xích Đằng, Đền Trần, Đền Mẫu.

Sau chuyến đi, học sinh có thêm hiểu biết về khu di tích địa phương, củng cố các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm. Một số em có thể tự tin đứng trước lớp thuyết minh về khu di tích. Dự án của cô Bùi Thị Thuý Quỳnh đã giành giải Nhất cấp huyện, cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia, được Bộ giáo dục và đào tạo cấp giấy chứng nhận.

Cô Quỳnh chia sẻ: “Học Văn cũng là học cách làm người. Giáo viên phải yêu nghề, yêu trẻ, coi học sinh như con để giáo dục và nuôi dưỡng nhân cách cho các em”.

Ý thức trách nhiệm lớn lao của nghề, cô thường dành tặng học sinh những lời khen, lời khích lệ. Nếu phải phê bình, cô chọn cách diễn đạt khéo léo, nhẹ nhàng để các em không cảm thấy tủi thân hay bị đánh giá thấp.

Nhiều năm đi dạy, cô Quỳnh nhớ mãi câu chuyện về một nam sinh lớp đại trà có học lực chưa tốt. Vào giờ học, em thường gục mặt xuống bàn, không chú ý đến bài giảng. Thay vì phê bình, cô giáo đã động viên để khơi gợi tinh thần học tích cực. Được khích lệ, học trò này đã chú tâm học hành và dần tiến bộ trong học tập.

Cô giáo Thuý Quỳnh (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng khen của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Thuý Quỳnh (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng khen của tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Năm 2021, ngành Giáo dục huyện Tiên Lữ có kế hoạch biệt phái giáo viên về vùng khó khăn. Ban đầu, cô Quỳnh ngần ngại đăng ký do chồng là bộ đội biên phòng, thường xuyên vắng nhà trong khi các con cần người chăm sóc.

Tuy nhiên, biết tin Trường THCS Hưng Đạo, xã Hưng Đạo, thiếu giáo viên Ngữ văn, cô liền xung phong tham gia. Nơi đây cũng là quê chồng nên cô Quỳnh cảm thấy yên tâm, gần gũi khi về công tác từ năm học 2021-2022.

Từng công tác chung với cô Quỳnh tại Trường THCS Nhật Tân nhiều năm trước, thầy giáo Quách Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Đạo, cho biết: Dù là giáo viên biệt phái mới được phân công về trường, cô Quỳnh rất nhiệt tình, nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và chuẩn bị chu đáo đón học sinh đầu năm.

“Cô Quỳnh thường xuyên tìm tòi phương pháp giáo dục sáng tạo để thu hút và gần gũi với học sinh. Cô cũng năng nổ, nhiệt tình tham gia công tác văn nghệ và các hoạt động của nhà trường”, thầy giáo Quách Văn Thắng chia sẻ.

Ngoài giảng dạy, cô Quỳnh cũng tích cực tham gia các cuộc thi của ngành Giáo dục. Năm học 2016-2017, cô đạt giải Nhất cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” do Phòng GD&ĐT huyện Tiên Lữ tổ chức. Sang năm học 2019-2020, cô tham gia thi Thiết kế bài giảng E-learning cấp tỉnh và đạt giải Ba. Cùng năm, cô Bùi Thị Thuý Quỳnh vinh dự là một trong 65 gương mặt nhà giáo tiêu biểu Dự hội nghị tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu tỉnh Hưng Yên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.