Cô giáo Kenya chiến thắng hủ tục

GD&TĐ - Ngay phút lọt lòng mẹ, cuộc đời của Kakenya Ntaiya đã bị ấn định vào hủ tục: Đính hôn năm 5 tuổi, nghỉ học khi dậy thì và lấy chồng, sinh con.

Trong trường lớp của Ntaiya, 100% học sinh nữ thoát khỏi hủ tục cắt âm vật và tảo hôn. Ảnh: IT
Trong trường lớp của Ntaiya, 100% học sinh nữ thoát khỏi hủ tục cắt âm vật và tảo hôn. Ảnh: IT

Tuy nhiên, bằng tinh thần kiên cường, Ntaiya đã phá vỡ sự sắp đặt này ở tuổi 12, tự vạch ra tương lai, trở thành nhà giáo mang cảm hứng và tạo cơ hội cho hàng trăm bé gái Kenya theo đuổi học vấn, tự do, nhân quyền.

Kiên gan bền chí

Ntaiya chào đời năm 1978 và lớn lên ở Enoosaen, ngôi làng của người Maasai thuộc khu vực Tây Nam Kenya (Đông Phi). Ở Kenya, Maasai là dân tộc có dân số khá đông, khoảng 1,5 triệu người. Họ xây dựng các làng biệt lập, duy trì văn hóa truyền thống và nổi tiếng khắp toàn cầu do phong tục, trang phục độc đáo.

Mặc dù được khen ngợi là cộng đồng bản địa đậm bản sắc nhất nhưng trong cộng đồng Maasai vẫn tồn tại 2 hủ tục: Cắt âm vật (Female Genital Mutilation - FGM) và tảo hôn. Ngay khi có dấu hiệu dậy thì, các bé gái phải trải qua nghi lễ FGM. Hủ tục FGM loại bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ. Nó không chỉ gây đau đớn khủng khiếp, mà còn nhiều hệ lụy sức khỏe, bao gồm từ nhiễm trùng tái phát đến đau mãn tính, u nang, mất khả năng mang thai, biến chứng trong khi sinh và xuất huyết gây tử vong.

FGM có mặt ở hầu hết các nước châu Phi. Theo dữ liệu từ UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) vào năm 2016, hơn 200 triệu phụ nữ ở châu lục này là nạn nhân của FGM. Pháp luật Kenya cấm hủ tục này kể từ năm 2001, nhưng theo số liệu thống kê mới nhất, thực hiện năm 2021, 4 triệu trẻ em gái và phụ nữ ở đất nước này vẫn bị FGM.

Các bé gái Maasai được phép đi học trước FGM. Sau FGM, họ phải ở nhà, kết hôn theo đính ước và trở thành người nội trợ. Năm 12 tuổi, Ntaiya bước vào tuổi dậy thì. “Tôi biết, sự sắp đặt của cha mẹ không phải áp đặt lên riêng tôi, mà là số phận chung của mọi cô gái trong làng. Tuy nhiên, tôi không muốn sống cuộc đời như thế. Tôi thích đi học và tôi mơ ước trở thành giáo viên”, Ntaiya kể lại.

Biết không thể tránh FGM, Ntaiya ra điều kiện với cha: “Trừ khi cha để con tiếp tục đi học, không thì đừng hòng con chịu FGM”. Đối với phụ huynh Maasai, con cái không qua FGM là phản truyền thống. Như hầu hết các bậc sinh thành, cha Ntaiya không chấp nhận hành vi này. Ông phớt lờ thỏa thuận của con gái.

“Nếu cha không đồng ý, con thề sẽ bỏ trốn, làm chuyện gây mất mặt cho cả nhà”, Ntaiya quyết liệt phản kháng. Cuối cùng, cha Ntaiya đành nhượng bộ, đồng ý cho con gái tiếp tục đi học sau khi FGM. Ông cũng tới nhà trai, hủy bỏ hôn ước.

Tiến sĩ Kakenya Ntaiya (1978), nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Kakenya’s Dream. Ảnh: IT

Tiến sĩ Kakenya Ntaiya (1978), nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Kakenya’s Dream. Ảnh: IT

Thuyết khách số 1

Phục hồi sức khỏe sau FGM, Ntaiya quay trở lại trường. Những năm trung học phổ thông, cô xây dựng quyết tâm tới Mỹ du học và biết không thể tự lực cánh sinh. Trước khi tốt nghiệp, Ntaiya quay lại làng, tiếp cận ban lãnh đạo và xin hỗ trợ tài chính. “Học xong, cháu sẽ trở về, đem học vấn giúp lại mọi người”, Ntaiya hứa.

