10 năm “gieo chữ” ở ngôi trường dạy trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Nếu chứng kiến một ngày làm việc của những thầy, cô giáo chuyên biệt dạy dỗ trẻ khuyết tật mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề vừa dạy người, vừa dạy chữ này.

Cô Lê Thị Giang trong giờ lên lớp của mình.
Cô Lê Thị Giang trong giờ lên lớp của mình.

Nếu chứng kiến một ngày làm việc của những thầy, cô giáo chuyên biệt dạy dỗ trẻ khuyết tật mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề vừa dạy người, vừa dạy chữ này.

Đối với những giáo viên dạy trẻ khuyết tật, họ không đơn thuần là những giáo viên dạy chữ mà là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng những trẻ không được may mắn có cuộc sống như bao đứa trẻ khác.

Dạy học là cái “duyên” và dạy bằng tình yêu thương

Cô Giang ra bài tập cho các em học sinh
Cô Giang ra bài tập cho các em học sinh

Có mặt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng nơi có hàng chục  giáo viên đang ngày đêm dạy học cho hơn hàng trăm trẻ em bị khuyết tật như: khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ... Những lớp học nơi đây, được xem là nơi thử thách nghề và lòng yêu thương những em có hoàn cảnh đặc biệt.

Sau phần giảng bài của mình, cô là Lê Thị Giang (SN 1987, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cầm phấn viết lên bảng những bài tập tiếng Việt để các em học sinh tập giải.

Cô Giang cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở Bố Trạch, Quảng Bình, nhà có 3 anh chị em. Ngay từ nhỏ, cô Giang đã thấy những mảnh đời bất hạnh của các em nhỏ không may bị khuyết tật thông qua tivi và báo chí. “Nhìn những đôi mắt ngây thơ có phần khờ dại của trẻ khuyết tật, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của các em và nỗi đau dằn vặt của những bậc phụ huynh có con bị khiếm khuyết, tôi cảm thấy day dứt. Tôi tự nhủ nhất định phải làm điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống này để giúp đỡ các em”, cô Giang nói.

Tận tình chỉ dạy cho các em học sinh không may bị khuyết tật cơ thể.
Tận tình chỉ dạy cho các em học sinh không may bị khuyết tật cơ thể.

“Để biến ước mơ của mình thành sự thật, tôi đã chọn thi ngành Giáo dục đặc biệt (Trường đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng) nhằm xây dựng cho bản thân một nền tảng kiến thức vững chắc, để thực hiện những ước mơ, hoài bão ấp ủ từ lâu. Khi gia đình biết đăng ký vào ngành này nên không cho và phản ứng. Nhưng tôi đã thuyết phục gia đình và gia đình đã đồng ý. Sau đó, tôi trúng tuyển và theo học ngành này”, cô Giang tâm sự.

Theo lời cô Giang, trong thời gian học tại trường Đại học Sư phạm, cô thường xuyên qua Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng) để giảng dạy, phụ giúp các em đang học nơi đây. Đến năm 2010, sau khi tốt nghiệp loại Giỏi ngành Giáo dục đặc biệt, cô đã xin về Trường để giảng dạy và từng bước hoàn thành ước mơ của mình ấp ủ bấy lâu nay.  

Do học sinh bị khiếm thính nên phải dùng bằng ngôn ngữ và ký hiệu riêng giảng dạy.
Do học sinh bị khiếm thính nên phải dùng bằng ngôn ngữ và ký hiệu riêng giảng dạy. 

Cô Giang nhớ lại, những ngày mới bước vào công việc tại đây, cô thật sự lo lắng. Sở dĩ, nhiều học sinh lớp cô phụ trách tuy đã lớn nhưng một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét, không hiểu ý của giáo viên.

“Ngay khi bắt đầu vô công việc giảng dạy, tôi hơi bị áp lực và lo lắng. Bởi vì trong một lớp học thì có nhiều học sinh bị khuyết tật khác nhau như: tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị... để truyền tải được kiến thức thì phải nỗ lực rất lớn, mỗi em bị khuyết tật đều có một phương pháp dạy khác nhau, nên khá là vất vả. Và đặc biệt phải nắm được tâm lý của từng em và thật sự yêu thương các em cũng như yêu thương nghề mới có thể truyền đạt một cách tốt nhất được”, cô giáo Giang chia sẻ.

Vất vả là vậy, nhưng bằng tình thương, sự chia sẻ, cô Giang dần vượt qua mọi khó khăn và thử thách để bước tiếp trên con đường “gieo chữ” cho những đứa trẻ không may bị khuyết tật khi chào đời.

