Cô giáo mầm non với những ước mơ giản dị cho trẻ H’Mông

GD&TĐ - Trình bày tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành GD lần thứ VII, cô giáo Sung Thị Tông, người con dân tộc H’Mông kể về kinh nghiệm tạo hứng thú để trẻ tới lớp, tới trường...

Cô giáo Sung Thị Tông trình bày tham luận tại Đại hội.
Cô giáo Sung Thị Tông trình bày tham luận tại Đại hội.

Quyết tâm thực hiện ước mơ làm cô giáo

Cô giáo Sung Thị Tông sinh ra và lớn lên tại bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, người dân tộc H’Mông. Cô là một trong 7 đứa trẻ may mắn nhất trong bản khi được cắp sách tới trường trong điều kiện vô vàn khó khăn.

Cô cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo đem tri thức truyền đạt lại cho thế hệ trẻ thơ nơi mình sinh ra. Và năm 2016 cô đã trở thành giáo viên mầm non, xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy.

Bản Mùa Xuân có 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, cách điểm trường chính và trung tâm xã 22 km, giáp với Lào. Là một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá: không điện - không đường - không trạm, nghèo đói, lạc hậu... vẫn luôn đeo bám. Đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương.

“Để đến với điểm trường Mùa Xuân, tôi phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm, có nhiều đoạn chiều ngang chỉ khoảng nửa mét, 1 bên là núi, 1 bên là vực... Mùa khô, nếu đi xe máy sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất 1 ngày. Những khó khăn đó không làm chùn bước mà càng thôi thúc tôi nhanh đến điểm trường hơn.”, cô Sung Thị Tông tâm sự.

Tận mắt thấy những thiếu thốn của điểm trường, cô Sung đã trăn trở tìm cách giúp những đứa trẻ nơi đây bớt khổ, bớt đói, có đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cần thiết, đáp ứng các yêu cầu của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

“Tôi quyết định tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường tìm cách kết nối với các cá nhân, đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho trẻ. Và những nỗ lực của tôi đã được đền đáp.”, cô Sung phấn khởi cho biết.

Không có khó khăn nào có thể cản bước chúng tôi

Vượt qua những khó khăn trên hành trình vận động các gia đình đưa trẻ đến trường, rào cản về ngôn ngữ khi dạy học tại nơi mà 100% học sinh đều là người dân tộc thiểu số và chỉ quen nói tiếng mẹ đẻ…, cô Sung ước mong những đứa trẻ nơi đây được vui học trong ngôi trường đầy đủ đồ chơi, trang thiết bị cần thiết, được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, được đến trường trên con đường bằng phẳng - những điều bình thường mà trẻ em ở nơi khác dễ dàng có được.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực hàng ngày để mang đến cho trẻ em điểm trường Mùa Xuân và Xía Nọi những hy vọng mới, luồng ánh sáng mới và được phát triển toàn diện phù hợp với lứa tuổi, góp phần đưa đơn vị tiếp tục duy trì và giữ vững về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…

Tôi mong rằng, bản làng nơi đây sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm… giúp bà con giảm dần khoảng cách với những vùng thuận lợi. Để trẻ em được vui chơi, học tập trong những điều kiện tốt nhất, giúp bản Mùa Xuân và Xía Nọi ngày càng trở nên tươi đẹp, tràn đầy sức sống Mùa Xuân.”, cô giáo Sung Thị Tông trải lòng.

Với 100% người dân nơi đây đều là đồng bào dân tộc H’Mông, trẻ đến trường đều giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, không hiểu được tiếng Việt nên các hoạt động trên lớp chưa thu hút được sự tham gia của trẻ. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ. Để làm được điều đó tôi vừa nói tiếng phổ thông, vừa phiên âm ra tiếng H’Mông để giải thích cho trẻ, tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất; tôi dạy trẻ đến lớp được học chữ, tô màu, hát múa…

Ngoài ra, tôi đã sử dụng giấy màu, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương (vỏ cây, hột hạt, lá rừng, sỏi…) và nhờ sự hỗ trợ của các phụ huynh để tạo môi trường lớp học thật phong phú, đẹp mắt bằng các hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu nhằm đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ; tạo điều kiện cho trẻ khi đến lớp vừa được chơi, vừa được học. Song song với việc xây dựng môi trường vật chất, tôi luôn xây dựng môi trường giao tiếp thân thiện giữa tôi với trẻ, với phụ huynh; tôi luôn luôn dành cho trẻ những cử chỉ âu yếm, lời nói nhẹ nhàng… tạo niềm hứng khởi cho trẻ mỗi khi đến lớp và điều đặc biệt mỗi sáng mai thức dạy, trẻ thích được đến trường cùng cô và các bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.