Các già làng bị thuyết phục. Ntaiya thi đậu vào Trường Cao đẳng Nữ Randolph-Macon ở Lynchburg, Virginia, Mỹ. Những năm sinh viên, cô được báo chí Mỹ để ý. Tờ Washington Post dành cho Ntaiya 4 kỳ với tựa đề “Lời hứa của Kakenya”.

Tốt nghiệp đại học, Ntaiya liên thông cao học. Cô lấy bằng Tiến sĩ Giáo dục của Đại học Pittsburgh rồi mới quay trở lại quê nhà. Đúng như lời hứa, năm 2009, cô thành lập Kakenya’s Dream, tổ chức phi lợi nhuận vì quyền lợi của trẻ em Maasai, đặc biệt là trẻ em gái.

“Tận sâu trong tâm khảm, tôi luôn mong sao không còn bất kỳ bé gái nào phải đầu hàng FGM chỉ vì muốn đi học giống như mình. Dần dà, nỗi mong mỏi này trở thành mục đích cuộc đời”, Ntaiya chia sẻ.

“Trong tâm thức người làng tôi, FGM là cột mốc quan trọng nhất cuộc đời. Không ai xem nó là xấu xa hay nguy hiểm, mà tôn trọng và kính cẩn thực hành. Tảo hôn cũng chỉ là một chuẩn mực văn hóa. Giá trị của phụ nữ được đo bằng sính lễ đón dâu, số lượng gia súc nhà trai trao đổi. Cả FGM lẫn tảo hôn đều là tập tục ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ, truyền từ mẹ sang con gái. Muốn chấm dứt chúng, cần thay đổi ý thức. Đây là chuyện mà chỉ giáo dục mới dần dà làm được, chứ không phải cưỡng chế”, Ntaiya suy tính.

Vì ước mơ trở thành cô giáo, Ntaiya chấp nhận hy sinh. Ảnh: IT

Vì ước mơ trở thành cô giáo, Ntaiya chấp nhận hy sinh. Ảnh: IT

Thành công vang dội

Vào năm 2009, tuy đã qua gần 10 năm cấm FGM, 20% phụ nữ và trẻ em gái Kenya vẫn không tránh được hủ tục này. Tại các vùng sâu xa như làng của Ntaiya, tỷ lệ lên tới 80 – 90%. Ngay từ đầu, Ntaiya đã xác định “xóa bỏ FGM là chiến dịch trường kỳ”.

Kakenya’s Dream mở cửa với tư cách trường làng, nhận các bé gái dễ bị tổn thương, chăm sóc, dạy học vấn và đào tạo nghề nghiệp. Năm đầu tiên, nó chỉ có một lớp và 30 học sinh, tất cả đều là bé gái đang đứng trước nguy cơ bị FGM.

Chỗ dựa vững chãi nhất của Ntaiya chính là cha cô, người từng bằng mọi cách ép con gái phải FGM. Ông cùng con gái thuyết phục các phụ huynh trong làng đừng FGM và tảo hôn. Đổi lại, Kakenya’s Dream sẽ cung cấp cho con em họ chỗ ăn học, cơ hội ra bên ngoài học cao hơn, lấy bằng cấp cử nhân, thạc sĩ… rồi quay trở về phục vụ cộng đồng.

Mọi người trong làng đều biết Ntaiya, từng hỗ trợ, kỳ vọng và tự hào vì cô. Hàng chục rồi hàng trăm hộ náo nức cho con gái (thậm chí cả con trai) nhập trường. Từ Kakenya’s Dream, các bé gái trải qua giáo dục phổ thông và lớn lên an toàn. Trước khi có Kakenya’s Dream, 80% bé gái phải FGM, 50% tảo hôn, dưới 17% hoàn thành chương trình tiểu học. Sau khi có Kakenya’s Dream, 100% tránh được FGM và tảo hôn. Nhiều học sinh đã vào đại học và trở về với tư cách là giáo viên, y tá…

“Bí quyết thành công của chúng tôi nằm ở phương pháp tiếp cận toàn diện. Chúng tôi đài thọ học phí, vật dụng và mọi nhu cầu vật chất cá nhân khác cho học sinh nữ, loại bỏ dứt điểm áp lực tài chính, căn nguyên khiến các hộ nghèo không thể tránh tảo hôn”, Ntaiya cho biết.

Hiện nay, Kakenya’s Dream mở rộng thành tổ chức lớn, điều hành giáo dục, y tế, hoạt động chống FGM, tảo hôn và nâng cao ý thức cộng đồng. Tính đến nay, họ hỗ trợ toàn diện cho hơn 600 trẻ em gái, tiếp cận và giúp đỡ trên 15 nghìn trẻ em khắp Tây Nam Kenya.

Theo Globalcitizen

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