Cô giáo hết lòng với trò khiếm thính

GD&TĐ - Gần 20 năm dạy học cho các em nhỏ khiếm thính, cô giáo Lâm Thị Minh Châu, giáo viên Trường Hy vọng quận 8, TPHCM luôn được phụ huynh tin tưởng, HS yêu mến, kính trọng.

Cô giáo Lâm Thị Minh Châu và các em HS trong giờ học
Cô giáo Lâm Thị Minh Châu và các em HS trong giờ học

Gắn bó với nghề

Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm năm 1999, cô giáo Minh Châu về công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật quận 12. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, cô đã đăng ký học lên CĐ rồi ĐH khoa Giáo dục đặc biệt. Sau đó, năm 2010, cô lập gia đình và chuyển về công tác tại Trường Hy vọng quận 8 cho tới bây giờ.

Cô kể, những ngày đầu đi dạy cách đây gần 20 năm, gặp các em HS khiếm thính, đó là thời điểm cô cảm thấy khó khăn nhất vì cô trò không thể giao tiếp với nhau, không biết truyền đạt ra sao cho trẻ hiểu… Dần dần, cô nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cô tìm tòi đọc thêm tài liệu, học cách nói chuyện bằng kí tự, hiểu trẻ hơn và mọi chuyện đã trở nên thuận lợi.

Theo cô Minh Châu, ở lớp khiếm thính, các em chia theo các cấp độ khác nhau: Có em vẫn có thể nghe ở mức nhẹ khi có máy trợ thính, các em có thể phát ra được âm có tiếng, có em thì không nghe được hoàn toàn và không thể phát âm. Vì vậy, tùy vào khả năng của các em, cô giáo sẽ chọn giáo án phù hợp, chọn phương pháp phù hợp để dạy.

Mỗi một lớp học của trẻ khiếm thính không đông, khoảng hơn 10 em, tuy nhiên để dạy các em nhớ được một bài thơ, làm được một phép toán hay nhớ các chữ cái không đơn giản. Do không nghe được, chủ yếu các em nhìn vào khẩu hình miệng của cô giáo hoặc ngôn ngữ kí hiệu hoặc tranh ảnh, để các em hiểu, nhớ. Với một bài thơ, có em phải mất cả tháng mới có thể thuộc nhưng cũng có em chỉ 2 - 3 ngày là nhớ bài. Vì vậy, đòi hỏi người giáo viên phải luôn nỗ lực, tận tụy và kiên nhẫn và đặc biệt là tình yêu thương dành cho trò.

Nhiều sáng kiến giúp trò tiến bộ

Có mặt tại lớp mẫu giáo của trường do cô Minh Châu phụ trách, các em nhỏ đang say sưa ôn tập lại bài thơ Yêu mẹ. Dù âm thanh các em phát ra chưa tròn vành rõ chữ, nhưng cô Châu vẫn dành những lời khen: “Khang con làm rất tốt. Luân con rất giỏi…” để động viên trò.

Trước khi ôn lại bài thơ, cô Minh Châu đã dùng ngôn ngữ kí hiệu để giúp các em nhớ lại một lần, sau đó mời từng đôi bạn xung phong lên để ôn tập.

Lớp học được trang trí rất nhiều màu sắc, hình vẽ phù hợp với lứa tuổi 4 - 6. Học về chữ cái, cô thiết kế thành hình cây, mỗi quả ở cành cây là một chữ cái. Học về con số cô giáo có minh họa thêm những bông hoa, những chú chim để học trò có thể đếm được.

Lớp dù ít nhưng cô Châu chia thành các tổ “mèo con”, “thỏ trắng”, “gấu” để các em cùng với bạn của mình làm việc nhóm, cùng hỗ trợ lẫn nhau, tham gia trò chơi vận động.

Trong quá trình công tác, dạy các em khiếm thính ở nhiều mức độ khác nhau, ở nhiều độ tuổi khác nhau (lớp mầm non và lớp tiểu học), cô Minh Châu đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm để giúp trò tiến bộ mỗi ngày. Đó là các đề tài được công nhận cấp quận như: Dạy Toán hiệu quả cho trẻ khiếm thính; Biện pháp dạy phát âm vần cho HS khiếm thính lớp Một; Phát triển giao tiếp cho HS khiếm thính lớp Một; Luyện phát âm cho HS khiếm thính mẫu giáo.

Cô cũng từng đoạt giải Nhì giáo viên dạy giỏi HS khuyết tật cấp thành phố, liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô Lâm Thị Minh Châu còn vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 do Sở GD&ĐT TPHCM trao tặng nhân dịp 20/11 tới đây. Đây là giải thưởng thường niên được Sở tổ chức nhằm tôn vinh những nhà giáo tâm huyết, gắn bó lâu năm với nghề, có nhiều sáng tạo đổi mới trong dạy học, được đồng nghiệp tín nhiệm, tin yêu, được phụ huynh, HS kính trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.