Cô giáo miền Tây sáng tạo với giờ học ngoại khóa

GD&TĐ - Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cô giáo Đặng Thị Huế Anh, giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân Trường THPT Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo, Tiền Giang) luôn phấn đấu và rèn luyện để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Cô Huế Anh luôn được học trò yêu quý. Ảnh: NVCC
Cô Huế Anh luôn được học trò yêu quý. Ảnh: NVCC

Gần gũi để hiểu học sinh hơn

Sinh ra và lớn lên tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành (Long An), nhưng cô Huế Anh có duyên gắn bó với Tiền Giang như quê hương thứ hai. Ngay từ nhỏ, cô đã ước mơ trở thành cô giáo, vì vậy năm 2001, sau khi tốt nghiệp THPT, Huế Anh dự thi vào Khoa Văn Trường Đại học sư phạm TPHCM. Nhưng niềm vui chưa mỉm cười với cô.

Huế Anh đỗ Khoa Phóng viên – Biên tập Trường Trung cấp Phát thanh Truyền hình II (nay là Trường Cao Đẳng Phát thanh Truyền hình II). Vừa học lớp phóng viên, vừa tự ôn để thỏa mong ước được đứng trên bục giảng, năm sau cô thi đỗ ngành Sư phạm GDCD Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Đại học Cần Thơ). Tuy nhiên, cô bảo lưu kết quả và học xong ngành phóng viên, bởi cô nghĩ những kiến thức học được sẽ giúp cho cô rất nhiều trong 4 năm đại học. Sau 4 năm học tập và rèn luyện, Đặng Thị Huế Anh tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi. Với mong muốn được nâng cao kiến thức, cô lại tiếp tục theo học lớp sau đại học chuyên ngành Chính trị học tại Trường Đại học Vinh và tốt nghiệp với tấm bằng Giỏi.

Năm 2007, Huế Anh được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Bình Phục Nhứt. Chia sẻ về những năm tháng đầu tiên đó, cô tâm sự: “Chân ướt chân ráo mới về trường, tôi được Ban giám hiệu phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 11A1. Đây là lớp có nhiều học sinh có thể gọi là cá biệt. Trong một tiết sinh hoạt chủ nhiệm, em Nguyễn Minh Thông đã bị hạ hạnh kiểm loại trung bình do vô lễ giáo viên bộ môn Văn. Em không đồng ý, đứng dậy bỏ về. Tôi lúc ấy trơ người ra, không biết làm gì và bật khóc. Ngay sau đó, em Lê Văn Tới chạy theo giữ Thông lại và kéo vào lớp. Không biết hai em đã nói với nhau những gì, nhưng khi vào lớp em Thông thì đứng khoanh tay, em Tới hát bài Sorry (nhạc sĩ Vương Khang), vừa hát vừa tiến lại bàn giáo viên cầm bình hoa trên bàn đem đến tay tôi, cả lớp vừa vỗ tay vừa hát theo làm tôi đỏ cả mặt”. 

Tuy nhiên cũng từ sự việc đó khiến tôi luôn trăn trở và đã tự nhủ với lòng mình: Phải thật sự cân nhắc kỹ càng khi đánh giá hạnh kiểm của các em, vì lúc vi phạm các em đang ở độ tuổi vô tư nhất. Sau này, em học sinh đó thành đạt và vẫn luôn biết ơn sự dạy bảo tận tình của cô giáo. Những kỷ niệm như vậy khiến tôi luôn trăn trở và nhủ lòng: Mình phải thực sự quan tâm, gần gũi với học sinh để có thể hiểu và dìu dắt các em tiến bộ.

Cô Đặng Thị Huế Anh. Ảnh: NVCC
Cô Đặng Thị Huế Anh. Ảnh: NVCC

Tận tụy với nghề

Nhắc đến cô giáo Đặng Thị Huế Anh, học sinh, phụ huynh cũng như những đồng nghiệp trong trường ai cũng quý mến. Họ biết đến cô bởi lòng yêu nghề, sự hăng say trong nghề nghiệp, bởi sự tận tụy, nhiệt tình trong công tác. Năm 2008, với một trường ở nông thôn như Trường THPT Bình Phục Nhứt, việc cho học sinh quan sát tín hiệu đèn giao thông là việc rất hiếm hoi. Để dạy các em các kỹ năng về an toàn giao thông, cô Huế Anh quyết định thực hiện một sáng kiến đó là: Thiết kế bộ đèn tín hiệu giao thông tại trường cho các em học ngoại khóa

Nhờ sự hỗ trợ từ người bạn đời, cô cùng học trò đã có một mô hình tín hiệu đèn giao thông ba màu đẹp mắt cùng với hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. Những buổi học ngoại khóa sôi nổi đã giúp cho các em hiểu và thực hiện việc tham gia giao thông đúng luật và an toàn. Sau đó sáng kiến này khi tham gia cuộc thi “Thiết kế đồ dùng dạy học” năm 2014 - 2015 đoạt giải C cấp tỉnh. Năm đó cô cũng được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2018 - 2019, cô có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp cơ sở với đề tài: “Các hình thức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm” cô cũng được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Cô Huế Anh còn đoạt giải Khuyến khích cuộc thi bài giảng E-Learning của giáo viên THPT.

Nhận xét về người đồng nghiệp trẻ của mình, thầy Nguyễn Hồ Anh Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phục Nhứt cho biết: Cô Huế Anh là cô giáo luôn gương mẫu và đi đầu trong mọi công tác của trường. Nhiều năm liền cô làm tốt vai trò giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT Tiền Giang. Cô là một trong những giáo viên luôn say với nghề, nhiệt tình tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Với cách đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin cô đã tạo nên những giờ học sôi nổi, hấp dẫn với học sinh. Các giờ dạy của cô luôn có những tìm tòi đổi mới, ngoài việc truyền thụ các kiến thức cô còn kết hợp, lồng ghép trang bị những kỹ năng thiết yếu cho các em. Trong công tác chủ nhiệm cô giáo Huế Anh hết lòng vì học sinh nên được các em rất yêu mến tin cậy. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu cô đã khẳng định được năng lực và thành tích chuyên môn vững vàng của mình. Vì vậy, đầu năm học mới này cô đã được Sở GD&ĐT Tiền Giang điều động về công tác tại Trường THPT chuyên Tiền Giang đó cũng là niềm tự hào cho cô giáo và nhà trường. 

Những thành công có được chính là nền tảng, động lực để cô Huế Anh tiếp tục phấn đấu, làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình. Những cố gắng nỗ lực của cô góp phần không nhỏ vào bảng thành tích của nhà trường và góp phần giáo dục bồi dưỡng những mầm xanh cho tương lai.

Với kiến thức được học ở trường, kinh nghiệm đúc kết từ công việc thực tế và không ngừng học hỏi bạn bè đồng nghiệp, những thế hệ đi trước, cô Huế Anh được đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Trong những giờ lên lớp, cô luôn tạo tình cảm thân thiện, gần gũi với học trò, giúp các em có hứng thú và niềm đam mê trong học tập và rèn luyện… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.