Nữ nhà giáo dành trọn tình yêu cho học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Với nhiều cống hiến trong gần 30 năm công tác, cô Lê Thanh Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” năm 2021.

Với học trò, cô Thanh Hà luôn có sự gần gũi, chia sẻ nên được phụ huynh, học sinh quý mến.
Với học trò, cô Thanh Hà luôn có sự gần gũi, chia sẻ nên được phụ huynh, học sinh quý mến.

Sáng tạo trong quản lý, giảng dạy

Tâm sự với chúng tôi, cô Lê Thanh Hà bày tỏ niềm vui và xúc động khi nhận được danh hiệu cao quý mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước phong tặng. Trong tâm trí của vị nữ hiệu trưởng, dù ở vai trò giáo viên hay quản lý thì tấm lòng yêu thương dành cho học trò không bao giờ vơi cạn. Để giáo dục học sinh bình thường, giáo viên vốn vất vả. Nhưng với trẻ khuyết tật học hòa nhập, gian nan dường như gấp bội và đòi hỏi thầy cô giáo phải thực sự có lòng yêu nghề, kiên trì và phương pháp sư phạm đúng đắn mới đạt được hiệu quả cao.

Cô Thanh Hà cho hay: Trường tiếp nhận học sinh bình thường và trẻ chậm phát triển trí tuệ học hòa nhập. Riêng học sinh hòa nhập là trên 200 em và được chia về các lớp khác nhau. Trong bối cảnh dịch bệnh phải dạy học online, mỗi học sinh được thầy cô dạy theo cách riêng. Với học sinh khuyết tật nặng và khả năng nhận thức kém, bên cạnh việc dạy các môn Toán, Tiếng Việt, phụ huynh đăng ký chọn môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tiếng Anh. Dựa trên số lượng phụ huynh đăng ký ở từng môn, trường sẽ thành lập những câu lạc bộ riêng để thầy trò cùng học với nhau qua ứng dụng Zoom.

Từ hướng đi đó, cô Hà đã chỉ đạo giáo viên linh hoạt các phương pháp khi dạy trực tuyến cho học sinh để đạt kết quả tốt nhất có thể. Theo đó, ngoài thời khóa biểu học online chung, giáo viên một số lớp sẽ dành ra hai buổi để kèm riêng cho các em hòa nhập. Mỗi tiết chỉ kéo dài từ 25 - 30 phút. Với môn Tiếng Việt chỉ có thể dạy các em biết đọc và hiểu những câu đơn giản. Toán học tới bảng cộng, trừ trong phạm vi 20, các em chỉ cần nhớ được số là đạt. Với chương trình mới, trẻ hòa nhập học lớp 2 lại càng vất vả vì cần nhiều thời gian hơn so với trẻ thường. Mỗi em lại có khả năng nhận thức ở từng môn khác nhau nên giáo viên phải dạy bằng cái tâm của nghề và quan tâm đến từng học sinh.

Cô Lê Thanh Hà trong dịp đón nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú tại Hà Nội.
Cô Lê Thanh Hà trong dịp đón nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú tại Hà Nội. 

Tâm huyết với giáo dục hòa nhập

Theo cô Thanh Hà, dạy trẻ hòa nhập đòi hỏi các thầy cô giáo phải thực sự tâm huyết và yêu trẻ mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Không chỉ thành thạo kĩ năng chuyên môn, các thầy cô còn phải dùng chính tình cảm yêu thương của mình để thấu hiểu, cảm hóa hành vi của các em.

Trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, học sinh lớp 1 và lớp 2 học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nhà trường đã và đang biên soạn, lựa chọn tư liệu phù hợp để dạy cho từng đối tượng. Các giáo viên sẽ bám vào nội dung chương trình, sách giáo khoa mới để chọn lọc nội dung thích hợp dạy cho trẻ hòa nhập. Do đó, cô Lê Thanh Hà bày tỏ mong muốn, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành bộ giáo trình riêng để dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Là phụ huynh có hai con học tại Trường Tiểu học Bình Minh, chị Đinh Thị Mai Phương tâm sự: “Cô Thanh Hà có nụ cười hiền hậu và hay đứng đón học sinh ngoài cổng trường từ sớm. Với học sinh hòa nhập, có cháu muốn với lên định sờ má thì cô cúi ngay xuống cười âu yếm. Tôi thấy hành động ấy rất đáng yêu, ấn tượng nên quyết định xin cho con vào đây học. Ngày 20/11 mong cô luôn vui vẻ để mang hạnh phúc đến các con và gia đình”.

Anh Phạm Quang Hưng, phụ huynh có con từng học tại trường chia sẻ: Trong những năm con theo học ở đây, cô hiệu trưởng luôn nhiệt tình trong công việc, giỏi trong quản lý. Với học sinh khuyết tật học hòa nhập, việc quản lý, dạy dỗ các em đòi hỏi sự tâm huyết, đầu tư thời gian công sức hơn nhiều so với trẻ thường. Cô Hà đã cùng tập thể nhà trường đưa mảng giáo dục học sinh khối hòa nhập trong trường đạt được những kết quả tích cực.

Nói về người đồng nghiệp -  lãnh đạo của mình, cô Nguyễn Thị Thu Nga - giáo viên lớp 2B2 Trường Tiểu học Bình Minh chia sẻ: Cô Lê Thanh Hà luôn được các thầy cô, học sinh và phụ huynh yêu quý. Ngoài năng lực lãnh đạo và chuyên môn giỏi, cô Hà thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những giáo viên trẻ mới vào nghề để sớm bắt kịp với công việc. Trong gần 30 năm hoạt động, những cống hiến của cô Hà với mái trường là điều không thể phủ nhận, xứng đáng là tấm gương để các thế hệ giáo viên học tập, noi theo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.