Cô giáo Mỹ thuật 'vẽ giấc mơ' cho học trò khuyết tật

GD&TĐ - Cô giáo Huyền đã khơi dậy niềm đam mê môn Mỹ thuật cho học sinh trong trường.

Giờ học Mỹ thuật đầy trải nghiệm.
Giờ học Mỹ thuật đầy trải nghiệm.

Nghiêm túc trong công việc, tận tâm với nghề, cô Vũ Thị Thanh Huyền, giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã dìu dắt học trò đạt nhiều các giải cao môn Mỹ thuật các cấp, đặc biệt có cả học trò khuyết tật.

Khai mở chân trời mơ ước

Nhận xét về cô Huyền, cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo, cho hay: “Cô Huyền là giáo viên giỏi nghề. Dạy học trò bằng tất cả kỹ năng, kiến thức, sự nhiệt huyết và tình yêu thương. Cô giáo Huyền đã khơi dậy niềm đam mê môn Mỹ thuật cho học sinh trong trường. Nhiều em đoạt giải cao trong các kì thi cấp huyện, thành phố, quốc gia”.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền (SN 1976), sinh ra và lớn lên tại huyện Vĩnh Bảo, quê hương Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vùng đất hiếu học. Có năng khiếu mỹ thuật và yêu nghề dạy học, cô Huyền đã xin ba mẹ cho theo học sư phạm. Năm 1998, sau khi ra trường, cô Huyền xin dạy ở Trường Tiểu học xã Vinh Quang tại huyện nhà. Nhiệt huyết, đam mê, với lý tưởng cống hiến của tuổi trẻ, ngay năm đầu tiên công tác cô Huyền đã có học sinh đoạt giải cấp thành phố môn Mỹ thuật.

Năm 2000, cô Huyền theo gia đình riêng về huyện Thủy Nguyên sinh sống và công tác tại Trường Tiểu học Núi Đèo đến nay. Mặc dù dạy “môn phụ” như bao người từng quan niệm, nhưng bản thân cô giáo Huyền luôn yêu nghề và trăn trở đổi mới nhiều phương pháp giáo dục để cuốn hút học trò có niềm say mê với môn Mỹ thuật.

Chính năng khiếu hội họa cùng tâm hồn nghệ sĩ bay bổng của cô giáo đã truyền cảm hứng cho lớp lớp học trò. Mỗi giờ học Mỹ thuật với cô Huyền là một giờ trải nghiệm, học trò thỏa trí tưởng tượng với cọ, màu, sáp. Bao chân trời mơ ước đã mở ra từ đó.

Cũng chính tâm hồn bay bổng mà cô Huyền được đồng nghiệp trong trường đặt cho biệt danh “Huyền mơ”. “Mơ ở đây là luôn mơ về một lý tưởng, một lẽ sống tích cực để giúp học sinh có niềm say mê trong học tập. Đặc biệt, với trò nghèo, khuyết tật tôi mơ ước có đủ sức mạnh và thời gian để bù đắp những thiệt thòi cho các em”, cô Huyền trải lòng.

“Mình rất yêu trẻ con, những ánh mắt trong veo, những câu chuyện hồn nhiên của học trò chia sẻ đều được mình lắng nghe. Đó là niềm vui mỗi ngày đến lớp và đó cũng là cách để mình hiểu các em hơn”, cô Huyền chia sẻ về bí quyết sư phạm của mình.

Theo cô Huyền, muốn có học sinh học tốt môn Mỹ thuật thì trước hết thầy cô phải luôn tận tâm lắng nghe để thấu hiểu. Khi phát hiện nhân tố có năng khiếu, thầy cô khuyến khích gia đình học sinh tạo điều kiện thuận lợi để các em có cơ hội tiếp cận với hội họa. Bản thân học sinh cần nghiêm túc học tập và mạnh dạn bày tỏ mong muốn cũng như thể hiện đam mê.

Cô Vũ Thị Thanh Huyền tận tình hướng dẫn học sinh trong một giờ mỹ thuật.
Cô Vũ Thị Thanh Huyền tận tình hướng dẫn học sinh trong một giờ mỹ thuật.

“Lòng tốt là ngôn ngữ người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy”

Câu chuyện về cô học trò Mai Ngọc Tuyền, học sinh câm điếc học hòa nhập tại Trường Tiểu học Núi Đèo là minh chứng rõ nét cho việc đánh thức tài năng học trò của cô Huyền.

Tuyền là cô bé khuyết tật đầy nghị lực, thông minh và rất đáng yêu. Em không thể nghe thấy âm thanh nhộn nhịp của cuộc sống và cũng không diễn tả những cung bậc cảm xúc bằng lời nói. Tất cả chỉ có thể biểu đạt qua đôi mắt và bàn tay. Tuyền vẽ rất đẹp, chăm chỉ và đầy đam mê. Cô Huyền đến bên em như người bạn tâm giao, người mẹ dạy dỗ em ân cần, cầm tay em qua từng nét vẽ. Cảm nhận được sự yêu thương của cô, Tuyền đã nỗ lực và tiến bộ từng ngày.

Cô Huyền đã giúp em thể hiện các cung bậc cảm xúc của em thông qua hình mảng, đường nét và màu sắc. Cô Huyền kể, những ngày đầu cô trò giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, bằng cảm xúc trên gương mặt, bằng ngôn ngữ hình thể và bằng những hình vẽ mang tính tượng hình.

Thời gian sau, được sự quan tâm của nhà trường và ngành Giáo dục thành phố, cô Huyền theo học lớp ngôn ngữ kí hiệu hỗ trợ trẻ khuyết tật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đó việc giao tiếp cô trò đã dễ dàng hơn.

Dưới sự kèm cặp hướng dẫn tận tình của cô Huyền, Tuyền từ chỗ mặc cảm, tự ti trở nên yêu trường, yêu lớp. Và thành quả cho quá trình kèm cặp, chỉ bảo ấy là Tuyền đã đoạt rất nhiều giải quốc gia. Trong đó, ấn tượng nhất là cuộc thi vẽ tranh về Bác Hồ, người mà cô, trò hằng kính mến.

Không chỉ quan tâm tới học sinh khuyết tật, với những học sinh có hoàn cảnh éo le cô Huyền cũng dành nhiều thời gian chia sẻ, quan tâm. Cô mong bù đắp được phần nào thiệt thòi cho các trò có hoàn cảnh bất hạnh.

Học sinh Trần Linh Chi lớp 5A1 sống cùng ông bà nội. Biết được hoàn cảnh của Linh Chi, thương nên cô Huyền đã hết lòng động viên, tận tâm bồi dưỡng. Linh Chi không phụ công cô, em đã 3 lần đoạt giải thi vẽ cấp quốc gia, nhiều lần đoạt giải cấp thành phố.

Hơn 20 năm trong ngành, cô Huyền vẫn cần mẫn, đam mê và tâm huyết với sự nghiệp. Cô Huyền cho rằng, cô sẽ luôn lấy sự tử tế, yêu thương làm lẽ sống như nhà văn Mark Twain nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”.

Cô Vũ Thị Thanh Huyền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp thành phố, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền. Đặc biệt, cô Huyền đã đoạt giải Nhất tại Hội thi “Viết chữ đẹp” cấp thành phố và được phòng GD&ĐT huyện tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn Mỹ thuật toàn huyện.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tặng Bằng khen Giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tặng chứng nhận Gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu cấp thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.