Cô giáo mầm non viết cổ tích giữa đời thường

GD&TĐ - Lần đầu tiên gặp cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh (phân hiệu Sảng Pả, Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), tôi khá ấn tượng về hình ảnh một cô giáo có vẻ ngoài mộc mạc đến lam lũ, dáng vẻ gầy guộc, nhưng luôn trò chuyện cởi mở, nụ cười hiền từ. 

Cô giáo mầm non viết cổ tích giữa đời thường

Chuyện cô giáo Minh tình nguyện nhận đón 4 em nhỏ người Mông về nhà mình ở hơn 3 tháng qua, đưa đón các cháu đi học hàng ngày giống như trong một câu chuyện cổ tích có thật ở trên đời…

Ấm áp tình người nơi phố núi

Nhìn 4 đứa trẻ vô tư đùa nghịch, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh trầm tư kể lại câu chuyện: Nhà các cháu ở xa lắm, tít trên đỉnh núi Sảng Pả, đường đi lại khó khăn lắm, phải đi bộ gần hai tiếng mới tới nơi. Trong 4 cháu thì có 2 chị em ruột là Cư Thị Chứ (2 tuổi); Cư Thị Gió (4 tuổi); còn 2 cháu khác là Cư Seo Mùi (4 tuổi); Cư Văn Hải (4 tuổi).

Trước Tết Nguyên đán 2017, ở Sảng Pả trên, chỉ có 2 cháu mầm non 5 tuổi đi học nhờ ở điểm trường tiểu học, còn 4 cháu vẫn chưa được học mầm non. Khi có chủ trương xóa phân hiệu này để đưa toàn bộ HS về phân hiệu dưới học tập, cô phải động viên rất nhiều, bố mẹ các cháu mới đồng ý cho con xuống núi đi học. Nhưng phân hiệu Mầm non Sảng Pả không có phòng ở cho các cháu, nên các gia đình phải tất bật tìm chỗ gửi con. Nhìn cảnh lũ trẻ nheo nhóc khổ quá, cô nói muốn đón các cháu về nhà mình ở. Bố mẹ các cháu rất phấn khởi bảo có cô giáo rồi thì không phải lo gì nữa, nên gửi con ở lại để về trồng ngô, cuối tuần mới xuống đón con về nhà.

Khi mới được đón về nhà cô, cháu nào mặt mũi cũng nhem nhuốc, quần áo không đủ mặc, đầu tóc thì bù xù vì bố mẹ bận làm nương ít quan tâm đến. Giờ thì cháu nào cũng tăng được 1 - 2 kg rồi, nhìn sáng sủa ra nhiều lắm. Vui nhất là các cháu rất ngoan, tới bữa cơm đều biết mời cô ăn cơm, tự cầm bát xúc cơm ăn, gặp người lạ đều biết chào hỏi bằng tiếng phổ thông rành rẽ.

Tìm hiểu kỹ mới thấy tình cảm lớn đến thế nào của cô giáo với các học trò của mình. Hầu như sáng nào cô Minh cũng dậy từ lúc gà chưa gáy để chuẩn bị nấu cơm cho lũ trẻ ăn. Sau đó, trên chiếc xe máy cũ kỹ, cô chở 4 con vượt chặng đường 6 km để đến phân hiệu Mầm non Sảng Pả. Đêm nào cũng vậy, trên chiếc giường nhỏ, 4 cháu nằm ngủ phía trên, còn cô nằm ngang dưới chân chúng ở cuối giường. “Không phải nhà thiếu giường, mà tôi không yên tâm để các con ngủ một mình, nên ngủ cùng để đêm rét còn đắp chăn ấm cho lũ trẻ, dỗ dành các con khi con nào giật mình quấy khóc” - cô Minh tâm sự.

Có một kỷ niệm mà cô Minh nhớ mãi. Đó là vào một đêm mùa đông giá rét, cháu Cư Thị Chứ bị viêm phổi, 2 giờ đêm bị sốt cao, khó thở, tình trạng rất nguy hiểm. Không quản đêm khuya, cô khẩn trương đưa con ra trạm y tế thị trấn Phong Hải cấp cứu. Đêm ấy, cô Minh thức trắng để chăm sóc con. Sáng sớm thì bố mẹ cháu Chứ là anh Cư Seo Hảng, chị Ly Thị Dậu từ trên Sảng Pả xuống đến nơi. Điều đáng nói là hai anh chị kết duyên đã lâu, nhưng do không hiểu luật pháp nên chưa đăng ký kết hôn, bản thân anh Hảng cũng không có giấy chứng minh thư nhân dân. Những ngày sau đó, cô Minh lặn lội lấy xe máy đưa hai vợ chồng anh Hảng vượt hàng chục km ra huyện Bảo Thắng chụp ảnh, làm chứng minh thư nhân dân cho anh Hảng, rồi về UBND thị trấn Phong Hải đăng ký kết hôn cho hai vợ chồng, làm thủ tục đăng ký khai sinh và làm thẻ bảo hiểm y tế cho cháu Chứ.

Nghị lực vượt qua nghịch cảnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải, cho biết cô giáo Minh có hoàn cảnh riêng éo le, vất vả, nhưng hiếm thấy ai yêu nghề, mến trẻ, tận tụy chăm lo cho HS như cô Minh. Đến nay, cô Minh đã có gần 30 năm làm giáo viên mầm non ở thị trấn Phong Hải, trong đó 5 năm gần đây tuy tuổi đã cao nhưng cô vẫn tình nguyện công tác ở các điểm trường vùng cao của Phong Hải như phân hiệu Sín Thèn, Sảng Pả. Năm 2010, chồng cô Minh bị tai biến mạch máu não qua đời, cô vừa công tác ở vùng cao, vừa một mình tần tảo nuôi hai con ăn học. Giờ đây, con gái cả của cô đã lập gia đình và làm việc ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, còn con trai cô mới tốt nghiệp Trường ĐH Điện lực Hà Nội, chưa có việc làm ổn định, đang phải làm thuê trên thành phố; còn cô sống một mình trong căn nhà nhỏ tại thị trấn Phong Hải.

Người ta bảo số cô Minh vất vả, vì lúc nào cũng thấy cô tất bật, lo lắng đủ thứ công việc, từ việc nhà đến việc cơ quan. Mà việc gì cô làm cũng nhanh, cứ thoăn thoắt. Đường lên Sảng Pả trên khó đi là vậy, nhưng có tháng, cô Minh lên Sảng Pả tới 3 - 4 lần để vận động HS đi học. Nhờ có sự kiên trì thuyết phục của cô Minh, mà các hộ đồng bào Mông ở trên đỉnh núi mới đồng ý cho con xuống phân hiệu dưới học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.