Nhìn gương mặt phúc hậu và ánh nhìn trìu mến của cô Giang khi chăm sóc những đứa trẻ bệnh tật khiến bất cứ ai cũng thấy ấm lòng. Cô thương và chăm sóc những đứa trẻ như chính con, những đứa cháu của mình. 10 năm gắn bó với Trung tâm, cô hiểu được nỗi đau về thể xác mà những đứa trẻ không lành lặn phải trải qua.

“Nhìn những gương mặt ngây ngô, khờ dại vì mang trong mình một căn bệnh mà không ai hề muốn, đó cũng là những nỗi đau đối với những đấng sinh thành, khi con mình không may gánh chịu. Chính vì điều đó đã thôi thúc tôi không được phép dừng lại, không được phép bỏ cuộc dù là khó khăn đến chừng nào đi chăng nữa, tôi cũng phải cố gắng”, cô Giang bộc bạch.

Một ngày các em tiến bộ là một ngày vui và ý nghĩa

Đối với cô Giang, được giảng dạy và giúp đỡ các em bị khuyết tật biết chữ và tiến bộ mỗi ngày, đó là một niềm vui và hạnh phúc.
Đối với cô Giang, được giảng dạy và giúp đỡ các em bị khuyết tật biết chữ và tiến bộ mỗi ngày, đó là một niềm vui và hạnh phúc.

Cô Giang nhớ lại “Lúc mới về trường có em học sinh là Nguyễn Huỳnh Xuân Phong bị khiếm thị. Sau thời gian được dạy chữ nổi, em Phong viết dòng chữ đầu tiên của mình là: “Con yêu cô Giang nhiều lắm”. Thật sự khi đọc dòng chữ này tôi đã rơi nước mắt vì xúc động. Tôi thương cho số phận của các em rất nhiều khi không may bị khiếm khuyết khi sinh ra đời”.

Cô Giang chia sẻ, để dạy tại môi trường đặc biệt này, ngoài cái duyên đến với nghề dạy học là một chuyện, chuyện còn lại chính là sự lựa chọn của mình. Nếu một ngày cô Giang cùng đồng nghiệp của mình làm những công việc cho các em khuyết tật có tiến bộ và phát triển, thì đó chính là niềm vui lớn và một ngày ý nghĩa và hạnh phúc nhất đối với cô Giang cũng như các thầy cô Trung tâm.

Cô Giang với những nét chữ dạy học cho các em bị khuyết tật.
Cô Giang với những nét chữ dạy học cho các em bị khuyết tật.

“Mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau, nếu ai cũng chọn con đường bằng phẳng thì không biết các em khuyết tật sẽ đi về đâu trong cuộc sống này. Dạy tại nơi đây như là một sự sẻ chia, một niềm thương yêu với những số phận không được may mắn trong cuộc sống. Mình xem các em nơi đây như là các em các cháu trong gia đình, cố gắng làm những điều tốt nhất cho các em dạy cho các em có cái chữ, có được những kỹ năng sống. Đấy chính là niềm vui của mình”, cô Giang cười nói.  

Trao đổi với PV báo GD&TĐ, cô Đỗ Thị Đỗ Quyên – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho hay, cô Giang là một giáo viên rất có tâm huyết và toàn tâm toàn ý với nghề.

Xem các em nơi đây như là các em các cháu trong gia đình.
Xem các em nơi đây như là các em các cháu trong gia đình.

“Trong thời gian giảng dạy tại trung tâm, cô Giang rất hay học hỏi, rất tích cực trong các hoạt động của trung tâm. Ngoài ra, hay hỗ trợ cho các phụ huynh có con em bị khuyết tật cũng như hỗ trợ rất nhiều cho các đồng nghiệp trong công việc. Có thể nói cô Giang là một trong những giáo viên nổi trội nhất của Trung tâm”, cô Quyên thông tin.

Có thể thấy rằng, các giáo viên dạy trẻ khuyết tật là những người thầm lặng nhất, kiên trì nhất và giàu lòng bao dung nhất. Đổi lại nổi vất vả, những giọt mồ hôi của các thầy cô, nhiều em nhỏ đã tiến bộ lên từng bước. Mỗi bước tiến nhỏ của các em là niềm hạnh phúc với những người làm nghề trồng người. Bởi thêm một bước tiến là các em bớt đi một chút thiệt thòi, để từ đó các em có thêm cơ hội và tự tin bước vào đời. 

Từ năm 2013 đến năm 2019, giáo viên Lê Thị Giang đạt thành tích là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Năm 2016, giáo viên Lê Thị Giang đạt Giải nhất giáo viên giỏi cấp thành phố Đà Nẵng. Cũng trong năm 2016, cô Lê Thị Giang đạt Giải nhất cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố Đà Nẵng. 

Năm 2019, cô Lê Thị Giang đạt giải Nhà giáo tiêu biểu TP Đà Nẵng.

Ngày 23/9/2020, cô Lê Thị Giang là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VII ngành giáo dục, do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